Thông tin mới nhất về quy định bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp

Hiện nay, một số địa phương có đề án tổ chức thi thăng hạng và chỉ tiêu thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, trong khi Nghị định số 85 của Chính phủ mới được ban hành đã bỏ quy định thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Vậy, các địa phương đã có đề án cần thực hiện ra sao?

Ngày 15-12, bà Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã có văn bản gửi các bộ, cơ quan ngang bộ; UBND các tỉnh, thành phố; Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; các đoàn thể; 2 đại học quốc gia… về việc thực hiện các quy định về thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.

Hiện nay, Bộ Nội vụ nhận được đề nghị của một số bộ, ngành, địa phương về việc thống nhất nội dung đề án tổ chức thi thăng hạng và chỉ tiêu thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức (đề án). Tuy nhiên, do một số đề án chưa đầy đủ hồ sơ nên Bộ Nội vụ đã có văn bản gửi lại các địa phương để hoàn thiện. Theo bà Phạm Thị Thanh Trà, một số đề án của địa phương mới gửi đến Bộ Nội vụ nên chưa có văn bản thống nhất.

vien-chuc-2688.jpg
Công chức, viên chức thực hiện công việc

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 85 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115 quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức. Theo đó, nghị định đã bỏ quy định thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp (giữ quy định xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp). Đồng thời, tại khoản 2, điều 2 Nghị định quy định “trường hợp đã được cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt đề án thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức trước ngày nghị định này có hiệu lực thì được tiếp tục thực hiện theo đề án đã được phê duyệt trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày nghị định này có hiệu lực thi hành. Sau thời hạn này, nếu không hoàn thành thì thực hiện theo quy định tại nghị định này”.

Để thực hiện đúng quy định của Nghị định số 85, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đề nghị các bộ, ban, ngành, địa phương thống nhất triển khai. Cụ thể, đối với các đề án đã được Bộ Nội vụ thống nhất và đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án quyết định việc thực hiện theo quy định tại khoản 2 điều 2 Nghị định số 85.

Đối với các đề án chưa có ý kiến của Bộ Nội vụ, thực hiện xét thăng hạng theo quy định tại Nghị định số 85 (các khoản 16, 17, 19, 20, điều 1 sửa đổi các điều 32, 33, 39, 40 của Nghị định số 115/2020/NĐ-CP).

Đối với viên chức hạng V và viên chức hạng IV, thực hiện xét thăng lên hạng chức danh nghề nghiệp liền kề (hạng IV và hạng III) theo quy định tại khoản 2, điều 32 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại khoản 16, điều 1 Nghị định số 85) nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định mà không phải chờ thông tư quy định chi tiết tiêu chuẩn, điều kiện của bộ quản lý chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành (áp dụng đối với cả trường hợp đã có trong danh sách kèm theo đề án đã được Bộ Nội vụ thống nhất, không tổ chức thi thăng hạng đối với trường hợp này).

Bà Phạm Thị Thanh Trà đề nghị các bộ quản lý chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành khẩn trương ban hành quy định về tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng theo quy định tại khoản 16, điều 1 Nghị định số 85, bảo đảm đúng thời hạn quy định làm căn cứ để các bộ, ngành, địa phương kịp thời tổ chức xét thăng hạng viên chức.

“Căn cứ quy định tại Nghị định 85, các bộ, ngành, địa phương tổ chức xét thăng hạng theo thẩm quyền mà không phải gửi đề án đến Bộ Nội vụ để thống nhất trước khi thực hiện; đồng thời rà soát các quy định về thẩm quyền tuyển dụng, quản lý, sử dụng viên chức (bổ nhiệm, xếp lương, nâng bậc lương, phụ cấp thâm niên vượt khung...) để sửa đổi, bổ sung bảo đảm phù hợp với quy định tại nghị định”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đề nghị.

Tin cùng chuyên mục