Thời tiết chuyển mùa: Trẻ chen chúc chờ khám bệnh

Trong tuần qua không chỉ các tỉnh phía Bắc trời chuyển rét mà ngay các tỉnh thành phía Nam như TPHCM cũng có dấu hiệu chuyển mùa. Thời tiết se lạnh vào buổi sáng và ban đêm khiến không ít trẻ nhỏ mắc các bệnh đường hô hấp, hen suyễn… Trong đó, số bệnh nhi viêm phổi tăng lên rõ rệt, gấp đôi các tuần trước.
Thời tiết chuyển mùa: Trẻ chen chúc chờ khám bệnh

Trong tuần qua không chỉ các tỉnh phía Bắc trời chuyển rét mà ngay các tỉnh thành phía Nam như TPHCM cũng có dấu hiệu chuyển mùa. Thời tiết se lạnh vào buổi sáng và ban đêm khiến không ít trẻ nhỏ mắc các bệnh đường hô hấp, hen suyễn… Trong đó, số bệnh nhi viêm phổi tăng lên rõ rệt, gấp đôi các tuần trước.

Đến mùa… khò khè, sụt sịt

Đã cho nghỉ học từ giữa tuần trước do sổ mũi, biếng ăn và đến sáng qua (15-12), chị Lê Thúy Kh. (ngụ quận 7, TPHCM) tiếp tục cho con tái khám cho… chắc ăn. Sau khi tái khám ở khu Dịch vụ trẻ em lành mạnh Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM, chị Kh. bế con ra nhà thuốc mua một loạt từ thuốc kháng sinh đến thuốc nhỏ mũi và cả men tiêu hóa. “Bác sĩ nói lần này cho liều kháng sinh mạnh thêm chút cho chóng khỏi”, chị Kh. tiếp lời. Trong khi đó, chị Trần Thị V. (ngụ Bình Phước) cũng vừa mua một bịch thuốc nào là Dutixim 100mg, Apcoform 60ml, Deslotid, Lactomin plus… cho đứa con gái 3 tuổi vừa được bác sĩ chẩn đoán viêm mũi họng cấp. “Cứ thời điểm này là y như cháu đổ bệnh. Năm ngoái cũng thế, đến thời tiết giao mùa là khò khè, sụt sịt”, chị V. nói…

Trẻ điều trị bệnh hô hấp tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM.

Có mặt tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM sáng 15-12, chúng tôi ghi nhận một lượng bệnh nhi rất lớn chen chúc chờ khám bệnh ở tất cả các khu từ công lập đến dịch vụ. “Đầu tuần thường quá tải nhưng xem ra tuần này đông hơn hẳn. Phần lớn vẫn là các bệnh liên quan đường hô hấp”, một bác sĩ khoa Khám Chất lượng cao cho biết. Ghé qua Khoa Hô hấp của bệnh viện, chúng tôi cũng không khỏi áy náy vì quá tải đến mức bệnh nhân tràn ra hành lang, lối đi.

Theo bác sĩ Trần Thị Thu Loan, Trưởng khoa Hô hấp Bệnh viện Nhi đồng 2, hiện đang là cao điểm của các bệnh đường hô hấp do thời tiết đang giao mùa sang ẩm, se lạnh khiến bệnh nhi hô hấp tăng cao, các bệnh viện nhi phải căng mình điều trị. Bệnh nhân quá đông trong khi khoa chỉ có 154 giường nên các bé phải nằm ghép, nằm võng khiến nguy cơ lây nhiễm chéo gia tăng. Tương tự, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM cũng khám không dưới 400 trẻ mỗi ngày liên quan đến đường hô hấp. Mỗi ngày, Khoa Hô hấp của bệnh viện phải tiếp nhận hơn 100 bệnh nhân nhập viện điều trị nội trú. Nhiều ngày qua, số trẻ nằm tại Khoa Hô hấp luôn dao động ở mức khoảng 300 trường hợp, tình trạng trên khiến khoa bệnh gần như không còn lối đi. Không chỉ tại các bệnh viện nhi, ghi nhận tại các phòng khám nhi, phòng mạch trên địa bàn TPHCM cũng cho thấy lượng trẻ mắc bệnh hô hấp đến khám khá lớn, cũng quá tải.

Giữ ấm, tăng cường dinh dưỡng

Theo các chuyên gia nhi khoa, thời tiết có tác động rõ rệt đến sức khỏe, nhất là đối với trẻ nhỏ. Thời điểm giao mùa thường gia tăng các loại bệnh, nhất là các bệnh truyền nhiễm, hô hấp, da liễu… Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng vừa có công văn khuyến cáo gửi các tỉnh, thành khi thời tiết chuyển mùa thường tạo ra sự thay đổi về môi trường, nhiệt độ, độ ẩm… gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Đặc biệt vào giai đoạn chuyển từ mùa thu sang mùa đông, nhiệt độ môi trường giảm nhanh, sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn, độ ẩm không khí giảm, ít gió… làm cơ thể con người phải tiêu tốn nhiều năng lượng, sức đề kháng giảm, những người sức yếu hoặc không thích nghi kịp sẽ dễ bị nhiễm bệnh, bị ốm. Theo ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, điều kiện môi trường trong khoảng thời gian chuyển mùa cũng rất thuận lợi cho các mầm bệnh (vi khuẩn, virus) phát triển và lây lan, càng làm tăng nguy cơ mắc bệnh của con người, nhất là với các bệnh như cảm, cúm, bệnh đường hô hấp (viêm phế quản, viêm phổi), tiêu chảy, sởi, rubella, thủy đậu…

Để phòng ngừa các bệnh hô hấp, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh; ủ ấm cho trẻ em khi đi xe máy, khi ra ngoài trời; khi làm việc ngoài trời, ra ngoài vào ban đêm, sáng sớm phải mặc đủ ấm, lưu ý giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu; tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu nhiễm các bệnh như cúm, đường hô hấp, tiêu chảy, sởi, rubella, thủy đậu… Tiêm vaccine phòng bệnh (đối với các bệnh có vaccine phòng). Đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh gia đình, giữ ấm nhà cửa. Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối. Mặt khác, theo BS Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, cần cho trẻ ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng. Uống nước ấm, tránh ăn, uống những thức ăn, nước uống lấy trực tiếp từ tủ lạnh.

Cục Y tế dự phòng khuyến cáo với trẻ nhỏ, trong thời điểm này việc quan trọng nhất là giữ ấm cơ thể và hạn chế cho trẻ ra khỏi nhà. Với trẻ đi học, buổi sáng sương lạnh phải giữ ấm tuyệt đối cho trẻ. Tắm cho trẻ trong phòng tắm đóng kín, tránh gió lùa. Với trẻ bị viêm đường hô hấp, xổ mũi, việc vệ sinh mũi hàng ngày rất quan trọng nhưng phải đúng cách. Ở trẻ nhỏ, viêm phổi diễn tiến rất nhanh, nên việc phát hiện, đưa con đi khám sớm là vô cùng quan trọng, phòng biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.

TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục