Trong điều kiện cơ sở vật chất đơn sơ, trang thiết bị chuyên ngành còn nhiều hạn chế nhưng các y, bác sĩ ở quần đảo Trường Sa trong vòng 10 năm đã cấp cứu, khám chữa bệnh cho hơn 17.000 lượt người và giành giật từ tay tử thần hàng trăm mạng sống. Hình ảnh những chiến sĩ khoác áo blouse trắng đã thực sự trở thành điểm tựa vững chắc cho đồng bào, chiến sĩ và ngư dân yên tâm bám biển.
Giành lại sự sống
Nằm khuất dưới những tán phong ba cổ thụ, khu trạm xá của đảo Trường Sa Lớn yên tĩnh đến lạ, nhưng tại chính nơi này, chỉ vài tiếng trước, tất cả các y, bác sĩ vừa trải qua một cơn vật lộn với một ca viêm vỡ ruột thừa quá phát. Không giấu nổi vẻ phờ phạc sau nhiều giờ tập trung cao độ bên giường mổ, nhưng ánh mắt của các y, bác sĩ nơi đầy đều lấp lánh niềm vui khi bệnh nhân đang dần hồi phục.
Y sĩ Nguyễn Đức Khuyến chia sẻ, bệnh nhân là anh Nguyễn Quốc Lợi, thuyền phó tàu KN 02, vào chiều 15-5 có biểu hiện đau bụng âm ỉ, sau đó cơn đau tăng dần và đến trưa 16-5, bệnh nhân bắt đầu sốt cao liên tục trên 39°C. Ngay sau đó anh Lợi đã được di chuyển sang tàu lớn để đến Bệnh xá Trường Sa Lớn và được xác định viêm ruột thừa ở giờ thứ 40. Khi ấy, ruột thừa đã viêm, vỡ, dịch tràn ra ổ bụng... Tình thế vô cùng nguy cấp, toàn bộ nhân lực của trạm xá được huy động, hệ thống liên lạc cũng được kết nối khẩn cấp với đất liền…
“Bệnh viện di động” HQ 561 hoạt động trên vùng biển đảo Trường Sa (Việt Nam)
Khi chúng tôi đến vào chiều 17-5, thuyền phó Nguyễn Quốc Lợi vẫn nằm thiêm thiếp trên giường bệnh nhưng đã có dấu hiệu phục hồi tốt. Nằm cách anh Lợi vài giường bệnh, anh Nguyễn Duy Phi, 18 tuổi, ở xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, ngư dân tàu cá QNg 90857TS đang khai thác hải sản tại khu vực biển Trường Sa, cũng vừa trải qua một ca cấp cứu viêm ruột thừa cấp. Anh Phi không nén được xúc động khi nhắc tới những thiên thần áo trắng giữa trùng khơi. Anh kể: Tàu của anh đi biển được gần một tháng, chỉ vài ngày nữa là trở về đất liền bỗng dưng anh thấy đau ở vùng bụng. Sau hai giờ, tàu cập đảo Trường Sa Lớn, anh được siêu âm và chẩn đoán viêm ruột thừa cấp. Ca mổ kéo dài gần một giờ thành công, sức khỏe của anh đang dần hồi phục và có thể tiếp tục hành trình sau vài ngày nữa”.
Không chỉ ở Trường Sa Lớn mà trải dài trong hành trình nhiều ngày lênh đênh trên biển, những chiến công của các chiến sĩ khoác blouse trắng trên các đảo đều được lưu truyền, chia sẻ đầy tự hào. Đó là ca đỡ đẻ thành công ở Song Tử Tây, chuyện cứu người đuối nước ở Sinh Tồn, Sơn Ca...
Bệnh viện di động HQ 561
Cũng với hệ thống bệnh xá đang dần được trang bị hiện đại hơn trên các đảo thì tàu HQ 561 với biểu tượng chữ thập đỏ cũng thực sự trở thành chỗ dựa cho ngư dân đang ngày đêm hoạt động tại ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Giữa trùng khơi, chữ thập đỏ nổi lên trên thân tàu màu trắng là một điềm lành với những ngư dân trong cảnh nguy nan.
Bắt đầu đưa vào hoạt động từ cuối 2012, tàu HQ 561 do Hải quân Vùng 4 quản lý được ví như bệnh viện “5 sao” trên biển với tải trọng hơn 150 tấn, chở được trên 200 người và trang bị máy móc, thiết bị hiện đại. Các khoang đều được trang bị máy điều hòa, tủ lạnh, tivi kết nối truyền hình vệ tinh, hệ thống liên lạc hiện đại qua vệ tinh Vinasat và các phòng bệnh có hệ thống máy móc thuộc dạng tối tân. Từ khi hạ thủy đến nay, tàu HQ 561 hoạt động từ khu vực nhà giàn DK1 vòng qua quần đảo Trường Sa với nhiệm vụ tối thượng - cứu người. Ở khoang bệnh viện có đầy đủ các phòng chức năng như phòng khám, hồi sức cấp cứu, phòng siêu âm, phòng mổ, các phòng chuyên khoa... với gần 20 giường bệnh. Trong đó, buồng giảm áp là một trong những buồng hiện đại nhất, để điều trị các bệnh liên quan đến những bệnh lý nặng như trường hợp ngư dân bị giảm áp do lặn biển bị nghẽn oxy.
Bác sĩ Thái Đàm Lương, người gắn bó với tàu HQ 561 từ ngày đầu tiên, chia sẻ những kỷ niệm về những ca cấp cứu, chữa trị cho ngư dân trên con tàu đặc biệt này. Bác sĩ Lương nhớ lại, tháng 6-2015, khi tàu rời khu vực nhà giàn DK1 thì nhận được điện khẩn của nhà giàn báo có một trường hợp ngư dân cần cấp cứu. Đêm đó sóng to, tàu quay lại tiếp cận ghe của ngư dân Đặng Văn Bình (51 tuổi, quê Quảng Ngãi). Ông Bình bị chấn thương sọ não, hôn mê dần. Tình trạng bệnh nhân ngày một xấu, ê kíp phải điều trị hồi sức tích cực trắng đêm, chạy đua với thời gian để cứu bệnh nhân. Đến 5 giờ sáng, tàu cập đảo Trường Sa Lớn, nhìn thấy trực thăng chờ sẵn để đưa bệnh nhân về Bệnh viện 175 (TPHCM) điều trị tiếp, khi ấy ê kíp mới thở phào.
Gần đây nhất, ngày 15-5 vừa qua, trên đường trở về từ lễ khánh thành Bệnh xá Song Tử Tây, đội ngũ y, bác sĩ của tàu HQ 561cũng đã kịp thời sơ cứu anh Nguyễn Linh, 47 tuổi, cư dân ở đảo Phú Quý. Trong quá trình lặn bắt hải sản, do chênh lệch áp suất đột ngột, anh bị rơi vào tình trạng mất kiểm soát hai chi dưới, khó thở và dần mất cảm giác ở nhiều bộ phận khác. Ngay sau khi gặp nạn, tàu anh đã vội vàng vượt sóng với dự định ban đầu hướng tới Bệnh xá Song Tử Tây, may mắn khi đường đến bệnh xá còn xa, giữa mênh mông biển khơi thì tàu cá của anh đã nhìn thấy tàu chữ thập đỏ nên đã vội đuổi theo, phát tín hiệu xin được giúp đỡ. Nhờ kỹ năng xử lý chuyên nghiệp, khẩn trương, tận tình của đội ngũ y, bác sĩ trên tàu, ngư dân đã qua cơn nguy hiểm và có thể tới Bệnh xá Song Tử Tây để tiếp tục điều trị.
Không nhớ rõ đã chữa bao nhiêu ca, cứu sống bao nhiêu ngư dân và chiến sĩ gặp nạn trên biển, nhiều người trong số những y, bác sĩ quân y trên tàu vì nhiệm vụ, cũng đã lâu chưa được gặp gia đình. Với họ, những tin báo bình an của bệnh nhân chính là nguồn động viên vô cùng to lớn để tiếp tục hành trình cứu nạn trên biển đảo quê hương.
MAI AN