Thơ trong thời đại trí tuệ nhân tạo

Liên hoan Thơ quốc tế Thượng Hải lần thứ 8 với chủ đề “Thơ trong thời đại trí tuệ nhân tạo” là một trong những sự kiện văn học và văn hóa quan trọng thường niên của thành phố kết nghĩa với TPHCM, thu hút sự quan tâm, tham gia của nhiều nhà thơ trên khắp đất nước Trung Quốc lẫn nước ngoài.

Cuộc gặp gỡ của thi ca

Khách mời chính thức của Liên hoan Thơ quốc tế Thượng Hải (Shanghai International Poetry Festival) lần thứ 8 đến từ hơn 10 quốc gia, với hơn 20 nhà thơ, trong đó có nhà thơ Wole Soyinka người Nigeria từng đoạt giải thưởng Nobel Văn chương năm 1986.

Ngoài ra còn có những nhà thơ tiêu biểu từ các nước khác như Hughes Labrusse và Ruling Zhang (Pháp), Germain Droogenbroodt (Bỉ), Flaminia Cruciani (Italy), Margarito Cuellar (Mexico), Ion Deaconescu (Romania), Dariusz Tomasz Lebioda (Ba Lan), Li Wei (Mỹ), Enrique Solinas (Argentina), Tony Mochama (Kenya), Phan Hoàng (Việt Nam)… cùng các nhà thơ tiêu biểu của Trung Quốc: Zhao Lihong, Ouyang Jeanghe, Chen Xianfa, Na Ye, Shen Wei, An Haiyin, Yang Xiu Li, Zhao Si,…

Liên hoan thơ được tổ chức theo hình thức “xã hội hóa”, theo đó, mọi chi phí đi lại, ăn ở, quà tặng… đều do ban tổ chức đài thọ với sự hỗ trợ một phần của chính quyền TP Thượng Hải và một phần quan trọng khác là từ các doanh nghiệp có trụ sở tại thành phố.

Lễ khai mạc liên hoan thơ quốc tế diễn ra trang trọng trong hội trường chật kín với sự tham gia của đại diện lãnh đạo TP Thượng Hải và giới văn học nghệ thuật. Nhà thơ Wole Soyinka vinh dự được ban tổ chức trao giải thưởng Golden Magnolia (Hoa mộc lan vàng) của liên hoan thơ lần này với nhận xét của ban giám khảo: “Với những bài thơ đặc biệt của mình, Wole Soyinka đã xây dựng một khu vườn thơ lớn và sâu sắc. Những bài thơ của ông đầy những từ ngữ mạnh mẽ, thái độ chân thành, suy nghĩ sâu sắc, hình ảnh tuyệt vời, những ý tưởng hay thay đổi, truyền tải nỗi buồn và tình yêu của thế giới; thể hiện sự theo đuổi sự thật, tầm nhìn về tương lai và khao khát hòa bình”.

k6b-4393.jpg
Nhà thơ Phan Hoàng (hàng trước, thứ ba từ trái qua) với các đại biểu Liên hoan Thơ quốc tế Thượng Hải lần thứ 8

Trong 4 ngày chính thức của Liên hoan Thơ quốc tế Thượng Hải lần thứ 8 còn diễn ra nhiều hoạt động văn học phong phú, đa dạng và đầy trân trọng. Một không khí lễ hội thi ca thực sự lan tỏa khắp thành phố lớn và cổ kính này. Những băng rôn, biểu ngữ với chân dung các nhà thơ hiện lên nhiều nơi.

Các nhà thơ không chỉ có dịp thể hiện những tác phẩm của mình, trao đổi học thuật thi ca với nhau, mà còn được tham quan nhiều địa chỉ văn hóa tiêu biểu, thưởng thức ẩm thực đặc sản, giao lưu tương tác với người yêu thơ ở Thượng Hải. Ngoài ra, các thành viên tham gia liên hoan còn liên tục tham gia các hội thảo, giao lưu cùng nhà thơ, người yêu thơ ở nhiều nơi như: Thư viện TP Thượng Hải, Thư viện quận Tĩnh An, Báo Ximin, Nhà xuất bản Sinan, Nhà lưu niệm nhà văn Ba Kim,…

AI sẽ là công cụ hỗ trợ thi ca

Một trong những nội dung chính được chờ đợi của liên hoan thơ lần này là hội thảo “Thơ trong thời đại trí tuệ nhân tạo”. Tất cả nhà thơ khách mời đều lần lượt phát biểu tham luận. Mỗi nhà thơ có cách trình bày dưới những góc nhìn văn hóa, khoa học khác nhau nhưng tựu trung đều khẳng định tầm quan trọng của trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence - AI) trong đời sống nhân loại, sự hỗ trợ về công cụ phục vụ cho văn học nghệ thuật và thi ca nói riêng.

Nhà thơ Zhao Lihong, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhà văn TP Thượng Hải, Chủ tịch Ủy ban Nghệ thuật Liên hoan Thơ quốc tế Thượng Hải, phát biểu: “Trong kỷ nguyên công nghệ cao hiện nay, với sự phát triển nhanh chóng của AI, chúng ta phải chú ý đến cách AI và nhân văn hội tụ, khám phá cách AI sẽ hỗ trợ sáng tạo văn học và thơ ca, xem xét lại mối quan hệ giữa loài người và AI". Ông còn nói thêm: “Chúng tôi cũng hy vọng sẽ kết nối thế giới với thơ ca, thể hiện đầy đủ sức sống và sự quyến rũ của văn hóa Trung Quốc".

Trong phát biểu của mình, đại biểu đến từ Việt Nam cho biết, Việt Nam là đất nước giàu truyền thống văn học và thi ca. Giống như Trung Quốc và nhiều quốc gia khác, thơ ở Việt Nam từ lâu đã trở thành món ăn tinh thần sâu rộng không thể thiếu trong đời sống nhân dân.

AI đang mang lại nhiều lợi ích cho nhân loại, thế nhưng AI không thể thay thế được tâm hồn con người. Mà thơ là tiếng nói của tâm hồn. Vì vậy, AI chỉ có thể là công cụ giúp ích cho nhà thơ trong đời sống thường nhật, chứ không thể thay thế tiếng nói đặc sản riêng từ tâm hồn nhà thơ.

Thế giới đang xảy ra nhiều bất trắc và đầy tổn thương. Từ cuộc hội ngộ của Liên hoan Thơ quốc tế Thượng Hải lần thứ 8, các nhà thơ trên khắp thế giới cần liên kết với nhau nhiều hơn, cất tiếng nói thi ca mạnh mẽ giúp xóa bỏ ngăn cách thù hận, con người sống với nhau hòa đồng hơn, nhân ái hơn, hạnh phúc hơn trong tình thương yêu tràn ngập giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên. Và tất nhiên, trong dòng chảy của thời đại, AI sẽ trở thành công cụ hiệu quả, hỗ trợ hành động thi ca nhân văn của chúng ta!

Tin cùng chuyên mục