
Hiện nay ít có tác giả nổi tiếng nào chuyên về thơ, cả sáng tác và lý luận phê bình. Những nhà thơ như Tố Hữu, Huy Cận, Xuân Diệu, Chế Lan Viên… một đời làm thơ, suốt đời làm thơ, vẫn là những tên tuổi lớn, những nhà văn hóa lớn. Có thể là bây giờ nhiều tác giả có nhiều “đất” nhiều “tài” và có nhiều điều kiện để thể hiện mình. Nhưng có một điều không thể phủ nhận là tìm ra phương pháp để tác phẩm của mình đến với công chúng, thơ gặp khó khăn nhất.
Trong các thể loại văn hóa nghệ thuật, ca nhạc có lợi thế cùng với sự phát triển của công nghệ nghe - nhìn nên nhiều nhạc sĩ - ca sĩ dễ tạo được danh tiếng nổi đình nổi đám. Nhiều người có hàng chục đầu sách nhưng chẳng ai nhớ, mơ có được sự ghi nhận bằng một phần thưởng nào đó. Họ tự sướng. Tại Ngày thơ Việt Nam tháng Giêng năm 2011, nhiều nhà thơ cảm động rơi nước mắt, người đến dự đông, ai cũng nói thích thơ, yêu thơ… và họ mượn máu Chí Phèo bằng câu nói “Ai bảo thơ chết. Thơ không chết”…
Ở Việt Nam, một tác giả thường bắt đầu sự nghiệp văn chương của mình bằng thơ. Đó là truyền thống. Người thì có một hai bài hoặc một hai tập… nhưng rồi chuyển qua văn xuôi, kịch, hay viết kịch bản truyền hình. Hoặc giả có người làm chính trị, kinh tế… Ai cũng nói thật lòng Thơ là quốc hồn quốc túy của văn hóa dân tộc nhưng chung thủy và hết lòng với thơ khó sống quá.

Vậy do đâu có hiện tượng trên. Có phải trong điều kiện sống ngày nay thơ vẫn chưa tìm được một cứu cánh. Thơ quá bảo thủ. Thơ quá định hình. Giữa thời buổi nghe nơi nào, ở đâu cũng nói “Phim Việt”, “Bếp Việt”, “Hàng Việt”… còn thơ Việt Nam, Việt thế, mà người ta nỡ hững hờ thờ ơ.
Nói cách khác cần hỗ trợ, cần người yêu thơ và các mạnh thường quân hỗ trợ cho thơ. Nhà thơ nào cũng muốn thơ mình đến với công chúng, nên hơi băn khoăn về chương trình ngâm thơ trên đài phát thanh, truyền hình (chỉ còn Đài Truyền hình TPHCM) vẫn là bài bản cũ, ít đổi mới. Từ ngâm thơ đến đọc thơ có nhạc đệm… đến nay vẫn chưa có một phương thức mới mẻ hấp dẫn. Hơn 35 năm sau ngày giải phóng, công chúng được chứng kiến một sự liên kết giữa thơ - hình ảnh - âm nhạc lên phim. Nhà thơ Thanh Thảo không phải là tác giả viết nhiều và viết trường ca dài nhưng “Trẻ con Sơn Mỹ” trường ca nhỏ của anh (so với các trường ca của Thu Bồn, Trần Vũ Mai, Anh Ngọc, Hữu Thỉnh…) được dựng thành phim, tài liệu, khá hoành tráng và có sức truyền cảm mạnh. Đáng tiếc phát được đôi ba lần rồi… bỏ quên.
Thơ Việt Nam đã có những đỉnh cao, những thành công rực rỡ, những danh nhân. Dân tộc Việt Nam là dân tộc thơ ca. Mong muốn thơ sống mạnh mẽ trong điều kiện mới, trước hết phải có thơ hay!
Nhưng thơ sống đơn độc, tự thân. Và nhất là quá nhiều thơ… chưa đến được với công chúng một cách rộng rãi, thoáng đạt. Phạm Tiến Duật đã nói: “Cô gái làm duyên phải nhờ giọng nói”… Các nhà thơ hãy tìm cách để có được sự hỗ trợ cần thiết! Hội Nhà văn TPHCM đang chuẩn bị trại viết cho cánh trẻ. Các nhà thơ trẻ hãy xung kích…
VŨ ÂN THY