Một số giải pháp mà BHXH Việt Nam vừa đề nghị thực hiện để “cứu” quỹ KCB BHYT khỏi nguy cơ vỡ quỹ chỉ là “giải pháp tình thế”, chứ chưa giải quyết được bản chất vấn đề là làm thế nào để BHYT hoạt động ổn định lâu dài và đảm bảo được chất lượng KCB cho người có thẻ.
Trước đây, khi quyền lợi người có thẻ BHYT chưa được mở rộng như hiện nay, quỹ dự phòng có số kết dư 2.000 tỷ đồng thì bị dư luận kêu ca. Từ 1-7-2005, quyền lợi của người có thẻ BHYT được “bung ra”, nguồn quỹ dự phòng của 12 năm đã tiêu hết trong vòng 18 tháng, dẫn đến nguy cơ vỡ quỹ, thì dư luận lại đặt vấn đề: BHXH “làm ăn” ra sao mà đến “nông nỗi” này?
Đứng trước nguy cơ trên, nay BHXH lại có đề xuất tăng mức phí, phục hồi chế độ đồng chi trả (20%). Tình trạng lúc thừa tiền thì “xài Iớn”, lúc thiếu tiền thì “thắt lại” cho thấy hoạt động BHYT thiếu một chiến lược khoa học, một cơ chế phù hợp.
Mục đích của BHYT là chăm lo sức khỏe cho người dân theo nguyên tắc lấy của số đông lo cho số ít. Nhưng thực tế hoạt động BHYT thời gian qua không được thực hiện theo nguyên tắc này. Số phí đóng thấp, nhưng quyền lợi cao; nguồn quỹ ít, nhưng số lượt người đi KCB nhiều, chi phí lớn. Đặc biệt ở loại hình BHYT tự nguyện, hầu như chỉ có người bệnh nặng, bệnh mạn tính và người cao tuổi mới mua BHYT.
Mặt khác, hoạt động BHYT bị “giằng co” giữa “bộ ba”: ngành LĐ-TB-XH- là nơi thu tiền của người bệnh (nơi phát hành thẻ); ngành y tế - là nơi điều trị; ngành tài chính - là nơi xác lập mức chi phí thanh toán, nên “quả bóng trách nhiệm” với người bệnh ở nhiều lúc nhiều nơi cứ “chuyền” từ ngành này sang ngành nọ.
Sự bất hợp lý và lạc hậu trong các quy định về mức thanh toán và phương thức thanh toán từ ngành tài chính đã dẫn đến tình trạng “cơm không lành, canh không ngọt” dai dẳng giữa cơ quan phát hành thẻ BHYT và các các cơ sở điều trị khiến người bệnh BHYT chưa được đối xử như mong muốn…
Để giải quyết căn cơ các vấn đề của BHYT nhất thiết phải thay đổi cơ chế vận hành BHYT. Thay cho cách quản lý và vận hành theo kiểu hành chính, bao cấp, BHYT cần được quản lý và vận hành như đối với một loại hình dịch vụ công ích, có hạch toán (nhưng vẫn nhằm phục vụ cộng đồng, không có quan hệ kinh doanh giữa cơ quan BHYT với người bệnh).
Để vừa thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, vừa huy động được sự đóng góp của xã hội, nâng cao chất lượng KCB ở các cơ sở điều trị, bảo đảm công bằng và tạo cơ hội cho mọi người dân được KCB với chất lượng tốt, ngoài việc cấp thẻ BHYT cho người nghèo, đối tượng chính sách, thay vì cấp một phần kinh phí KCB cho người dân (thông qua ngân sách y tế rót về các cơ sở điều trị), nên chuyển số kinh phí này thành một phần trợ giá thẻ BHYT, phần còn lại do người dân đóng góp. Người bệnh được quyền chọn cơ sở y tế để “mua” dịch vụ KCB (thông qua đại diện là BHXH).
BHXH sẽ thay mặt người bệnh thanh toán đủ viện phí cho cơ sở điều trị phù hợp với chất lượng dịch vụ y tế mà họ cung cấp. Khi đó bất kể cơ sở điều trị nào (công hoặc tư) cung cấp dịch vụ y tế chất lượng cao, gía cả hợp lý, cơ quan BHYT sẽ ký hợp đồng. Xu thế này tất yếu dẫn đến sự cạnh tranh lành mạnh về giá cả, chất lượng giữa các cơ sở điều trị, đem lại hiệu quả to lớn là người bệnh BHYT sẽ được phục vụ theo tinh thần “khách hàng là thượng đế”…