Thư gửi anh Lê Hiếu Đằng - “Đằng ấy… đằng mình”!!!

L.T.S:

L.T.S: Những ngày qua, bài viết Suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh của ông Lê Hiếu Đằng (Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Dân chủ - Pháp luật Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TPHCM) trên các diễn đàn, báo mạng được dư luận quan tâm. Nội dung bài viết không mới, với quan điểm cho rằng, Việt Nam cần phải “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản”. Những quan điểm trên vốn đã xuất hiện đầy rẫy trên các diễn đàn, được một số cá nhân và tổ chức khoác lên chiêu bài “dân chủ”. Điều đáng nói ở đây, ông Lê Hiếu Đằng là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam; đã từng tham gia phong trào học sinh - sinh viên chống chiến tranh tại Sài Gòn từ trước năm 1975; đã từng tham gia xây dựng TPHCM, xây dựng đất nước một cách tự nguyện, lại có thể phủ nhận mọi thành quả của cách mạng Việt Nam, nhìn nhận qua lăng kính cá nhân một cách phiến diện, ấu trĩ và lệch lạc. Đáng lẽ ra, nếu thật sự tâm huyết với đất nước, ông Lê Hiếu Đằng phải cùng chung tay với Đảng để xây dựng đất nước ổn định, hòa bình, phát triển…

Dịp này, chúng tôi đã nhận được nhiều ý kiến từ những nhân sĩ, trí thức… xung quanh bài viết của ông Lê Hiếu Đằng. Bắt đầu từ số báo hôm nay 26-8, Báo SGGP xin trân trọng giới thiệu những ý kiến tâm huyết trên.

Kính thưa anh Lê Hiếu Đằng,

Ở Sài Gòn, anh hướng về cách mạng (đằng mình) góp phần vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Quá khứ dấn thân đó của anh, chúng tôi rất trân trọng nhưng tiếc thay, khi ở độ tuổi “xưa nay hiếm” anh lại không tiếp tục theo con đường đã chọn, đi đến cùng mà “thanh toán”, “tính sổ” lại tất cả sự nghiệp gắn bó với nhân dân của đời mình.

Anh - như tôi được biết qua nghiên cứu và những lần hợp tác trong biên soạn Lịch sử Mặt trận (UBMTTQ TPHCM), nơi anh gắn bó công tác từ chiến khu đến ngày hưu trí - luôn là người nhiều lý lẽ có tính phản biện, song vẫn thể hiện sự mực thước trong tổ chức với nhiệm vụ được phân công.

Ấy thế mà, anh bị lung lay, dao động đi đến phản bội mục tiêu, lý tưởng, con đường cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Anh Lê Hiếu Đằng (Đằng ấy), đảng viên 45 năm tuổi Đảng trở thành “nhà bất đồng chính kiến”, bắt đầu hoạt động chống Đảng với cái anh cho là suy nghĩ để xã hội “tốt hơn, dân chủ hơn”?! Anh học lý luận và từng dạy môn Chủ nghĩa xã hội khoa học ở Trường Đảng Nguyễn Văn Cừ. Thời anh giảng dạy ấy, nếu nghiên cứu tới nơi, có thể anh đã không chuyển hướng thế này. Gần đây, trên giường bệnh anh kêu gọi lập đảng mới gọi là Đảng Dân chủ xã hội đối lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Anh bệnh mà không thể an dưỡng, “bận” lo “việc nước”, nhưng rõ ràng là đang tự huyền hoặc mình với những nhận định hàm hồ, phiến diện… Bây giờ “Đằng ấy” nói năng rất liều mạng, tư duy có sâu sắc chi đâu?

Bài viết của “Đằng ấy” phủ định Chủ nghĩa Mác, và nặng lời với Đảng Cộng sản Việt Nam và chế độ xã hội hiện nay ở nước ta, đòi thay đổi thể chế chính trị ở Việt Nam thành lập một đảng phái khác - Đảng Dân chủ xã hội. Kịch bản mà “Đằng ấy” đưa ra là cái trò bóp méo sự thật về tình hình ở Việt Nam, tự biến mình thành con rối chính trị cho bọn phản động giật dây trong vở kịch đó.

“Đằng ấy” trả lời phỏng vấn của Đài BBC: “Về phương pháp luận của Chủ nghĩa Mác - Lênin mà tôi hiểu được có một điều cơ bản là cơ sở hạ tầng (bao gồm cơ sở xã hội, cơ sở kinh tế...) như thế nào thì phản ảnh lên thượng tầng kiến trúc như thế đó”. Làm căn cứ cho luận điểm sau khi cải cách cho phép nhiều thành phần kinh tế, anh cho rằng: “Một khi cơ sở hạ tầng có nhiều thành phần kinh tế khác nhau trong xã hội sẽ có nhiều tầng lớp với lợi ích khác nhau, thì tất yếu họ phải có tổ chức để đấu tranh bảo vệ quyền lợi của họ” và “đó là quy luật tất yếu, vì vậy không thể không đa nguyên đa đảng được…”.

Nếu nghiên cứu kỹ hơn, chắc “Đằng ấy” biết rằng: Một chế độ đa đảng chưa hẳn đã là chế độ đa nguyên về chính trị. Trung Quốc hiện nay có 9 đảng chính trị thì 8 đảng thừa nhận Đảng Cộng sản Trung Quốc là người duy nhất lãnh đạo nước Trung Hoa, lấy chung mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đó là chế độ đa đảng mà nhất nguyên về chính trị. Ở Mỹ, tuy có 2 đảng nhưng có đúng là chế độ đa nguyên về chính trị không? Bởi 2 đảng này chỉ đối lập nhau trên một số phương diện không cơ bản còn xét về bản chất giai cấp - xã hội, 2 đảng này là đồng nhất, có mục tiêu căn bản giống nhau: củng cố và phát triển thể chế chính trị đầy bất công ở Mỹ. Ở Anh và Nhật Bản, hiến pháp lại thừa nhận vai trò của nhà vua, họ là những nhà nước quân chủ lập hiến. Không ai có thể đòi hỏi các quốc gia ấy xóa bỏ thể chế riêng có của họ. Ở nước Nga thời hậu Xô-viết, người ta cũng thành lập chế độ cộng hòa tổng thống theo cách thức của người Nga chứ không theo cách thức của người Anh để tái thiết lập chế độ Sa hoàng…

Thưa anh Lê Hiếu Đằng, hẳn anh cũng biết rằng, một chế độ nhất nguyên hay đa nguyên về chính trị là do một loạt nhân tố quy định, trong đó tương quan lực lượng xác lập vị trí vai trò lãnh đạo, cầm quyền của đảng, những thành tựu mà nhân dân đạt được trong thực tiễn phát triển xã hội dưới sự lãnh đạo của đảng đó. Việt Nam trong thời kỳ lịch sử cận – hiện đại, xác lập vai trò duy nhất cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1946, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chấp nhận sự tồn tại hợp pháp của 2 đảng đối lập (Việt Nam Quốc dân đảng, Việt Nam Cách mạng đảng) và trao cho 2 đảng này 72 ghế trong Quốc hội, anh phải hiểu thực chất là sách lược. Khi tương quan lực lượng cho phép nhất nguyên về chính trị mà lại chủ động tạo ra thể chế chính trị đa nguyên là sai lầm, góp phần làm suy yếu và tan rã đảng cầm quyền, có thể dẫn tới rối loạn xã hội, hạn chế phát triển toàn diện.

Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo hệ thống chính trị toàn cõi Việt Nam là tất yếu lịch sử vì ngoài lợi ích của nhân dân, Đảng không có lợi ích nào khác. Thế nhưng muốn giữ vững được vai trò của đảng cầm quyền, Đảng phải là đảng trí tuệ đề ra đường lối chủ trương đúng; tổ chức ra bộ máy khả dĩ thực hiện các chính sách thể chế hóa chủ trương với đội ngũ cán bộ, đảng viên gương mẫu, tiên phong… Một Đảng như vậy sẽ thực sự là một đảng lãnh đạo một nhà nước dân chủ mới: Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân!

Tóm lại, những điều căn bản như vậy lẽ ra “Đằng ấy” nghiên cứu sâu sắc thì sẽ không tự huyễn hoặc mình và không mắc mưu những kẻ thọc gậy bánh xe đầy ác ý. Giờ đây “Đằng ấy” không còn là người của “đằng mình”, song chúng ta mong rằng qua cơn mê, “Đằng ấy” sẽ suy nghĩ nghiêm chuẩn hơn. Cánh cửa của Đảng không phải dễ vào, nhưng với những người như “Đằng ấy”, có lẽ sự tiếp nhận không khó lắm.

Mong anh khỏe và mong “Đằng ấy” sẽ vẫn là “đằng mình” mãi vững bước trên con đường Đảng và dân tộc ta đã chọn!

TPHCM ngày 23-8-2013.

TS HOÀNG VĂN LỄ

Tin cùng chuyên mục