Thị trường đồ chơi – không ai kiểm soát

Bài 2: Đồ chơi độc hại: thả nổi!

Bài 2: Đồ chơi độc hại: thả nổi!

Trong nhiều tháng qua, Mỹ và các nước châu Âu sau khi phát hiện đã ráo riết thu hồi các sản phẩm đồ chơi nhiễm chì, độc hại mang các nhãn hiệu nổi tiếng trên thị trường có xuất xứ từ Trung Quốc. Tuy nhiên, tại Việt Nam, dù đồ chơi ngoại nhập gần như độc chiếm thị trường, thì lâu nay, việc kiểm soát chúng lại bị… thả nổi!

Thế giới: gia tăng kiểm soát

Bài 2: Đồ chơi độc hại: thả nổi! ảnh 1

Đồ chơi mang tính bạo lực ngày càng xuất hiện nhiều trên thị trường. Ảnh: Lã Anh

Theo thông tin được loan tải trên các phương tiện truyền thông nước ngoài từ đầu năm 2007 đến nay, đồ chơi có nguồn gốc từ Trung Quốc không chỉ mang tính bạo lực mà còn có khả năng gây nguy hại đến tính mạng trẻ em.

Cụ thể, theo nghiên cứu mới đây của EU và Ấn Độ, hơn 85% loại đồ chơi trong đó đa phần là của Trung quốc được làm từ nhựa (như điện thoại, trống gỗ, xúc sắc, thú nhôi bông…) có thể gây nguy hại đến sức khỏe người sử dụng vì có hàm lượng chì quá cao. Trước tình hình này, đầu tháng 9-2007, Ủy ban An toàn sản phẩm cho người tiêu dùng (U.S. Consumer Product Safety Commission –CPSC) của Hoa Kỳ đã khuyến cáo thu hồi hàng loạt bộ đồ chơi “Made in China”.

Mới đây nhất, vào cuối tháng 10-2007, Công ty đồ chơi Mattel của Mỹ cũng đã thông báo thu hồi thêm 55.000 đồ chơi do Trung Quốc sản xuất sau khi có những cảnh báo là các sản phẩm này có chứa chất chì độc hại. Trong số đồ chơi bị thu hồi lần này, có 38.000 đồ chơi tại Mỹ, 12.000 đồ chơi tại Anh và CH Ireland và 5.500 đồ chơi ở Canada.

Trao đổi với chúng tôi, ông Jeff Miller, Giám đốc tiếp thị của Tập đoàn Mattel khu vực châu Á, cho biết, tổng cộng đến nay Mattel đã tiến hàng thu hồi trên toàn cầu 18 triệu đồ chơi do Trung Quốc sản xuất không an toàn cho trẻ em. Tất cả đồ chơi bị thu hồi vừa qua đều do một đối tác của Mattel tại nước này sản xuất. “Vụ việc này khiến Mattel thiệt hại 30 triệu USD, nhưng điều đó không quan trọng bằng việc để người tiêu dùng, mà trực tiếp là trẻ em bị thiệt hại. Chúng tôi ý thức rất rõ trách nhiệm của mình nên mong muốn các nhà phân phối và người tiêu dùng tích cực hợp tác”, Jeff Miller nói.

Thị trường trong nước: vẫn thả nổi!

Tại Việt Nam, theo ông Jeff Miller, hiện Mattel chỉ thu hồi đồ chơi xe hơi hiệu Sarge vì các sản phẩm khác do Mattel tiêu thụ không có ở thị trường Việt Nam.

Trong khi đó, theo ghi nhận của phóng viên, ngoài sản phẩm của Mattel, các mặt hàng đồ chơi được sản xuất từ nhựa PVC nhập từ Trung Quốc mà nhiều nước đã cấm lưu hành thì tại Việt Nam, chúng vẫn được bày bán khá phổ biến tại các cửa hàng và chợ. Cụ thể, tại “vựa hàng độc” trên đường Trần Bình, bên hông chợ Bình Tây (quận 6), phần lớn các mặt hàng đồ chơi ở đây đều không có tem nhập khẩu, bảng hướng dẫn, khuyến cáo ghi bằng bằng tiếng Việt, bằng chứng cho thấy nó hoàn toàn không được kiểm định.

Các chủ vựa thản nhiên cho biết toàn bộ hàng ở đây đều “lấy về từ Trung Quốc”. Theo nhận định của Ban quản lý chợ Bình Tây, từ đầu năm đến nay, đồ chơi có nguồn gốc từ Trung Quốc về các chợ đầu mối ở Hà Nội và TPHCM liên tục tăng mạnh, đến hơn 30% so với năm ngoái. Do không qua kiểm định nên hầu hết những đồ chơi này đều mang tính “phi giáo dục”, có hình thù quái dị như bộ thú quái thai (24 mẫu), ma quỷ cụt đầu, găng tay máu, đầu lâu, hộp sọ, dao bấm, bài sex, bom thối, bãi phân; các loại động vật như rắn, chuột… bằng nhựa mềm, giống y như thật, được bán sỉ và lẻ một cách công khai.

Đã vậy, góp phần vào hàng Trung Quốc, tại các chợ lề đường và một số cửa hàng, còn có một số loại đồ chơi trong nước “ăn theo” như đồ hàng, súng, kiếm, đao, lê, mác, các loại trái cây, con thú. Các loại này cũng được sản xuất từ nhựa tái sinh thông qua những cơ sở… không tên.

Chị Nguyễn Thị Thảo, ngụ tại 105H đường Lê Văn Thọ, phường 11, quận Gò Vấp cho biết: “Tôi biết rằng đồ chơi Trung Quốc rất nguy hiểm vì ngoài tính bạo lực như súng, đao, phi tiêu… các con thú nhồi bông có thể gây ung thư. Nhưng trẻ con bây giờ cá tính lắm, nó thấy bán là đòi mua, không mua không được!”. Chị cũng không giấu giếm khi bày tỏ: “Còn đồ chơi trong nước, tôi nói thiệt, mẫu mã đơn điệu, người lớn còn không thích huống gì trẻ con.

Còn nói thực, chúng tôi chỉ nghe nói là nhiều loại đồ chơi có chứa chất độc hại nhưng cũng chịu chứ không làm sao để biết được loại nào có hại, loại nào không”. Tương tự chị Thảo, nhiều phụ huynh cũng cho hay, họ biết rất rõ các món đồ chơi của Trung Quốc sẽ gây ảnh hưởng xấu đến nhân cách, thậm chí có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của trẻ, nhưng vì chiều con, nhiều người vẫn mua.

Cơ quan quản lý: lực bất tòng tâm?

Bài 2: Đồ chơi độc hại: thả nổi! ảnh 2

Khẩu súng quẹt gas có hình dáng như súng thật. Ảnh: Thái Bằng

Ông Ông Quang Thanh, Đội trưởng Đội quản lý thị trường 5B cho biết, từ đầu năm đến nay chỉ tính riêng tại quận 5, Đội đã bắt giữ hàng chục vụ kinh doanh đồ chơi không hóa đơn chứng từ có nguồn gốc từ Trung Quốc, trong đó đồ chơi bạo lực bằng nhựa và nhồi bông chiếm hơn 90%”.

Mới đây nhất là vụ tịch thu 28 cây súng nhựa sử dụng pin, đạn nhựa và kiếm dài từ 0,5m đến 1m tại địa chỉ 450 Trần Hưng Đạo, phường 14 quận 5. Tuy nhiên, theo ông Thanh, đây chỉ là một trong số ít điểm bị phát hiện vì trên thực tế những khu vực lân cận như quận 6, quận Bình Tân, quận 11… vẫn còn rất nhiều điểm chưa bị “phá”, dù đa số đồ chơi tại những cửa hàng này đều nằm trong danh sách hàng cấm và đồ chơi mang tính bạo lực”.

Trong khi việc kiểm soát về mặt số lượng đã không được quan tâm đúng mức, thì việc kiểm tra về mặt chất lượng các loại đồ chơi trên thị trường hiện nay gần như bị thả nổi hoàn toàn. Cũng như ông Ông Quang Thanh, nhiều nhà quản lý, sản xuất trong nước, thậm chí cả một số người buôn bán đồ chơi đều thừa nhận, “việc đẩy lùi sự “lấn áp” của đồ chơi Trung Quốc tại thị trường trong nước đã khó, việc quản lý và chấn chỉnh lại chất lượng đồ chơi nhập khẩu lại càng khó hơn vì hiện nay đồ chơi Trung Quốc chiếm số lượng quá nhiều, trong khi sức người và khả năng chuyên môn có hạn”.

Nhiều ý kiến cho rằng, nếu không được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, các loại đồ chơi độc hại trên thị trường hiện nay sẽ gây tác hại khôn lường đến sức khỏe, sự hình thành và phát triển tâm lý, nhân cách của trẻ. Do vậy, đã đến lúc các cơ quan chức năng trong đó các đội quản lý thị trường các quận, huyện, TP; các cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trung tâm bảo vệ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em… nên ngồi lại bàn thảo để tìm ra phương án hiệu quả nhằm chấn chỉnh, lành mạnh hóa thị trường đồ chơi trẻ em đang ngày một “khổng lồ” hiện nay! Đặc biệt, trước mắt cần thành lập một tổ chức giám định chất lượng đối với đồ chơi nhập khẩu cũng như sản xuất trong nước.

LÊ MAI THY

Thông tin liên quan:

Bài 1: Thị trường trong nước, thị phần… nước ngoài!

Tin cùng chuyên mục