
Trong những ngày này, mặc dù Khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM mới chuyển về khu nhà mới xây với số giường bệnh đã tăng, nhưng tình trạng quá tải vẫn diễn ra thường xuyên. Trung bình mỗi ngày, khoa nhận trên 30 ca các bệnh về đường hô hấp, ngày cao điểm có đến 60 - 70 ca nhập viện. Theo các bác sĩ, “tác nhân giấu mặt” của việc gia tăng các bệnh về đường hô hấp trong thời gian gần đây chính là tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng tăng cao.
Khí độc hại ngày càng gia tăng
Với gần 3 triệu xe gắn máy, 400.000 xe hơi cùng với hàng chục ngàn cơ sở sản xuất lớn, nhỏ hoạt động trong bối cảnh việc kiểm định tiêu chuẩn về môi trường đối với các phương tiện giao thông và các cơ sở sản xuất còn nhiều bất cập, tình trạng ô nhiễm không khí tại TPHCM thực sự là vấn đề đáng lo ngại. Báo cáo về “Hiện trạng ô nhiễm không khí tại TPHCM” của Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên-Môi trường TPHCM) mới đây cho thấy, nồng độ các chất ô nhiễm cực kỳ độc hại trong không khí đang ở mức cao và ngày càng gia tăng, người dân TPHCM đang phải hít thở trong bầu không khí có quá nhiều chất độc hại vượt mức cho phép.

Kết quả quan trắc lần đầu tiên tại TPHCM năm 2005 cho thấy nồng độ Benzen, chất độc hại có khả năng gây ung thư cao, có nơi lên đến 30 – 40 µg/m3, trong khi theo Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (USEPA) ngưỡng cho phép là 10 µg/m3 (tiêu chuẩn này của Việt Nam chưa được ban hành). Nồng độ nhiều chất ô nhiễm khác trong không khí cũng rất cao và vượt giới hạn cho phép. Chẳng hạn nồng độ bụi đặc trưng PM10 (bụi lơ lửng có kích thước nhỏ hơn 10µg) có khu vực lên đến 90 µg/m3 so với mức cho phép theo tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN 5937 – 2005) là 50 µg/m3 và theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là 30 µg/m3; nồng độ N02 luôn xê dịch từ 40 – 70 µg/m3 so với tiêu chuẩn cho phép là 40 µg/m3…
Theo ông Nguyễn Đinh Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường TPHCM, mục tiêu của chương trình giảm thiểu ô nhiễm không khí môi trường thành phố ban hành năm 2002 là đến năm 2005 giảm được 50% nồng độ bụi, SO2, CO2 và xuống bằng mức cho phép vào năm 2010. Còn về các chất ô nhiễm cực kỳ độc hại như benzen, O3, NO2 – những “kẻ giết người giấu mặt” qua nhiều căn bệnh như ung thư, tim mạch, suy hô hấp, hen suyễn… thì cho đến nay vẫn bị bỏ quên.
“Kẻ giết người thầm lặng”
Với mức độ ô nhiễm như vậy, có thể nói tình trạng này đang tác động rất lớn lên sức khỏe cộng đồng. Ô nhiễm không khí, ô nhiễm môi trường được mệnh danh là “kẻ giết người thầm lặng”. Tác hại của ô nhiễm không khí với sức khỏe con người dễ nhận thấy nhất là những bệnh lý về đường hô hấp.
Tại 2 bệnh viện nhi ở TPHCM (Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2), số lượng trẻ đến khám, điều trị các bệnh có liên quan đến ô nhiễm không khí ngày càng gia tăng trong thời gian gần đây. Một số bệnh có mối liên hệ chặt với ô nhiễm không khí đến khám, chữa trị tại bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) ngày càng gia tăng như: suyễn (từ 3.074 ca vào năm 1996 tăng lên 11.491 ca vào năm 2005); nhiễm khuẩn hô hấp dưới (từ 2.727 ca vào năm 1996 tăng lên 3.772 ca vào năm 2005); viêm tai giữa (từ 441 ca vào năm 1996 tăng lên 1.999 ca vào năm 2005)… Riêng trong 6 tháng đầu năm 2006 đã có 320.560 lượt bệnh nhi đến khám và chữa các bệnh về đường hô hấp, trong đó suyễn: 6.987 ca; viêm hô hấp: 35.894 ca; viêm mũi họng: 64.991 ca; viêm phế quản: 91.687 ca; viêm tiểu phế quản: 16.688 ca…
Theo ông Tuấn, nếu không có gì thay đổi, trong năm nay Dự án nghiên cứu các tác động của ô nhiễm không khí lên sức khỏe người dân TPHCM sẽ được triển khai. Dự án này được thực hiện với số vốn 950.000 USD, chủ yếu từ nguồn tài trợ không hoàn lại của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Viện Nghiên cứu tác động sức khỏe (HEI). Việc triển khai dự án này sẽ là một hoạt động tích cực để hướng đến một môi trường sạch, an toàn.
KIM LIÊN