
Sau 6 tháng triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm (ATTP) cấp phường/xã ở 5 quận/huyện (3, 5, Bình Tân, Bình Chánh, Hóc Môn), số cơ sở được thanh tra, xử phạt tại TPHCM còn “khiêm tốn”, hiệu quả chưa như mong muốn. Nguyên nhân do công tác thanh tra còn nhiều bất cập như thiếu nhân sự, chuyên môn, thủ tục rườm rà…
Cán bộ thanh tra độc lập… bị đuổi
Là một trong 5 quận/huyện được thí điểm thanh tra ATTP cấp phường/xã, quận 5 có địa bàn dân cư rộng, số cơ sở sản xuất-kinh doanh-chế biến thực phẩm, nhất là quán ăn, hàng rong, phụ gia thực phẩm khá lớn. Thế nhưng, bà Trịnh Thị Phương Thảo, Phó trưởng đoàn Thanh tra ATTP quận 5, cho biết qua 6 tháng triển khai ở phường 7 và phường 13, mới thanh tra được 60 cơ sở, xử lý 32 cơ sở. Theo bà Thảo, số lượng như vậy là còn ít mặc dù đã rất cố gắng. Một trong những lý do được bà Thảo đưa ra là việc mỗi lần thành lập đoàn thanh tra khá khó khăn, trong khi quy định cho phép thanh tra độc lập (một cán bộ đi thanh tra) chưa triển khai được. “Cử một cán bộ xuống thanh tra thì bị cơ sở gây khó dễ, không hợp tác, thậm chí đánh đuổi”, bà Thảo phân trần.
Đại diện Phòng Y tế quận 3 cũng quan ngại tính khách quan của thanh tra độc lập vì sau khi thanh tra, tổ giám sát tái kiểm tra thì không thấy các cơ sở chuyển biến gì. Vị đại diện Phòng Y tế quận 3 cho biết thêm, quy mô thủ tục thanh tra thức ăn đường phố còn rườm rà. Còn đối với các cơ sở sản xuất nước đá thì đợi kết quả kiểm nghiệm tới 7 ngày là quá lâu để ra quyết định xử phạt. Tương tự, ông Đào Đình Thiện, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, cho rằng địa bàn có tới 90% cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thức ăn nhỏ lẻ nhưng vẫn áp dụng quy trình thủ tục như thanh tra nhà nước thì quả phiền phức. Riêng về thanh tra độc lập, ông Thiện cũng thừa nhận cán bộ còn non yếu chuyên môn nên không tự tin làm, sợ bị kiện.
Trong khi đó, việc thiếu nhân sự, chuyên môn đang khiến huyện Hóc Môn chưa mạnh dạn thanh tra nhiều cũng như chưa xử phạt. Ông Đỗ Thanh Hòa, Phó chủ tịch UBND huyện Hóc Môn cho biết, hiện bộ phận thanh tra chuyên ngành ATTP chưa có chuyên trách, kinh nghiệm cũng thiếu nên dù có thanh tra nhưng chỉ dừng lại ở nhắc nhở. Tương tự, bà Huỳnh Thị Yến Linh, Trưởng phòng Y tế huyện Bình Chánh, cho biết tuyến xã chưa có nhân sự chuyên trách thanh tra ATTP, nếu dựa trên tiêu chuẩn công chức viên chức thì ở xã Vĩnh Lộc A mới có Phó Chủ tịch xã đạt chuẩn!

Hàng rong, thức ăn có nguy cơ mất vệ sinh ATTP cao
Báo trước dễ bị đối phó
Ông Đào Quang Hưng, Trưởng bộ phận thanh tra phía Nam (Bộ NN-PTNT), nhìn nhận “mặt trận” ATTP vẫn còn nóng bỏng, 2/3 cơ sở qua kiểm tra đều vi phạm ATTP. Tình trạng mất ATTP được ông Hưng nhấn mạnh lại như nông sản chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, nitrat; thịt, cá chứa formol, kháng sinh, sabutamol. Tuy nhiên, theo ông Hưng, việc thanh tra chuyên ngành ATTP hiện vẫn chủ yếu thông báo trước cho đối tượng cơ sở nên hiệu quả chưa cao, dễ bị đối phó. “Có lần đoàn thanh tra từ trung tâm thành phố về huyện Củ Chi mất hết 2 giờ để thanh tra cơ sở, nhưng đến nơi thì cơ sở đã đối phó, đóng cửa”, ông Hưng nói. Do đó, ông Hưng đề nghị tăng cường thanh tra đột xuất thay vì báo trước 5 ngày như hiện nay.
|
Trước đó, Bộ Y tế cũng nhận thấy việc thanh tra báo trước chưa phát huy hiệu quả nên ban hành Công văn số 2362/BYT-ATTP chỉ đạo sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tham mưu cho UBND tỉnh/thành phố thực hiện các hoạt động bảo đảm ATTP trên địa bàn, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất việc chấp hành các quy định về ATTP kể từ tháng 5-2016.
TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, cho rằng việc triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP tại TPHCM còn chậm; vai trò hướng dẫn thanh tra của Sở Y tế, Sở NN-PTNT, Sở Công thương còn hạn chế; thiếu chủ động trong bố trí nhân sự đoàn thanh tra mặc dù quy định cho phép thành phần gồm cả nông nghiệp, kinh tế, công an; mới chỉ tập trung thanh tra các cơ sở thuộc quản lý của ngành y tế mà chưa chú ý đến các cơ sở thuộc quản lý của ngành nông nghiệp, công thương… TS Nguyễn Thanh Phong đề nghị TPHCM quyết tâm và nêu cao trách nhiệm hơn; chủ tịch hay phó chủ tịch quận/huyện phải trực tiếp ra hiện trường thanh tra 1-2 lần mỗi tháng; mở rộng đối tượng thanh tra… “Đối tượng thanh tra không chỉ thức ăn đường phố mà ngay cả chăn nuôi, trồng trọt, giết mổ, thậm chí cả thực phẩm chức năng cũng được phép thanh tra”, TS Phong nói.
Trước thực trạng trên, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu yêu cầu các quận/huyện tham gia thí điểm và các sở ngành liên quan phải tiếp tục kiên trì, đẩy mạnh tốc độ triển khai; mở rộng đối tượng thanh tra ra các cơ sở thuộc ngành nông nghiệp, công thương; tăng cường thanh tra đột xuất thay vì báo trước; cập nhật các quy định, hướng dẫn cho các phường/xã; mời gọi các tổ chức chính trị-xã hội, đoàn thể, mặt trận tổ quốc cùng vào cuộc… Hơn nữa, việc thanh tra không phải cứ chỉ xử phạt mà quan trọng là phải nhắc nhở, hướng dẫn người dân, cơ sở chấp hành pháp luật, giúp người dân ý thức trách nhiệm…
TƯỜNG LÂM