Thiên nhiên thanh xuân là một phần đời của con người. Người xưa đã tìm về thiên nhiên với nhiều cách chọn lựa. Xa lánh chốn phồn hoa, tìm lại bản ngã, lui về ở ẩn, vui thú điền viên… Các vị quan xưa, kẻ thì cáo bệnh, người thì bất mãn vua chúa, đồng liêu… Những ẩn sĩ đã gửi gắm tâm sự với cây cỏ, hoa trái, chia sẻ nỗi lòng với thiên nhiên thanh xuân.
Vị quan thanh liêm Chu Văn An thời vua Trần Minh Tông, đã dâng “Thất trảm sớ” xin chém bảy tên nịnh thần nhưng vua không nghe, ông liền từ quan. Nỗi cảm hoài man mác trước mùa xuân: “Khói lịm bếp trà, hương bách tắt/ Chim khe lên tiếng lúc xuân tàn”. Và gần ngàn năm trước, thiền sư Mãn Giác đã nghiệm ra rằng bề ngoài xuân có tàn, có diệt theo quy luật sinh tồn và có lúc ra đi, khi trở lại theo luật tuần hoàn của tạo hóa nhưng cái bất sinh, bất diệt thì lại ở đằng sau cảnh giới: “Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết/ Đêm qua sân trước một cành mai”. Người xưa đã tìm về với thiên nhiên thanh xuân là như vậy đó.
Thiên nhiên thanh xuân ở quê tôi cách đây hơn nửa thế kỷ còn giữ được nếp xưa. Dấu ấn thiên nhiên như còn đắm sâu trong ký ức tuổi thơ. Chỉ với con gà đất được nặn bằng đất sét, vừa để chơi, vừa thổi thành tiếng ở chợ tết Gia Lạc, là đã tràn ngập âm thanh và sắc màu của ngày xuân.
Chợ Gia Lạc chỉ họp vào ba ngày tết. Chợ do Định Viễn Công Nguyễn Phúc Bình, hoàng tử thứ tư của vua Gia Long lập ra bên bờ sông Hương, nằm gần Vỹ Dạ. Đến tết là họp phiên chợ, người ra, kẻ vào thật đông vui. Chợ Gia Lạc là chợ tết lâu đời nhất miền Trung. Thuyền, ghe của giới thương hồ từ vùng đất Quảng, từ các làng biển phá Tam Giang, phá Cầu Hai… đổ về.
Chợ tết có bày hàng bán thức ăn, sản vật các làng quê quanh vùng và các làng xa, bán đồ chơi cho trẻ em làm bằng đất sét, bằng bột, bằng giấy, những chiếc lùng tung đủ màu sắc, những con gà đất biết gáy vang chợ, những chùm hoa giấy Thanh Tiên khoe sắc màu. Dấu ấn đó còn lại trong câu đồng dao “Thuyền giong đến bến xưa Gia Lạc” giữa một vùng quê thiên nhiên thanh xuân. Con gà đất Gia Lạc vẫn còn lưu lại trong ký ức nhiều thế hệ. Mỗi độ xuân về, nhiều người xa xứ vẫn còn nghe vọng lại từ sâu thẳm tiếng con gà đất gáy. Với người xa quê, tiếng gà đất còn là một niềm hạnh phúc nhớ - về da diết: “Giá như có con gà đất/ Thổi hơi dài đỡ nhớ quê” (Tình quê).
Thiên nhiên thanh xuân vẫn tĩnh tại dù cuộc sống đã đổi khác, đất nước đã phồn vinh và tiến bộ. Nhưng nhiều làng mạc, đồng lúa, nương dâu, vườn cây, thác nước, rừng xanh… đã đổi dạng và thay hình. Màu xanh của rừng đang kêu cứu! Con người thời nay thực dụng hơn đã dần dần đô thị hóa những cánh rừng, những thôn ấp... Mảng thiên nhiên thanh xuân gần gũi với con người ngày càng bị thu hẹp lại.
Người thành phố biết mình đang mất dần thiên nhiên xanh, niềm hạnh phúc tuổi thơ của mình. Họ lại đi tìm thiên nhiên tự tạo để có đủ đầy hoa trái quanh mình. Tái hiện một chút thiên nhiên thanh xuân ở một góc vườn nhỏ, trên một sân thượng lộng gió hay dọc theo hai bên đường dành cho người đi bộ hoặc trong các công viên… Biết đâu một hòn non bộ giả núi, một vườn cây giả rừng… cũng có thể làm vơi đi nỗi nhớ đau đáu về thiên nhiên thanh xuân?
Và ngay giữa lòng thành phố bao vây với những dãy nhà cao tầng chót vót có thể mọc lên một vùng quê xưa còn giữ nguyên dáng vẻ thiên nhiên thanh xuân. Một dòng sông nhỏ nhân tạo chảy qua giữa phố đông người và một bến sông quê hiền hòa dưới bóng tre xanh. Một vài chiếc thuyền ba lá nằm đợi khách qua sông và một đàn vịt tung tăng giỡn nước… Làng quê nhân tạo này hội tụ rất nhiều các loài hoa dị thảo. Và xa xa y như thật là chiếc xe đạp nước cổ ở quê xưa. Chỉ có khác và mới lạ hơn xưa là để khách vãng lai tham quan và chụp ảnh cảnh quê xưa, bến nước, sông nhà, vườn cũ, hoa trái thu nhỏ cho đỡ nhớ quê xưa.
Có ai đã đến thăm làng quê giữa phố thị mà không khỏi chạnh lòng hoài hương? Và dù có nỗ lực tìm về với thiên nhiên cũng không thể như thiên nhiên vốn tĩnh tại. Chính hình ảnh thiên nhiên vốn có giữa núi sông đất nước, trong tâm hồn của mỗi người mới thực sự là bất sinh bất diệt. Thiên nhiên thanh xuân sẽ mãi là nỗi ám ảnh thân thiết, vời vợi trong mỗi đời người.
TRẦN HỮU LỤC