Thời tiết vẫn “đỏng đảnh”, thất thường

Những ngày gần đây, thời tiết tại Nam bộ diễn biến rất khó lường, nắng nóng gay gắt, oi nồng đan xen các trận mưa dông, sấm sét thất thường, gây trở ngại cho nhịp sống, sinh hoạt và thậm chí ảnh hưởng sức khỏe của người dân.

Trao đổi với PV Báo SGGP ngày 27-3, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo khí hậu Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, cho biết, sắp tới, thời tiết vẫn còn diễn biến phức tạp do đang bước vào thời kỳ giao mùa trên cả nước.

° PHÓNG VIÊN: TPHCM đang nắng nóng gay gắt, rồi lại mưa dông, sấm sét trái mùa không theo quy luật. Vậy nguyên nhân của hiện tượng này là gì, thưa ông? 

° Ông NGUYỄN VĂN HƯỞNG: Từ đầu tháng 3 đến nay, hình thái thời tiết chủ đạo ở Nam bộ và một số khu vực trên cả nước là nắng nóng. Trong đó, nắng nóng gay gắt tập trung chủ yếu tại Đông Nam bộ (bao gồm TPHCM). Tây Nam bộ cũng có nắng nóng nhưng bớt gay gắt hơn.

Theo các số liệu, dữ liệu quan trắc trong tháng 3, Đông Nam bộ đã có nắng nóng với nền nhiệt đạt mức cao nhất kể từ đầu năm 2019 đến nay. Nhiệt độ cao nhất lên tới 37°C hoặc trên 37°C. Song hiện tượng này là bình thường, bởi trong lịch sử, vào tháng 3-1998, nền nhiệt cao nhất trong ngày tại TPHCM từng tới 39,4°C.

Hiện tượng gây khó chịu là xen giữa các đợt nắng nóng gay gắt là các đợt mưa trái mùa diễn ra. Nguyên nhân gây mưa trái mùa là do tác động trực tiếp của nhiễu động trong đới gió Đông trên các tầng khí quyển từ mực 1.500 đến 5.000m di chuyển và đưa ẩm (hơi nước) vào đất liền, gây ra các trận mưa rào và dông, lốc, sét trái mùa… 

° Sắp tới tình hình phức tạp như trên có tiếp diễn?

° Thời tiết ở Nam bộ đang vào chuỗi ngày nắng nóng với nền nhiệt độ cao 36-37°C. Dự báo, vào khoảng 30, 31-3 và đầu tháng 4, nhiễu động trong đới gió Đông trên cao tiếp tục thiết lập, tác động trở lại khu vực Nam bộ nên gây mưa dông, mưa trái mùa trở lại. Nam bộ, nhất là Đông Nam bộ, vẫn sẽ tiếp tục “đỏng đảnh”, gây khó chịu cho nhịp sống, sinh hoạt của người dân.

° Như vậy, Nam bộ đã vào mùa mưa?

° Hiện tại vẫn là mùa khô. Vì vậy, nắng nóng gay gắt tiếp tục đến những ngày đầu tháng 5, với nguy cơ khô hạn, thiếu hụt mưa. Từ cuối tháng 5, Nam bộ mới bắt đầu chuyển dần sang mùa mưa - xem như dự báo muộn hơn so với trung bình hàng năm. 

° Miền Bắc đã kết thúc mùa đông, không còn rét?

° Bắc bộ và Trung bộ, trong tháng 4 vẫn còn 3-4 đợt không khí lạnh tràn về, đáng kể nhất là đợt gió mùa Đông Bắc có thể ảnh hưởng nước ta. Khi đó, từ ngày 31-3, Bắc bộ có thể xảy ra mưa rào và dông trên diện rộng, sau đó lan rộng xuống các tỉnh miền Trung.

Do ảnh hưởng mạnh của đợt gió mùa Đông Bắc này, nhiều khả năng từ ngày 31-3 đến 2-4, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi có thể xuất hiện mưa vừa, mưa to, dông mạnh, kèm nguy cơ lốc xoáy và gió giật mạnh.

Ở các tỉnh miền Bắc từ ngày 31-3, trời có khả năng trở rét. Vịnh Bắc bộ gió Đông Bắc mạnh ở mức cấp 6-7, giật cấp 8-9. Sau đó, Bắc bộ vẫn vài đợt không khí lạnh nữa nhưng cường độ từ yếu đến trung bình và lệch Đông, không còn như các đợt không khí lạnh vào mùa đông nên trời chỉ chuyển rét trong 1 -2 ngày. 

° Ông có lưu ý gì cho người dân?

° Đang là thời điểm giao mùa, nên đề phòng các hiện tượng thời tiết cực đoan như dông, lốc, mưa đá ở miền Bắc, trong khi miền Trung xuất hiện nắng nóng cục bộ. Tình trạng ít mưa vẫn tiếp tục diễn ra tại các tỉnh Nam Trung bộ, Tây Nguyên và Nam bộ nên cần chủ động chống khô hạn.

Từ nay đến cuối tháng 4, nền nhiệt độ trên phạm vi cả nước phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm. Lượng mưa ở Bắc bộ và Bắc Trung bộ xấp xỉ so với trung bình cùng thời kỳ nhiều năm.

Đông Bắc bộ có nhiều ngày mưa nhỏ, mưa phùn kèm sương mù, tập trung vào cuối tháng 3; các khu vực khác ít mưa và thiếu hụt so với trung bình nhiều năm. Cần đề phòng các hiện tượng thời tiết cực đoan và dịch bệnh bùng phát.

Tin cùng chuyên mục