Hiện nay, khá nhiều công nhân đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu chế xuất - khu công nghiệp (KCX-KCN) trên địa bàn TPHCM không nắm rõ pháp luật để hiểu về quyền lợi và nghĩa vụ của mình. Còn chủ doanh nghiệp, nhiều người lợi dụng sự thiếu hiểu biết này cố tình lờ đi để giảm bớt chi phí, vi phạm pháp luật.
“Chủ cho gì, công nhân nhận nấy”
Tại Ngày hội pháp luật năm 2015 do Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật TP tổ chức, rất đông công nhân, người lao động đến tham dự để được nghe phổ biến về luật, về quyền lợi của mình tại công ty, đơn vị. Ngày hội có sự tham gia của hơn 50 luật sư, luật gia, chuyên gia pháp luật của Hội Luật gia TP, Đoàn Luật sư TP, các sở, ngành để tư vấn pháp luật, trả lời những thắc mắc của người tham dự. Thế nhưng nhiều công nhân ngại ngần khi đến nhờ luật sư tư vấn.
Khi hỏi về các chế độ được hưởng tại công ty, công nhân Thạch Thị Kha (dân tộc Khmer, quê Trà Vinh) đang làm việc tại một công ty tư nhân chuyên về bao bì trên địa bàn quận Bình Tân bình thản nói: “Vẫn ổn!”. Hỏi về các chế độ bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm xã hội (BHXH), Kha cho biết: “Ông chủ bảo BHYT phải mua từ dưới quê, muốn khám bằng BHYT phải về quê. Em đang làm ở TPHCM mua cũng không dùng tới. Còn mua BHXH chỉ tốn tiền công nhân chứ không có lợi gì. Bởi chỉ có cán bộ nhà nước mới được lãnh tiền khi về hưu, công nhân không được lãnh” (?!). Tin lời ông chủ và vì cần việc làm, Kha không đỏi hỏi gì thêm ngoài lương được lãnh hàng tháng. Dù không hiểu luật để đòi quyền lợi cho bản thân, nhưng Kha lại ngại đến nhờ luật sư tư vấn. Một công nhân (xin được giấu tên) bộc bạch: “Người ta là chủ, cho gì thì mình nhận nấy. Đòi hỏi sợ bị cho nghỉ việc. Chính vì suy nghĩ lo mất việc làm nếu đòi hỏi quyền lợi mà rất nhiều công nhân cam chịu nhận lấy những thiệt thòi về mình”.
Đã có một số công nhân hiểu luật, đứng ra bảo vệ quyền lợi của mình và đồng nghiệp thì lại bị trù dập, thậm chí bị đuổi việc. Chị Trần Thị Mỹ Q. (giáo viên mầm non) đến ngày hội để nhờ luật sư tư vấn thêm về chế độ thai sản, về BHXH và các chế độ mà người lao động được hưởng. “Khi xin vào làm việc, đơn vị có cam kết về các chế độ lương, thưởng. Nhưng làm thời gian dài vẫn không thấy tăng lương, bức xúc nên tôi đại diện người lao động có ý kiến. Cứ nghĩ sau đó sẽ được giải quyết, không ngờ tôi bị ép cho nghỉ việc”, chị Mỹ Q. bức xúc kể.
Phổ biến tuyên truyền luật đến người lao động
Nhằm giúp công nhân hiểu rõ hơn về quyền và các chế độ của mình, thời gian qua, tổ chức công đoàn các cấp đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến công nhân, trong đó chú ý đến Bộ luật Lao động, Luật Dân sự, Luật Công đoàn... Trong năm 2015, Công đoàn các KCX-KCN chủ động tổ chức những buổi tuyên truyền pháp luật, đưa đoàn luật sư đến trực tiếp các công ty, doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn thành phố. Việc làm này giúp công nhân, người lao động có cơ hội được gặp gỡ các luật sư để có thể trao đổi thẳng thắn những thắc mắc, khó khăn gặp phải trong quá trình làm việc. Thông qua các buổi tư vấn, tuyên truyền nhiều công nhân đã nắm rõ được quyền lợi của bản thân. Tuy nhiên để hiểu sâu, đối chiếu và vận dụng vào bản thân mình thì công nhân còn lúng túng, mơ hồ.
Người lao động được các luật sư tư vấn trong Ngày hội pháp luật năm 2015
Thực tế cho thấy, do người lao động ít hiểu biết pháp luật nên dẫn đến các tình trạng như: công nhân bị ép ký hợp đồng lao động không đúng quy định; không hiểu rõ về thỏa ước lao động tập thể, bảng lương, quy chế nâng lương, thưởng; họ cũng ít hiểu về việc tăng ca quá giờ quy định cũng như quyền lợi về BHXH, BHYT; không nắm hết chế độ dành cho nữ công nhân… Từ thực tế này, Chủ tịch Công đoàn các KCX-KCN Nguyễn Thành Đô cho biết, tổ chức Công đoàn nhiều lần phổ biến đến công nhân và cũng đề nghị họ nếu có những thắc mắc về quyền và lợi ích của bản thân thì có thể đến các tổ tư vấn pháp luật của Công đoàn cơ sở để được giải đáp, tư vấn miễn phí. Bên cạnh đó, vào thứ năm hàng tuần, Đoàn Luật sư Hoa Sen chủ động luân phiên đến các cụm KCX-KCN để giải đáp thắc mắc của công nhân. Ngoài ra, công nhân có thể gửi thư, email hoặc điện thoại về số tổng đài để được giải đáp miễn phí. “Ngoài việc được tư vấn về BHYT, BHXH, quyền lợi, lương, thưởng thì đoàn luật sư còn hỗ trợ pháp luật về hôn nhân gia đình, thừa kế, đất đai, dân sự, hình sự,… Tuy nhiên, hiện nay rất ít công nhân đến tổ luật sư nhờ hỗ trợ”, ông Nguyễn Thành Đô chia sẻ.
Với tâm lý còn e dè, lo sợ nếu có ý kiến sẽ bị trù dập, nhiều công nhân vẫn còn ngại đấu tranh cho quyền lợi bản thân. Theo các luật sư, nếu hiểu rõ hơn về luật, người lao động sẽ chủ động để bảo vệ lợi ích của bản thân mình và đồng nghiệp, từ đó cũng tránh được các vụ việc đình công, lãn công như thời gian qua.
THÁI PHƯƠNG