Hàng năm, thị trường đón nhận hàng trăm ca khúc mới từ các nhạc sĩ trẻ. Chưa bàn đến chất lượng tác phẩm, chỉ nhìn về số lượng sáng tác có thể khẳng định, đây là thời của nhạc sĩ trẻ.
- Trẻ, năng động và sáng tạo
Không thể phủ nhận sự đa năng của các nhạc sĩ trẻ hiện nay trong hoạt động sáng tác, thực hiện hòa âm phối khí, đạo diễn video clip, cập nhật nhanh nhạy các trào lưu âm nhạc mới, thành lập công ty riêng với các chiến lược kinh doanh âm nhạc, đào tạo ca sĩ… góp phần trong hoạt động phát triển âm nhạc tại TPHCM. Không ít nhạc sĩ tự tin bước ra sân khấu, xuất hiện trong các video clip ca nhạc thể hiện tốt vai trò ca sĩ.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, nổi lên trong giới sáng tác trẻ khi có nhiều ca khúc đình đám như Con đường mưa, Chiếc khăn gió ấm, Mùa đông không lạnh… vừa thành lập công ty giải trí Sư tử bạc, để thực hiện niềm say mê ca hát. Anh chia sẻ: “Ngoài sáng tác, hát là sở thích của tôi. Đến thời điểm này, tôi đã thực hiện xong bản thu cuối cùng và quay video clip của một bài, dự định sẽ tung bài hát mới này trên mạng, sau đó tiếp tục quay 2 video clip còn lại và tháng 8 sẽ phát hành album mới”.
Nhạc sĩ – ca sĩ Lương Bằng Quang, một gương mặt đắt show tại TPHCM và các tỉnh thành, bên cạnh việc sáng tác, đi diễn thường xuyên, Lương Bằng Quang còn đạo diễn cho 9 video clip của mình. Anh cho biết: “Tôi luôn muốn có sự đồng bộ trong âm nhạc, khi viết cảm xúc như thế nào thì tôi muốn thể hiện chính cảm xúc ấy ngay trên sân khấu và trong cả vai trò đạo diễn, tất cả vì một sản phẩm âm nhạc tốt nhất muốn gửi đến khán giả”.
Với nhạc sĩ trẻ Thăng Long – người từng đoạt chiếc cúp tháng của chương trình Bài Hát Việt, ngoài sáng tác, anh còn kiêm nhiệm nhiều vai trò: đạo diễn, quản lý ca sĩ, tạo phong cách cho ca sĩ, biên tập âm nhạc…
- Danh và lợi
Ngày nay, phương tiện truyền thông đại chúng phát triển mạnh mẽ đã giúp tên tuổi các nhạc sĩ trẻ nhanh chóng được nhiều người biết đến qua các sáng tác mới. Tuy nhiên, cũng có không ít “nhạc sĩ” trẻ tạo dư luận qua những sáng tác đôi khi rất hỡi ơi.
Xuất hiện bên cạnh một số nhạc sĩ trẻ thực tài vẫn có một số gương mặt tự phong danh “nhạc sĩ” với các sản phẩm âm nhạc thiếu chất lượng. Với họ, cuộc chạy đua để trụ lại trong làng nhạc Việt phụ thuộc vào chính ca sĩ mà họ hợp tác và cả những xì căng đan được cố ý tạo nên.
Mặt khác, đi cùng với danh tiếng, các nhạc sĩ trẻ hiện tại đa phần rất ảo tưởng về “giá” của mình. Chỉ cần được biết tới sau một hai bài hát tầm tầm dễ nghe, dễ thuộc rồi cũng dễ quên, những sáng tác của các nhạc sĩ này vội tăng giá chóng mặt. Nhiều ca sĩ trẻ ngán ngẩm lắc đầu khi được hỏi chuyện mua bài từ dàn “sao” sáng tác trẻ này.
Anh T.L - quản lý của ca sĩ Đại Nhân, Họa Mi cho biết: “Ca sĩ của tôi đa phần phải sử dụng sản phẩm “cây nhà lá vườn” mà thôi; khó có thể chấp nhận mức giá ca khúc tiền triệu vốn dĩ chỉ có thể chi trả cho những bài hát của các nhạc sĩ nổi tiếng”.
- Tiếng nói người trong cuộc
Nhạc sĩ trẻ Nguyễn Hoàng Duy, người tạo nên nhiều ca khúc ăn khách cho các ca sĩ trẻ như Yến Trang, Noo Phước Thịnh tâm tư: “Gần đây có một số người trẻ không biết nhiều về nhạc lý vẫn có thể sáng tác được những ca khúc “hit”, một phần là nhờ chút tên tuổi của ca sĩ thể hiện, nhưng nguyên nhân chính xuất phát từ thị hiếu dễ dãi của nhiều khán giả.
Bên cạnh đó, trào lưu sáng tác underground - tạm hiểu là viết giai điệu lên một phần nhạc phối nền đã có sẵn, sau đó viết lời và hòa thanh, lối sáng tác này giúp người viết nhạc đốt cháy giai đoạn, cho ra sản phẩm nhanh hơn nhiều so với các nhạc sĩ đàn anh.
Nhưng, đó là con dao hai lưỡi, bởi nó dễ trùng ý tưởng, trùng giai điệu và thậm chí trùng cả ca từ; quan trọng hơn, những sáng tác kiểu này không để lại được những điểm nhấn thật sự, khiến người nghe dễ quên”. Chắc nhiều người nhớ phản ứng của cộng đồng yêu nhạc về hai sản phẩm Ngốc nghếch và Ở nhà một mình của nhạc sĩ trẻ N.H.P, như là một minh chứng cho sự thiếu đầu tư trong sáng tác.
Thị trường âm nhạc vẫn liên tục đón nhận nhiều gương mặt nhạc sĩ trẻ, những người viết mới, tuy nhiên, chưa bao giờ mức độ đào thải của thị trường âm nhạc lại cao như hiện nay. Ngoại trừ một số khán giả quá dễ dãi trong việc thưởng thức âm nhạc thì qua năm tháng, trình độ thưởng thức, gu thẩm mỹ của khán, thính giả đã được nâng cao. Thế nên, chính khán thính giả sẽ là lực lượng chủ chốt giúp sàng lọc những tác phẩm – tác giả yếu kém cả về nội dung và nghệ thuật
NHÓM PV VHVN
NS Phạm Đăng Khương, Ủy viên BCH Hội Âm nhạc TPHCM, Phó Giám đốc Nhà Văn hóa Thanh niên TPHCM, chia sẻ: “Thế hệ nhạc sĩ trẻ hiện nay rất giỏi về công nghệ thông tin, đưa lên và chép xuống các bài hát trên mạng, tìm kiếm những thông tin mới về âm nhạc, hiểu biết những trào lưu âm nhạc của thế giới, giỏi Anh văn, vi tính. Có nhiều bạn không học từ trường lớp chuyên nghiệp, tự học và có năng khiếu âm nhạc, có thể sáng tác, chơi đàn, tự hòa âm… Tuy nhiên, các bạn cũng có những mặt hạn chế về vốn sống, tư duy, thẩm mỹ trong âm nhạc. Chất văn học, lời bài hát còn tự nhiên chủ nghĩa. Chưa kể có một lực lượng luôn chạy theo nhu cầu dễ dãi thiếu tính định hướng, thích gì viết đó. Trong khi đó, thế hệ các nhạc sĩ đi trước có thực tế, vốn sống nhiều, đặc biệt là khả năng về văn học… Theo tôi, nếu có được sự kết hợp giữa các bạn trẻ và thế hệ nhạc sĩ đi trước để bổ sung cho nhau thì rất tốt”. |