
* Căng thẳng thịt heo
Chỉ còn vài tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Mậu Tý. Hiện tại, trong khi giá cả hàng hóa tiếp tục leo thang, nguồn cung một số mặt hàng thực phẩm đã trở nên khan hiếm. Liệu điều này có ảnh hưởng đến nguồn hàng phục vụ tết sắp đến?
Thịt gia cầm, thủy hải sản: không thiếu

Các sạp hàng bánh mứt kẹo, lạp xưởng... tại chợ An Đông luôn dồi dào hàng hóa. Ảnh: ĐỨC THÀNH
Thông thường, bước vào quý 3 hàng năm, các doanh nghiệp (DN) đã chuẩn bị nguồn hàng phục vụ tết. Năm nay cũng không ngoại lệ.
Ông Huỳnh Văn Minh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), cho biết, đến thời điểm này, việc nuôi trồng một số nguồn hàng như thủy hải sản, cá đồng… phục vụ tết tương đối ổn.
Ngay từ tháng 6, các đơn vị thành viên đã hợp tác với trang trại ở các tỉnh để khoanh rộng diện tích nuôi trồng, đảm bảo nguồn hàng tăng 15% - 25% tùy loại so với năm ngoái. Việc dự trữ thực phẩm chế biến đông lạnh cũng được chuẩn bị khá tốt.
Tại Công ty Phú An Sinh và Huỳnh Gia Huynh Đệ (2 trong số 8 DN được UBND TPHCM giao nhiệm vụ chuẩn bị nguồn hàng) cũng đã lên kế hoạch khá kỹ để cung cấp đủ lượng thịt và trứng gia cầm trong dịp tết.
Theo kế hoạch, Phú An Sinh đã hợp tác với trang trại ở các tỉnh lân cận để nuôi gia cầm với số lượng lớn. Ngoài nhà máy giết mổ công suất 5.000 con/giờ đặt tại quận 12, sắp tới, công ty sẽ đưa vào hoạt động nhà máy giết mổ mới tại Vũng Tàu, công suất 16.000 con/ngày nhằm đảm bảo lượng thịt tươi sống phục vụ trong suốt tháng tết.
Trong 30 ngày trước và sau tết, Phú An Sinh sẽ cung cấp khoảng 90.000 con gà ta, 240.000 con gà thả vườn, 100.000 con gà công nghiệp. Công ty Huỳnh Gia Huynh Đệ cũng đã chuẩn bị 90.000 con gà tam hoàng, 60.000 con gà ta, 100.000 con vịt theo chỉ tiêu của UBND TPHCM.
Ngoài ra, công ty cũng sẽ giết mổ thêm hơn 200.000 con gà, vịt để đáp ứng nhu cầu sử dụng thực phẩm tươi sống của người dân. Hai công ty này cũng sẽ nhập khẩu khoảng 260.000 tấn đùi và cánh gà từ Mỹ, Brazil...
Hệ thống siêu thị Co.opMart cũng đang đặt hàng các DN, đồng thời tiến hành dự trữ bánh mứt, lạp xưởng, nước giải khát, thực phẩm đông lạnh… với sản lượng tăng 20% - 80% tùy loại so với cùng kỳ.
Đến thời điểm này, hầu hết DN đều xác nhận, công tác chuẩn bị hàng tết đã tạm ổn định.
Thịt heo: Vẫn là ẩn số
Cũng theo ông Huỳnh Văn Minh, nếu những năm trước ngay từ tháng 6, Vissan đã chuẩn bị cơ bản lượng heo đông lạnh và heo chuồng phục vụ tết, thì năm nay, đến thời điểm hiện tại, mặt hàng này vẫn đang… căng thẳng. Nguồn cung khan hiếm, giá heo hơi đang tăng từng ngày.
“Để đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất hàng thực phẩm chế biến và tươi sống, mỗi ngày Vissan phải thu mua khoảng 11 tấn thịt heo hơi. Nhưng trước tình hình này, Vissan đang rất khó khăn trong việc chuẩn bị nguồn hàng” - ông Bùi Duy Đức, Tổng giám đốc Công ty Vissan, thừa nhận.
Được biết, phía Vissan cũng đã tính đến chuyện phải nhập khẩu thịt heo, nhưng bài toán này vẫn chưa được áp dụng vì giá thịt nhập khẩu hiện vẫn cao hơn giá heo trong nước khoảng 4.000 - 5.000 đồng/kg. Hơn nữa, người tiêu dùng tại TP vẫn chưa có thói quen sử dụng thịt heo đông lạnh.

Dự kiến Tết Nguyên đán năm nay, Công ty Vissan sẽ cung ứng cho thị trường 6.000 tấn heo hơi, 1.000 tấn trâu bò. Ảnh: Dây chuyền giết mổ heo an toàn thực phẩm tại Vissan. Ảnh: ĐỨC THÀNH
Theo phân tích của ông Vũ Bá Quang, chủ trại heo giống VBQ Đồng Nai, sở dĩ nguồn heo đang bị khan hiếm là do một mặt bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, mặt khác giá cả thức ăn chăn nuôi tăng tới 30% so với hồi đầu năm nên nhiều hộ phải giảm đàn.
Theo báo cáo của tỉnh Đồng Nai, nếu những năm trước tổng đàn heo trong tỉnh liên tục tăng mạnh thì hiện nay cũng chỉ dừng ở mức 1,2 triệu con.
Những hộ nuôi heo lẻ giảm đến 60%, các trại chăn nuôi lớn cũng giảm đàn 20% - 30%. Trại heo Trí Công (Đồng Nai) trước đây xuất bán 800 con heo thịt/tháng thì nay chỉ còn khoảng 300 con/tháng.
Do heo hơi được giá nên hiện tại nhiều người chăn nuôi cũng muốn tăng đàn trở lại nhưng không mua được con giống vì tình hình dịch bệnh đã khiến các công ty giảm mạnh nguồn cung, đồng thời đẩy giá heo giống lên mức đỉnh điểm (45.000 đồng/kg).
Nhiều thương lái lo ngại, nguồn thịt heo dù không quá khan hiếm, giá bán chắc chắn cũng sẽ bị đẩy lên rất cao, nhất là khi các chủ trang trại đang sở hữu lượng heo khá lớn.
Giá sẽ tăng 15% - 20%
Không cần chờ đến dịp tết, ngay từ thời điểm này, giá bán nhiều mặt hàng vẫn tăng từng ngày. Tại Đồng Nai, “thủ phủ” chăn nuôi heo, chỉ trong 1 tuần giá heo hơi từ 2.400 đồng/kg đã tăng lên 2.700 đồng/kg. Theo dự báo, vào những ngày cận tết, giá heo hơi sẽ vượt ngưỡng kỷ lục 30.000 đồng/kg. Giá gà ta vào dịp tết có thể đạt tới 170.000 - 180.000 đồng/kg.
Do mưa bão kéo dài nên lượng rau Đà Lạt về TP giảm hẳn. Một số mặt hàng như bắp cải, xà lách,… trở nên khan hiếm. Theo các thương lái, nếu thời tiết còn thất thường, thì giá rau củ quả sẽ cao gấp 3 lần so với hiện nay!
Mặc dù việc đặt hàng tại các siêu thị phục vụ tết đã tạm ổn, nhưng ai cũng lắc đầu vì việc chào giá của các DN tăng quá cao. Theo tính toán của một siêu thị, nước giải khát tăng khoảng 10% - 15%; thực phẩm chế biến các loại tăng 20%; bánh kẹo dự kiến tăng 20%... Một DN sản xuất, chế biến lớn của TP thừa nhận, rất khó có thể dự báo giá hàng tết sẽ tăng đến mức nào, đặc biệt là vào những ngày cận tết.
THÚY HẢI