
Từ năm 2003 đến nay, gần 1.400 cơ sở sản xuất tại TPHCM gây ô nhiễm môi trường buộc phải di dời, ngưng hoạt động hoặc chuyển đổi ngành nghề. Thế nhưng, cũng trong thời gian này thành phố lại phát sinh thêm gần 700 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm khác. Lý giải thực tế này, các cơ quan chức năng cho rằng, với cách quy hoạch phát triển thiếu đồng bộ như hiện nay thì khó có thể giải quyết được cơ sở ô nhiễm phát sinh.

Một số nhà máy di dời từ nội thành đến phường Đông Hưng Thuận, quận 12. Ảnh: CAO THĂNG
Nội thành buộc di dời, ngoại thành lại tiếp nhận
Giai đoạn 2003 - 2007, đã có gần 1.400 cơ sở sản xuất tại quận nội thành 5, 6, 10, 11, Tân Bình… nằm trong danh sách sản xuất gây ô nhiễm phải di dời, ngưng hoạt động hoặc chuyển đổi hoạt động sản xuất. Cho đến nay chỉ còn 6 cơ sở là Nhà máy Sản xuất nước mắm Việt Hương Hải, Công ty Dệt nhuộm Sài Gòn, Công ty Dệt may Gia Định, Xí nghiệp Đóng tàu Bình Triệu, Xí nghiệp Sửa chữa tàu Bình Triệu, Công ty Giấy Thăng Long chưa xử lý xong. Tuy nhiên, điều đáng nói là cũng tính từ thời điểm năm 2007 cho đến nay thì thành phố lại tiếp tục ghi nhận phát sinh gần 700 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm mới. Chỉ khác là khu vực tập trung của các cơ sở này lại không nằm trong khu vực nội thành mà là khu vực ngoại thành, chủ yếu là các huyện Bình Chánh, Hóc Môn và quận 12, Bình Tân.
Lý giải thực tế này, ông Nguyễn Văn Phước, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, cho biết, sở dĩ phát sinh hàng loạt doanh nghiệp sản xuất gây ô nhiễm môi trường khu vực ngoại thành là do công tác di dời trước đây chưa đồng bộ. Các quận nội thành buộc các cơ sở sản xuất ô nhiễm phải di dời nhưng không định hướng điểm đến. Do vậy, phần lớn các cơ sở này chọn khu vực ngoại thành để làm điểm đến. Phường Đông Hưng Thuận (quận 12) là một điển hình. Hiện toàn bộ khu vực này đang có 24 doanh nghiệp sản xuất gây ô nhiễm. Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó trưởng ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân TPHCM, bức xúc, chất thải ô nhiễm của các cơ sở sản xuất ở khu vực này xả thải trực tiếp ra khu vực đất trống phía sau khu dân cư. Toàn bộ hệ sinh vật xung quanh khu vực những nhà máy không thể sống được. Từ năm 2014 cho đến nay chỉ có một doanh nghiệp tiếp tục di dời, còn lại vẫn chưa xác định sẽ di dời như thế nào. Không chỉ vậy, với những doanh nghiệp đang ở lại cũng trong tâm trạng không ổn định nên họ không thể đầu tư hệ thống trang thiết bị cải thiện hiện trạng ô nhiễm môi trường. Gần đây nhất, các cơ quan chức năng đã hỗ trợ các cơ sở tìm hiểu địa điểm đến là Khu công nghiệp Đông Nam. Thế nhưng, cho đến thời điểm này, địa điểm đến dự kiến thay đổi sang Khu công nghiệp Lê Minh Xuân 3.
Không chỉ khó khăn trong công tác định hướng và hỗ trợ di dời, ngay công tác thanh kiểm tra và xử phạt các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm hiện tại đang diễn biến rất phức tạp. Đại diện Phòng Cảnh sát môi trường Công an TPHCM cho biết, nhiều cơ sở cùng sản xuất trong một địa điểm, chung hệ thống trang thiết bị sản xuất nhưng lại thuộc sở hữu của nhiều chủ hộ kinh doanh khác nhau. Do vậy, khó xác định chủ thể gây ô nhiễm hoặc khi xác định được thì họ thường sử dụng giấy phép đăng ký kinh doanh là hộ cá thể để giảm hình thức xử phạt. Chưa hết, nghị định xử phạt trước đây cho phép các doanh nghiệp sản xuất gây ô nhiễm nghiêm trọng là bị buộc tạm ngưng sản xuất. Thế nhưng với nghị định xử phạt mới, tiêu chuẩn vi phạm môi trường đủ để buộc doanh nghiệp sản xuất tạm ngưng hoạt động là rất cao. Hầu hết các doanh nghiệp sản xuất được xác định phải di dời trên địa bàn thành phố đều vi phạm chưa đến ngưỡng phải bị buộc tạm ngưng hoạt động.
Phải có điểm đến an toàn và chính sách hỗ trợ
Theo ông Nguyễn Văn Phước, chủ các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm phải di dời, cũng rất muốn được hỗ trợ để sớm di dời đến địa điểm sản xuất ổn định. Thế nhưng, khó khăn nhất của công tác này chính là điểm đến. Hiện sở đã thống nhất với Ban quản lý Khu chế xuất, khu công nghiệp xác định 4 điểm đến cho các đơn vị. Lộ trình di dời được chia thành 3 giai đoạn và sẽ bắt đầu từ năm 2017. Theo đó, những cơ sở sản xuất gây ô nhiễm nghiêm trọng sẽ di dời trước. Kế đến là những cơ sở sản xuất gây ô nhiễm không nghiêm trọng nhưng không phù hợp quy hoạch. Cuối cùng là những cơ sở sản xuất không phù hợp quy hoạch. Sở đang kiến nghị quận huyện sớm xác định lại quy hoạch khu dân cư. Nếu phần đất của các đơn vị thí điểm phải di dời trong đợt này nằm trong quy hoạch khu vực công cộng như công viên, trường học, bệnh viện… thì cũng cần phải có chính sách bồi thường hợp lý để tạo nguồn vốn cho các đơn vị đẩy nhanh tiến độ di dời.
Ông Nguyễn Tấn Tuyến, Phó trưởng ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân TPHCM, nhấn mạnh thêm, có một thực tế khác là cơ sở sản xuất không thể vào những khu công nghiệp do cơ quan chức năng đề xuất vì không phù hợp với tính chất ngành nghề. Do đó, không ngoại trừ họ lại tiếp tục tự tìm khu vực đến khác không theo gợi ý của các cơ quan chức năng. Do vậy, cơ quan chức năng cần tính mức độ phù hợp địa điểm đến của cơ sở sản xuất. Quan trọng hơn là cần phải tính tới tính bền vững của quy hoạch địa điểm khi di dời các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, phải tính thêm về việc hỗ trợ công nghệ cho doanh nghiệp di dời. Với đề xuất của Ban chỉ đạo di dời lần này là không hỗ trợ những doanh nghiệp đã di dời giai đoạn 2003 - 2007, vì họ đã được hỗ trợ tài chính, là không thỏa đáng. Bởi họ di dời lần 2 nhưng vào thời điểm các doanh nghiệp chọn địa điểm đến thì những nơi này vẫn còn là đồng hoang, chính quyền địa phương cấp phép cho họ được thành lập hợp pháp. Sau đó, dân cư lại đến ở dày đặc và buộc họ phải di dời. Khảo sát thực tế của Ban Kinh tế Ngân sách Hội đồng nhân dân TPHCM vừa qua cho thấy, có những cơ sở, trang thiết bị sản xuất đã quá cũ. Nếu phải di dời thì không thể tái sử dụng được mà phải bỏ và đầu tư lại dây chuyền sản xuất mới. Do vậy, cơ quan chức năng cần tính đến giải pháp hỗ trợ để họ được đi dời.
MINH XUÂN