Thí điểm xây dựng khu phố thông minh

Mỗi khu phố đóng vai trò như một tế bào, một đơn vị nhỏ của đô thị. Vì vậy, việc phát triển khu phố thông minh là nền tảng vững chắc để định hình, hướng đến mục tiêu xây dựng một thành phố thông minh trong tương lai.

Sau quá trình sắp xếp, TPHCM hiện có 3.654 khu phố và 1.207 ấp, không còn tổ dân phố - tổ nhân dân. Việc này không chỉ giúp tối ưu hóa bộ máy ở cấp cơ sở mà còn giảm chi phí vận hành. Mới đây, Thường trực Thành ủy TPHCM yêu cầu các địa phương triển khai các nền tảng ứng dụng cho hoạt động khu phố, ấp, nhằm đảm bảo mối liên kết chặt chẽ giữa chính quyền và nhân dân, thể hiện tinh thần “gần dân, sát dân”.

Việc sắp xếp khu phố và ấp không chỉ là một thách thức mà còn là cơ hội để các địa phương thay đổi mô hình quản trị, vận hành khu phố dựa trên nền tảng công nghệ. Tích hợp các giải pháp thông minh vào mọi mặt đời sống người dân từ quản lý giao thông, năng lượng, môi trường, an ninh đến giáo dục, y tế là một phần không thể thiếu.

Ở đó, khu phố thông minh sẽ vận hành hệ thống camera giám sát giao thông, giám sát an ninh trật tự. Người dân có thể tra cứu thông tin về tình hình giao thông qua các ứng dụng di động hoặc bảng thông tin điện tử. Cư dân trong khu phố có thể phản ánh những vấn đề an ninh trật tự, môi trường qua các nền tảng mạng xã hội, ứng dụng đến chính quyền cơ sở một cách nhanh chóng và theo dõi được quá trình tiếp nhận, xử lý của chính quyền. Trưởng khu phố, lực lượng cảnh sát khu vực, khu đội trưởng, ấp đội trưởng giữ vai trò quan trọng trong việc tiếp nhận, xử lý các vấn đề trong công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

Tuy nhiên, để xây dựng khu phố thông minh thành công, cần phải xem xét các yếu tố đa dạng như hạ tầng công nghệ, nguồn lực tài chính và sự tham gia của cộng đồng dân cư. Việc đảm bảo bảo vệ quyền riêng tư và bảo mật thông tin cũng là một thách thức cần được quan tâm trong quá trình xây dựng khu phố thông minh. Song, cho dù đối mặt với nhiều thách thức thì việc xây dựng khu phố thông minh là bước đi quan trọng và cần thiết để định hình một TPHCM thông minh, bền vững trong tương lai.

Xây dựng khu phố thông minh không chỉ là việc áp dụng công nghệ mà còn là việc giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương, gắn kết cộng đồng dân cư. Hoạt động văn hóa cộng đồng cần được thúc đẩy, tạo sự gắn kết và tình thân thiện với thiên nhiên. Việc thành lập tổ tự quản và triển khai các giải pháp an toàn, an ninh cũng là yếu tố không thể thiếu để tạo ra một môi trường sống an lành, an toàn cho cộng đồng dân cư.

Tin cùng chuyên mục