Thử một cái tết khác

“Có chiếc áo len ấm mua để tết về quê mặc, mà tính đi tính lại quyết định không về nữa. Có ai về quê muốn lấy không, mình để lại giá một nửa thôi”. Chị Dương Huỳnh đăng trên Facebook lời rao bán món hàng bình thường như bao lời rao khác, nhưng lại chất chứa nỗi lòng của cả chủ nhân và nhiều người khác vô tình đọc được nó.

Tết này con không về

“Mình cũng không về. Năm nay đến tiền sinh hoạt hàng tháng còn méo mặt, không dám nghĩ tới về quê”; “Áo đẹp quá, gia đình mình cũng quyết định ăn tết trong này, mong dành dụm được chút đỉnh gửi về phụ ba mẹ làm vốn gầy dựng lại nhà cửa, chuồng trại”; “Sao ai cũng không về vậy, gia đình mình cả 4 anh chị em đều vào trong này đi làm rồi sinh sống ở thành phố luôn. Dâu rể cũng là người cùng quê nên năm nào tầm này, mấy gia đình nhỏ hơn chục con người đều rục rịch chuẩn bị mọi thứ để được nghỉ là lên đường về quê ngay. Năm nay kinh tế khó khăn quá nên tụi mình ở lại xem có việc gì làm thêm không”… Những dòng bình luận cứ dài mãi nhưng chủ yếu là sự trải lòng về cái tết không đoàn viên sắp tới. Chiếc áo len vẫn còn đó…

Thử một cái tết khác ảnh 1 Chị Thu Trang (ngụ quận 12, TPHCM) cùng con bỏ heo đất để phụ ba mẹ ở quê, thay vì dành tiền về quê ăn tết. Ảnh: THU HƯỜNG

Hơn 10 năm ở TPHCM, chỉ có năm đầu tiên mới vào và năm thứ 6 sinh em bé là gia đình chị Thu Trang (ngụ quận 12, TPHCM) không về quê. Còn lại, đều đặn mỗi năm chị đều vun vén công việc, kinh tế để gia đình cùng về quê Quảng Bình đón tết. Mọi năm, con heo đất được chị đặt trên kệ với dòng chữ “Tết đoàn viên” làm nhiệm vụ chứa tiền tiết kiệm, chứa sự háo hức và động lực của cả gia đình, thì năm nay, chị thay thế bằng dòng chữ “Tiền phụ ba mẹ”.

Chị Trang chia sẻ: “Đợt lũ vừa qua, nhà mình tốc hết mái, nhà ông bà nội tụi nhỏ đỡ hơn nhưng cũng chỉ còn mỗi xác nhà. Công ty vợ chồng mình làm thì bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên thu nhập hàng tháng giảm 1/3. Mới đây, công ty cũng thông báo thưởng tết chút đỉnh để động viên nhân viên chứ không có lương tháng 13 như mọi năm. Thành thử vợ chồng mình quyết định không về quê, số tiền bỏ ống heo cả năm cùng lương, thưởng cuối năm sẽ gửi về biếu nội ngoại mỗi nhà một ít để phụ ông bà sắm sửa lại đồ đạc”.

Tầm này mọi năm, sự háo hức về quê đón tết thể hiện rõ trên gương mặt những người con xa quê. Những lời thăm hỏi thường ngày hầu như chỉ xoay quanh câu chuyện mua vé, sắm tết. Riêng năm nay, ảnh hưởng của dịch Covid-19, rồi đợt lũ lụt lịch sử vừa qua như trút thêm gánh nặng, khiến nhiều gia đình xất bất xang bang. Bởi vậy mà mong ước tết đoàn viên cũng mờ nhạt hơn mọi năm và thay bằng những trăn trở khác.

Đoàn viên ở xứ người

Trước khi quyết định bán mấy chiếc áo len cho người khác, chị Dương Huỳnh đã thông báo với gia đình, tết này chị không về. Ba mẹ chị có chút hụt hẫng nhưng ông bà không phản ứng như mọi năm. Bởi ba mẹ chị hiểu, năm nay khó khăn đến nhường nào.

Trong khi đó, nhiều người cho biết sẽ đón ba mẹ ngược vào TPHCM đón tết. Anh Nguyễn Minh Hải (ngụ quận 9, TPHCM) đã đặt vé máy bay cho ba mẹ ở Quảng Nam vào TPHCM ăn tết. Ban đầu, ba mẹ anh Hải cũng không chịu, trước giờ ông bà chỉ ở quê, tết nhất còn lo hương khói gia tiên. Năm nay, nhà lụt phải tháo dỡ để xây lại, ông bà đi ở nhờ nhà người quen trong quá trình xây nhà, dự kiến sau tết, nhà mới hoàn thiện. Vì vậy, anh Hải động viên ba mẹ vào trong này.

Theo anh Hải tính toán, nội tiền vé máy bay, chi phí đi lại, ăn uống của gia đình 4 người nhà anh vào dịp tết mất khoảng trên dưới 30 triệu đồng, chưa kể tiền chi tiêu, mua sắm ngày tết, năm nào gia đình anh cũng chi khoảng 50-60 triệu đồng. “Mọi năm còn trông vào khoản tiền thưởng để thu vén tết, năm nay lương, thưởng đều giảm nên phải tính cách khác. Ba mẹ tôi vào trong này ăn tết, gia đình vẫn đoàn tụ sum vầy mà chi phí chỉ khoảng 1/3 mọi năm”, anh Hải cho biết.

Ý tưởng ngược vào TPHCM đoàn viên ngày tết cũng được gia đình chị Đỗ Bích Ngọc (ngụ quận Gò Vấp, TPHCM) lên kế hoạch. Nhà ba mẹ chồng chị không bị ảnh hưởng nhiều từ đợt lũ lụt vừa qua, nhưng vợ chồng chị thì “thấm đòn” bởi dịch bệnh. Công việc kinh doanh chững lại, thu nhập chỉ đủ trả một phần lương nhân viên.

Vì vậy mà kế hoạch tết về quê nội Nghệ An và quê ngoại Kiên Giang như mọi năm cũng tạm hoãn. Dẫu vậy, năm nay chị quyết định mời ba mẹ 2 bên cùng ăn tết ở TPHCM. “Cả năm, ông bà chỉ mong ngày tết được gặp con, gặp cháu. Nhưng đi lại vừa ngại dịch bệnh, vừa ngại chi phí nên quyết định năm nay đoàn viên tại TPHCM. Ông bà 2 bên cũng háo hức lắm”, chị Ngọc chia sẻ.

Trong dự định đón tết năm nay, chị Ngọc còn tính toán sẽ đặt gà, vịt, tôm, cua và trái cây của 2 quê vào để bán online, số tiền lời, ra tết chị sẽ đưa ông bà đi thăm những nơi nuôi dưỡng trẻ mồ côi. Đó cũng là cách để gia đình chị chia sẻ với bà con chòm xóm.
Tết đoàn viên gần như là cái đích trong năm của rất nhiều người con xa xứ. Tuy nhiên, tùy hoàn cảnh và có nhiều cách để mỗi người vun vén cho mình một mùa tết ấm áp, đoàn viên.

Tin cùng chuyên mục