Thị trường lao động Hàn Quốc: Khởi sắc và hấp dẫn

Năm 2010, thị trường lao động Hàn Quốc khởi sắc và hấp dẫn lao động Việt Nam bởi mức thu nhập cao. Mới đây, Bộ LĐTB-XH cho biết sẽ tổ chức kỳ kiểm tra tiếng Hàn lần 7 để tuyển thêm 8.000 lao động đi làm việc tại Hàn Quốc. Để bạn đọc rõ hơn về vấn đề này, PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Xê, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM.* PV:
Thị trường lao động Hàn Quốc: Khởi sắc và hấp dẫn

Năm 2010, thị trường lao động Hàn Quốc khởi sắc và hấp dẫn lao động Việt Nam bởi mức thu nhập cao. Mới đây, Bộ LĐTB-XH cho biết sẽ tổ chức kỳ kiểm tra tiếng Hàn lần 7 để tuyển thêm 8.000 lao động đi làm việc tại Hàn Quốc. Để bạn đọc rõ hơn về vấn đề này, PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Xê, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM.

* PV:
Nhiều người tại TPHCM muốn đi làm việc tại Hàn Quốc nhưng không biết đăng ký tại đâu, quy trình thủ tục như thế nào, ông có thể cho biết cụ thể?

* Ông NGUYỄN VĂN XÊ: Sau khi có thông báo về việc Hàn Quốc tiếp tục tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc, Sở LĐTB-XH TPHCM đã có văn bản gửi các phòng LĐTB-XH quận, huyện đề nghị phổ biến rộng rãi cho người dân biết về trình tự, thủ tục đăng ký đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình cấp phép lao động của Hàn Quốc (EPS).

Đây là chương trình do Bộ LĐTB-XH ký kết thỏa thuận với Bộ Lao động Hàn Quốc và giao Trung tâm Lao động ngoài nước (thuộc Bộ LĐTB-XH) trực tiếp phối hợp Cơ quan Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc tổ chức kiểm tra tiếng Hàn, tiếp nhận và gửi hồ sơ đăng ký dự tuyển của người lao động sang Hàn Quốc để giới thiệu chủ sử dụng lao động lựa chọn.

Theo chương trình EPS, quyền lợi, chế độ của người lao động Việt Nam được đảm bảo ngang bằng với người lao động bản xứ. Người lao động Việt Nam được làm việc tại Hàn Quốc tối đa 5 năm, hợp đồng lao động được gia hạn sau mỗi năm làm việc.

Điều kiện đầu tiên để đi làm việc tại Hàn Quốc, người lao động phải chủ động học tiếng Hàn để có đủ trình độ tham dự kỳ kiểm tra tiếng Hàn. Kỳ kiểm tra tiếng Hàn được thực hiện thống nhất theo thông báo của Bộ LĐTB-XH về thể lệ kiểm tra, ngày kiểm tra và thời gian tiếp nhận đăng ký kiểm tra.

Người lao động đến đăng ký trực tiếp tại Sở LĐTB-XH hoặc tại Trường Dạy nghề thuộc Bộ Quốc phòng nếu là bộ đội xuất ngũ đang học nghề tại trường. Theo yêu cầu từ phía bạn, người lao động Việt Nam phải tham dự và đạt yêu cầu qua kỳ kiểm tra tiếng Hàn Quốc do Cơ quan Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc tổ chức theo sự ủy quyền của Bộ Lao động Hàn Quốc.

Người lao động đăng ký dự kỳ thi tiếng Hàn lần 6-2010.

Người lao động đăng ký dự kỳ thi tiếng Hàn lần 6-2010.

* Điều kiện để người lao động được dự kỳ kiểm tra tiếng Hàn?

* Người lao động tham dự kiểm tra tiếng Hàn phải đáp ứng các điều kiện sau: Từ đủ 18 tuổi đến dưới 39 tuổi, có hộ khẩu thường trú tại TPHCM hoặc đang học tập tại các cơ sở đào tạo trên địa bàn TP; phải đủ sức khỏe làm việc tại nước ngoài; không có tiền án, tiền sự và không thuộc diện bị cấm nhập cảnh Hàn Quốc hay bị cấm xuất cảnh khỏi Việt Nam.

Những năm trước đây, chỉ tiêu dự thi được phân bổ cho từng địa phương nên người lao động chỉ cần đạt 80/200 điểm sẽ được gửi hồ sơ sang dự tuyển tại Hàn Quốc để chủ sử dụng lao động tuyển chọn.

Năm nay, tất cả lao động có nguyện vọng đi lao động tại Hàn Quốc đều có thể tham dự kỳ thi này và tùy theo chỉ tiêu sẽ chọn lấy điểm từ trên xuống. Sau khi kiểm tra tiếng Hàn đạt yêu cầu, người lao động mua hồ sơ đăng ký dự tuyển tại Sở LĐTB-XH hoặc các trường dạy nghề thuộc Bộ Quốc phòng.

Người lao động kê khai, bổ sung các giấy tờ cần thiết vào hồ sơ và nộp trực tiếp tại Sở LĐTB-XH hoặc các trường dạy nghề thuộc Bộ Quốc phòng để nơi đây tập trung hồ sơ gửi về Trung tâm Lao động ngoài nước.

Tại đây, hồ sơ của người lao động được kiểm tra lần cuối, nếu đáp ứng đủ điều kiện theo quy định sẽ được nhập vào máy tính và gửi sang Hàn Quốc để giới thiệu chủ sử dụng lao động Hàn Quốc lựa chọn. Chỉ những người được chủ sử dụng lao động Hàn Quốc lựa chọn mới được làm thủ tục xuất cảnh sang Hàn Quốc. Hồ sơ đăng ký dự tuyển có hiệu lực trong vòng một năm. Quá thời hạn trên mà chưa được chủ sử dụng lao động lựa chọn, người lao động sẽ bị xóa tên khỏi danh sách đăng ký dự tuyển.

Khi người lao động được chủ sử dụng lao động Hàn Quốc lựa chọn, ký hợp đồng, Trung tâm Lao động ngoài nước sẽ thông báo Sở LĐTB-XH và người lao động để người tham dự khóa bồi dưỡng kiến thức cần thiết trước khi xuất cảnh.

* Ông có thể cho biết tổng chi phí mỗi lao động đi làm việc tại Hàn Quốc hiện tại là bao nhiêu?

* Khi nhận được thông báo học bồi dưỡng kiến thức cần thiết, người lao động phải nộp 630 USD theo quy định của Bộ LĐTB-XH. Trong trường hợp vì lý do nào đó người lao động không thể xuất cảnh sang Hàn Quốc sẽ được hoàn trả khoản tiền đã nộp sau khi khấu trừ chi phí các nội dung đã thực hiện (lệ phí visa nếu đã được cấp, chi phí bồi dưỡng kiến thức nếu đã tham dự khóa học...).

Sau khi người lao động hoàn tất các thủ tục cần thiết như đã nêu, Trung tâm Lao động ngoài nước sẽ gửi công văn thông báo thời gian xuất cảnh cho Sở LĐTB-XH và trực tiếp cho người lao động biết.

Khi nhận được thông báo xuất cảnh, người lao động phải nộp và mang theo các khoản tiền sau: 280.000 đồng cho trang phục mùa hè hoặc 300.000 đồng cho trang phục mùa đông; 100.000 đồng tham gia Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước và mang theo 500 USD sang Hàn Quốc để mua bảo hiểm rủi ro và bảo hiểm hồi hương. Tính ra, tổng chi phí chưa đến 1.200 USD/người.

Ngoài các chi phí trên, người lao động không phải đóng thêm khoản nào. Chúng tôi khuyến cáo người dân nên đi đăng ký trực tiếp, không nên tin theo cò mồi, môi giới dẫn đến tình trạng “tiền mất, tật mang”.

Theo thông báo của Bộ LĐTB-XH, chương trình cấp phép mới sẽ tổ chức vào ngày 17-10 và ngày 5-12 dành cho thí sinh dự kiểm tra tiếng Hàn để đi làm việc trong ngành ngư nghiệp. Thời gian đăng ký dự kiểm tra tiếng Hàn trong 4 ngày (từ ngày 26 đến 29-8). Lệ phí kiểm tra tiếng Hàn là 17 USD/người (nộp bằng tiền Việt Nam theo tỷ giá quy đổi). Chỉ tiêu dự kiến là 8.000 người, trong đó ngành sản xuất chế tạo 5.000 người, ngành xây dựng 1.000 người và ngành nông nghiệp 2.000 người.

Tại TPHCM, địa điểm đăng ký: Sở LĐTB-XH TPHCM số 159 Pasteur, phường 6, quận 3. Trước đó, kỳ kiểm tra lần 1 vào tháng 5-2010 có gần 11.000 lao động vượt qua kỳ kiểm tra tiếng Hàn trong số 12.500 chỉ tiêu đi lao động tại Hàn Quốc.

HỒ THU thực hiện

Tin cùng chuyên mục