
Hôm qua 17-2, đúng rằm Tháng Giêng Tân Mão, trên khắp mọi miền đất nước đã diễn ra các hoạt động sôi nổi của Ngày thơ Việt Nam lần thứ IX. Người yêu thơ đã cùng thưởng thức thơ qua các cung bậc cảm xúc khác nhau.
Hút khách làng thơ
Một chút mưa xuân lây rây vào sáng sớm rằm tháng Giêng làm không khí của Ngày thơ Việt Nam lần thứ IX tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám năm nay thêm phần thi vị và lãng mạn.
Khác với mọi năm, mọi không gian của khu Văn Miếu - Quốc Tử Giám được tận dụng triệt để. Nếu khu vực Hồ Văn được coi là lãnh địa riêng của sân thơ thiếu nhi với cách bài trí vui nhộn bắt mắt, khu vực Đại Thành, An Thành năm nay được ưu ái dành riêng cho các câu lạc bộ thơ thỏa sức thể hiện mình. Hết thảy các thành viên các CLB thơ xứ Bắc đều nhiệt tình và dồn tâm huyết chuẩn bị những bức họa thơ, câu đối để tạo ấn tượng đẹp trong lần đầu xuất hiện trong ngày thơ.
Chuyên nghiệp và thu hút người tham gia ngày hội hơn cả là khu vực Thiên Quang Tỉnh, với vườn tượng chân dung của các nhà văn, nhà thơ tiêu biểu, những người đã được trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước trong lĩnh vực văn học nghệ thuật như Nam Cao, Nguyễn Đình Thi, Huy Cận, Xuân Diệu, Tố Hữu…

Học sinh xếp hàng vào xem gian thơ tái hiện sự ra đời của tác phẩm “Nhật ký trong tù” tại Ngày thơ Việt Nam ở TPHCM.
Trên sân khấu của thơ truyền thống, người yêu thơ đã cùng chia sẻ và “thưởng” thơ qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau qua những phần đọc thơ, hát thơ, ngâm thơ của các nghệ sĩ chuyên nghiệp và của chính các nhà thơ. Không thay đổi quá nhiều về hình thức, song với cách tổ chức chuyên nghiệp hơn dựa trên những thi phẩm đã làm xiêu lòng bao thế hệ độc giả, sân thơ truyền thống đã “cầm chân” người yêu thơ cho tới những phút cuối cùng của ngày hội.
Đúng như nhà văn Võ Thị Xuân Hà, người đã nhiều năm gắn bó với việc tổ chức sân thơ trẻ bật mí trước Ngày thơ Việt Nam, không gian của sân thơ năm nay được bài trí giản dị nhưng hiện đại và tươi trẻ. Và tại đây, lần đầu tiên sân thơ có một thi quán dành riêng có các tác phẩm của các tác giả thơ hiện đại đến từ miền Nam và Tây Nguyên do nhà thơ Tuệ Nguyên (Ninh Thuận), Trịnh Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu), Nguyễn Đức Phú Thọ (An Giang) đại diện. Trên sân khấu mang dáng vẻ của một màn hình máy tính với các phím gõ khổng lồ, công chúng yêu thơ tiếp tục lạc vào vườn thơ, được giao lưu cùng các tác giả để nghe họ tâm sự, giãi bày về nghề viết.
Song có lẽ công chúng yêu thơ cũng như ban tổ chức đã đặt ra quá nhiều kỳ vọng về một sân thơ hội tụ đủ yếu tố trẻ trung, sôi động nhưng vẫn có những khoảng lặng để các nhà thơ trẻ tự chiêm nghiệm vì thế đến với “Blog xuân 2011”- chủ đề của sân thơ hiện đại năm nay, nhiều người vẫn không tránh khỏi cảm giác chông chênh. Phải chăng đó chính là một phản ứng tự nhiên khi phần “nhìn” và phần “nghe” vẫn chưa tương tác. Khi trên sân khấu, các nhà thơ hiện đại dù đọc thơ của chính mình vẫn phải dùng “phao” cứu trợ khiến nhiều khán giả cứ mãi với thắc mắc không hiểu họ đọc thơ hay văn vần…
Ấn tượng thơ sinh viên
Dù tiết trời đã bắt đầu nắng nóng, ngày thơ Việt Nam tại TPHCM (được tổ chức tại Bến Nhà Rồng) đã thu hút nhiều nhà thơ là khách yêu thơ đến tham dự.
Năm nay, gian hàng thơ của khối các CLB thơ quận huyện vẫn thu hút khách tham quan như mọi năm nhờ có sự quan tâm, chăm chút của các nhà thơ. Xoay quanh chủ đề “Từ thành phố này Người đã ra đi” các gian thơ đều tập trung giới thiệu hình ảnh Bác Hồ cùng những bài thơ nổi tiếng hay những bài thơ tự sáng tác xoay quanh hành trình ra đi tìm đường cứu nước của Bác.
Ấn tượng đậm nhất lại đến từ hai gian thơ sinh viên. Gian thơ của CLB Văn học - Nghệ thuật Trường ĐH KHXH và NV gây chú ý với hình ảnh những khẩu súng, chiếc nón cối dựa trên tấm phông vẽ cảnh cánh võng mắc trên cành cây trong đêm trăng làm nổi bật chủ đề “Đầu súng trăng treo”.
Tuy nhiên, nếu nói đến ấn tượng, gian thơ có chủ đề “Nghênh diện lao” của các sinh viên CLB Ngữ văn thuộc Khoa Sư phạm khoa học xã hội (Đại học Sài Gòn) mới thực sự gây sửng sốt cho tất cả khách tham quan. Các sinh viên đã tạo hình cả một xà lim nhà tù màu đá đen ngay giữa trung tâm sân thơ. Bên ngoài căn xà lim mô phỏng này là tấm băng rôn “Gian hàng thơ - Tái hiện sự ra đời tác phẩm Nhật ký trong tù”.
Theo giải thích của các sinh viên, việc xây dựng một mô hình nhà lao sẽ giúp mọi người thấy rõ hơn, đồng cảm hơn với tình cảnh của Bác khi bị giam giữ… Trong một điều kiện khắc nghiệt như vậy, mấy ai lại có thể tìm được vẻ đẹp cuộc sống khi quanh mình là bốn bức tường nhà giam? Nhưng Bác đã làm được một điều tưởng chừng như không thể, đó chính là sáng tác.
Trái với sự sôi nổi của các gian thơ, phần giao lưu biểu diễn thơ trẻ diễn ra khá êm dịu như lời khẳng định của nhà thơ Phan Hoàng, Trưởng ban Văn học trẻ Hội Nhà văn TPHCM: “Nhà thơ trẻ TP làm thơ, yêu thơ, mê thơ trong thầm lặng, không ồn ào, náo nhiệt…”. Đáng chú ý là phần giới thiệu các nhà văn, nhà thơ vừa được kết nạp vào hội, ngoài những cái tên khá quen thuộc như Phan Hồn Nhiên, Vũ Đình Giang, Trương Gia Hòa, bạn thơ chú ý nhiều đến nhà thơ nữ còn rất trẻ Lê Thùy Vân với những vần thơ dịu dàng đầy nữ tính. Sự xuất hiện của những cây bút còn rất trẻ đã khiến ngày thơ ấn tượng hơn.
|
VĨNH XUÂN - TƯỜNG VY