Thu hẹp khoảng cách thu nhập

Ở tiệm bánh mì, một chị bán vé số nhìn chiếc bánh mì kẹp thịt nướng thơm phức trên tay người khách với vẻ thèm thuồng: “Nghe nói cái này ăn ngon lắm”. Người khách thoáng ngần ngừ, rồi bảo người bán làm thêm một cái nữa, đưa chị bán vé số: “Chị ăn thử đi, cho biết”. Chị bán vé số một thoáng bối rối nhưng nhìn thấy ánh mắt thật tình của người mời nên nhận, với vẻ xúc động. Đầu năm, nhận cái bánh mì chia sẻ của người không quen, cũng ấm lòng.

Ở một phía khác, câu chuyện về tô phở bò có giá 750.000 đồng vẫn tiếp tục tạo ra những gợn sóng trong tâm tưởng. Ở khía cạnh tiêu dùng, sẽ có người phấn khởi vì mức sống đã nâng cao. Tô phở gần tiền triệu cũng có không ít người ăn, nghĩa là mức sống đã khá hơn trước rất nhiều. Nhưng ở khía cạnh xã hội, nghĩ đến nỗi thèm ổ bánh mì thịt của chị bán vé số, lại thấy tô phở ấy như một thể hiện quá rõ của khoảng cách giàu nghèo. Và không chỉ là chiếc bánh mì hay tô phở, khoảng cách ấy còn được nhìn thấy trong rất nhiều ví dụ.

Trong khoản nhập siêu khoảng 12 tỷ USD của năm ngoái, có một tỷ trọng đáng kể là hàng tiêu dùng đắt tiền. Và cái tết vừa rồi, có nhiều gia đình đô thị chỉ mua bánh ngoại, mứt nhập, quần áo đồ dùng có xuất xứ ngoại quốc. Trong khi đó, rất nhiều ngàn gia đình vẫn phải nhận chăn màn, lương thực cứu trợ để ăn tết. Thụ hưởng theo thu nhập, đó là chuyện khó có thể tranh luận. Tuy vậy, qua những chi tiết cụ thể ấy, sẽ thấy rằng hành trình rút ngắn khoảng cách giàu nghèo vẫn còn xa ngút.

Kinh tế phát triển, mức bình quân thu nhập đầu người tăng lên. Theo thống kê được công bố tháng 11-2010 của Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP), sau 4 thập kỷ, thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam đã tăng 5 lần. Nước ta đứng thứ 8 trong danh sách các nước có nhiều tiến bộ về thu nhập bình quân đầu người. Hàng triệu người đã thoát cảnh đói nghèo. Nhưng ai cũng hiểu, “bình quân” không cho thấy sự chênh lệch về mức sống, thu nhập giữa các nhóm cư dân. Mặt khác, tăng trưởng về các chỉ số kinh tế không hẳn đã đồng nghĩa với sự đảm bảo về chất lượng cuộc sống. Đấy là chưa kể không phải con số thống kê chính thức nào cũng hoàn toàn đáng tin cậy.

Nhiều chương trình xã hội, lá lành đùm lá rách, cưu mang cộng đồng đã được mở ra. Nhưng đó chủ yếu chỉ mang ý nghĩa “miếng cơm, con cá” cho lúc đói lòng, khó ngặt. Cứu trợ không làm thay đổi được mức sống. Thu nhập của người nghèo phải được tạo ra từ công ăn việc làm của họ. Khi vẫn thất nghiệp toàn phần hoặc một phần, thu nhập vẫn tiếp tục bấp bênh. Thu nhập quá thấp thì không thể thoát đói nghèo. Cha mẹ đói nghèo thì con thất học. Và cái vòng luẩn quẩn “nghèo đói - thất nghiệp - thất học - nghèo đói” sẽ quay lại như một ám ảnh.

Rõ ràng, trong tương quan so sánh trực tiếp, các chương trình việc làm ở cả tầm cấp quốc gia và địa phương trong nhiều năm qua chưa được quan tâm nhiều như hoạt động cứu trợ. Ủng hộ của phía doanh nghiệp cho cộng đồng cũng đang nghiêng về cứu giúp người nghèo trong thời điểm cụ thể hơn là tạo ra nhiều việc làm mới. Do vậy, cách “điều trị” cho căn bệnh đói nghèo vẫn còn thụ động. Chữa bệnh thiên về dùng thuốc giảm đau thì dễ chịu về cảm giác nhất thời, nhưng không hết bệnh.

Mong rằng việc chú trọng hàng đầu trong năm nay và những năm tới sẽ là tạo công ăn việc làm ở hai khu vực trọng tâm là nông thôn và người nghèo đô thị. Thu hẹp khoảng cách xã hội về thu nhập và mức sống, đó cũng chính là nâng cao chất lượng chính sách và tăng trưởng. 

VŨ THƯỢNG

Tin cùng chuyên mục