Thị trường gạo biến động: Chủ động nguồn cung, đảm bảo giá cả

Ngay sau khi Chính phủ Ấn Độ tạm dừng xuất khẩu gạo, ước tính 40% nguồn cung xuất khẩu gạo trên toàn cầu sụt giảm; đó là chưa tính các nước UEA, Nga cũng thực thi lệnh tương tự. Thực tế này đã khiến cho đơn hàng xuất khẩu gạo trong nước tăng vọt, kéo theo đó giá thu mua đầu vào tăng mạnh...
Công ty Gạo Trung An đóng gói gạo A An xuất khẩu
Công ty Gạo Trung An đóng gói gạo A An xuất khẩu

Nhu cầu mua gạo tăng

Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xuất nhập khẩu Intimex (TPHCM), cho biết, ngay sau khi có thông tin thị trường gạo toàn cầu đang khan hiếm do một số nước ngưng xuất khẩu gạo, công ty đã lập tức khảo sát nhu cầu nhập khẩu gạo từ các thị trường truyền thống như Philippines, Indonesia, Trung Quốc… Kết quả cho thấy, các nước này đều có nhu cầu nhập khẩu lượng gạo lớn của Việt Nam.

Cụ thể thị trường Philippines cần nhập thêm 1,5 triệu tấn gạo (dù trước đó vừa nhập khẩu 1,5 triệu tấn gạo của Việt Nam), kế đến là Indonesia có nhu cầu 1 triệu tấn gạo (trước đó nước này không nhập khẩu gạo của Việt Nam), Trung Quốc cũng sẽ mua thêm 500.000 tấn gạo. Bên cạnh đó, do đồng tiền Thái Lan đang có chiều hướng tăng giá nên một số khách hàng vốn nhập khẩu gạo của Thái Lan dịch chuyển sang tìm kiếm nguồn cung nhập khẩu gạo từ Việt Nam.

Đồng thuận với phân tích trên, ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời thông tin thêm, không dừng lại những thị trường trong khu vực châu Á mà các thị trường châu Âu, châu Phi… cũng đang ráo riết tìm kiếm nguồn cung nhập khẩu gạo từ Việt Nam. Hiện gạo Việt Nam được nhiều thị trường ưa chuộng do chủng loại đa dạng, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng.

Gạo của Tập đoàn Lộc Trời đang vận chuyển để xuất khẩu

Gạo của Tập đoàn Lộc Trời đang vận chuyển để xuất khẩu

Quan trọng hơn, chất lượng gạo xuất khẩu đã cải thiện và đáp ứng các tiêu chuẩn gắt gao từ những thị trường cao cấp như châu Âu, Hoa Kỳ, Canada, Australia... Mặt khác, nhu cầu tiêu dùng toàn cầu suy giảm, nhưng gạo là mặt hàng nhu yếu phẩm nên các điều kiện ngoại cảnh như suy thoái kinh tế, dịch bệnh… sẽ thúc đẩy việc đảm bảo an ninh lương thực và tiêu thụ lúa gạo tại các nước trên thế giới. Ghi nhận thực tế của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho thấy, nhu cầu khách hàng mua gạo và ký hợp đồng tăng trên tất cả các thị trường, nhiều đơn hàng có thời điểm giao từ nay đến cuối năm 2023.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, từ đầu năm đến nay, sản lượng gạo xuất khẩu đạt gần 3 triệu tấn, tăng 43,60%; giá gạo xuất khẩu đạt mức 534 USD/tấn, tăng 9,2% so với năm 2022. Thời điểm này, cả nước đang sản xuất lúa rất thuận lợi và có thể đạt kế hoạch là 43 triệu tấn lúa cho năm nay. Trong bối cảnh nhu cầu nhập khẩu gạo từ Việt Nam đang tăng mạnh thì việc đạt mục tiêu xuất khẩu 6,6 triệu tấn gạo đề ra là khả quan.

Lo loạn giá thu mua

Ở chiều ngược lại, nhiều doanh nghiệp không khỏi lo lắng vì những ngày gần đây giá lúa gạo thu mua trong nước có dấu hiệu tăng và giá cả bất nhất tại nhiều khu vực. Cụ thể, bước vào đầu tháng 8-2023, lúa hè thu cuối vụ đã bật lên mức 6.800-7.000 đồng/kg, cao hơn 1.000-1.500 đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xuất khẩu, nhất là những doanh nghiệp đã ký các hợp đồng giao gạo trước đó.

Thời cơ để Việt Nam tăng xuất khẩu gạo

Tại buổi họp báo chiều 1-8, ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ NN-PTNT, cho biết, vài ngày gần đây giá gạo tăng rất cao. Giá lúa IR50404 lên mức 6.500 đồng/kg, lúa OM 5451 lên mức 6.800 đồng/kg, lúa Đài thơm lên mức 6.950 đồng/kg. Xuất khẩu gạo 7 tháng năm 2023 của Việt Nam đạt 4,84 triệu tấn, giá trị 2,58 tỷ USD, tăng 29,6%.

Trả lời báo chí về tình hình sản xuất và nắm bắt thời cơ đẩy mạnh xuất khẩu gạo trong bối cảnh giá gạo thế giới liên tục tăng cao, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết, tận dụng thời cơ giá lúa gạo đang tăng cao, Cục Trồng trọt đã bố trí nâng diện tích sản xuất vụ thu đông ở ĐBSCL từ 650.000ha lên 700.000ha. Đây là thời cơ để chúng ta xuất khẩu gạo, không tranh thủ sẽ lỡ cơ hội. Ngày 31-7, Bộ NN-PTNT đã trình Thủ tướng ban hành Chỉ thị về tăng cường xuất khẩu gạo trong bối cảnh hiện nay. Sau khi chỉ thị được ban hành, các bộ, ngành và địa phương sẽ tập trung các giải pháp kỹ thuật, hành chính, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nông dân để tăng xuất khẩu gạo.

Theo Cục trưởng Cục Trồng trọt, kế hoạch gieo cấy năm 2023 là 7,1 triệu ha, sản lượng dự kiến đạt trên 43 triệu tấn. Bộ NN-PTNT đã kiểm tra tình hình sản xuất lúa tại đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ và ĐBSCL, đến thời điểm này có thể khẳng định sinh trưởng và phát triển của cây lúa đang rất tốt, có thể đạt được mục tiêu trên 43 triệu tấn. Dự kiến, năm nay Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 7,8 triệu tấn gạo. Việc đẩy mạnh xuất khẩu tại thời điểm này sẽ không ảnh hưởng đến an ninh lương thực.'

VĂN PHÚC

Ông Nguyễn Văn Thành, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV, cho biết, do giá gạo thu mua tăng cao (có ngày tăng 100-200 đồng/kg) và doanh nghiệp chưa sẵn sàng lượng hàng tồn kho nên ngại đàm phán ký hợp đồng xuất khẩu mới trong thời điểm này. Tình trạng chung là một số doanh nghiệp đang cố gắng thực hiện cho xong hợp đồng ký trước đó. “Thậm chí, công ty đang có nguy cơ bị phạt hợp đồng đối với các công ty vận chuyển do tàu, thuyền đã đến cảng nhưng hàng không có để giao cho các đối tác vốn đã ký hợp đồng trước đó”, ông Đỗ Hà Nam lo lắng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tâm lý chung của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo hiện nay là chờ và không tính được “đường xa”. Không những thế, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng đang thận trọng với những khách hàng mới, lạ vì rất dễ bị lừa đảo như tình trạng các lô hàng tiêu, điều đã xảy ra. Trước tình hình xuất khẩu gạo trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNT, cho biết, bộ đã làm việc với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo.

Trước tiên yêu cầu các doanh nghiệp phải thực hiện đúng Nghị định 107 của Chính phủ về xuất khẩu gạo, cần thường xuyên theo dõi các chỉ đạo của Bộ Công thương và Bộ NN-PTNT để tránh những rủi ro có thể xảy ra. Về việc kiểm soát giá lúa, Bộ NN-PTNT đã nắm được phản ánh, dự kiến sẽ họp khẩn và có giải pháp cụ thể sát thực tế để đảm bảo giá gạo không tăng cao, ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu. Vấn đề là giá gạo xuất khẩu cần có tính toán điều chỉnh lại theo hướng có lợi hơn cho nông dân, nhưng cũng phải phù hợp với lộ trình xuất khẩu của doanh nghiệp.

- Ông LÊ HỮU TOÀN, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang:

Thương lái đặt cọc trước thu hoạch

Hoạt động thu mua lúa đang diễn ra sôi động tại nhiều địa phương, mặc dù thời điểm này không phải cao điểm thu hoạch lúa hè thu năm 2023. Những ngày qua, giá lúa bắt đầu rục rịch tăng, nhiều cánh đồng chưa đến ngày thu hoạch nhưng đã có thương lái đến xem lúa và bỏ cọc trước.

Có thể thấy, giá lúa, gạo xuất khẩu tăng là điều đáng mừng, nhưng nông dân miền Tây vẫn lo lắng khi lúa thu đông vừa xuống giống sẽ lệ thuộc vào “canh bạc thời tiết của ông trời”. Hơn bao giờ hết, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cần bình tĩnh, để phản ứng linh động với thị trường xuất khẩu - nhất là khi hạt gạo của vựa lúa miền Tây ngày càng chịu nhiều rủi ro trong sản xuất.

- Ông TRẦN NGỌC TRUNG, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam:

Xuất khẩu gạo tăng cả về lượng và giá trị

So với năm trước, năm nay diện tích trồng lúa giảm 100.000ha nhưng sản lượng lại đạt cao hơn năm trước. Dự báo, xuất khẩu gạo năm nay sẽ tăng cả về sản lượng và giá trị so với năm 2022 (7,2 triệu tấn, đạt giá trị 3,45 tỷ USD). Nguyên nhân là do nhiều nước trồng lúa bị ảnh hưởng bởi thiên tai, El Nino nên sản lượng gạo toàn cầu đang thiếu hụt nghiêm trọng, phải tăng cường dự trữ gạo nhằm đảm bảo an ninh lương thực.

Tuy nhiên, hiệp hội cũng khuyến cáo các doanh nghiệp khi ký hợp đồng xuất khẩu thì trong kho phải có khoảng 60%-70% sản lượng đơn hàng, tránh tình trạng “tay không bắt giặc”, doanh nghiệp ký hợp đồng xuất khẩu xong đi mua sẽ có nguy cơ không đủ số lượng hoặc giá tăng cao sẽ phá vỡ thỏa thuận, ảnh hưởng đến uy tín các doanh nghiệp Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục