Thứ trưởng Tạ Quang Đông trả lời báo chí về phim “Vợ ba“

Xung quanh việc sử dụng diễn viên 13 tuổi cho phim 18+ khiến dư luận bất bình, ngày 24-5, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Tạ Quang Đông trả lời phóng viên báo SGGP khẳng định, việc sử dụng trẻ em 13 tuổi tham gia đóng phim với một số hình ảnh phản cảm như trong phim “Vợ ba” là không phù hợp.

Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Tạ Quang Đông
 * Phóng viên: Vừa qua, Bộ VH-TT-DL đã chỉ đạo Cục Điện ảnh báo cáo về quy trình cấp phép, phổ biến phim “Vợ ba”. Đến nay, báo cáo của Cục Điện ảnh về những nội dung Bộ trưởng yêu cầu đã thực hiện thế nào, thưa ông?

* Thứ trưởng TẠ QUANG ĐÔNG: Bộ phim “Vợ ba” là một bộ phim tâm lý xã hội, kể về những uẩn khúc và bi kịch trong gia đình địa chủ phong kiến cuối thế kỷ 19 mà một thiếu nữ được lấy về làm vợ ba đã chứng kiến, nếm trải. Cục Điện ảnh đã tiếp nhận đơn đề nghị của nhà sản xuất, thực hiện thẩm định kịch bản theo chức năng, nhiệm vụ và tham mưu Bộ cấp phép sản xuất bộ phim (Quyết định 3042/QĐ-BVHTTDL ngày 31/8/2016) trong đó yêu cầu nhà sản xuất thực hiện theo đúng nội dung Giám định kịch bản lần 1 (ngày 27/4/2016) và lần 2 (ngày 8/6/2016). Bộ phim đã được Cục Điện ảnh cấp Giấy phép phổ biến phim tháng 8-2018, trong đó phạm vi được phép phổ biến: phim cấm phổ biến đến khán giả dưới lứa tuổi 18 (C18).

* Như vậy, quy trình cấp phép sản xuất bộ phim và quy trình cấp phép phổ biến phim “Vợ ba” có sai sót gì không? Nếu quy trình này được thực hiện nghiêm túc thì tại sao bộ phim lại khiến dư luận có nhiều ý kiến bất bình như vậy?

* Cục Điện ảnh đã thực hiện quy trình cấp phép sản xuất và phổ biến phim “Vợ ba” theo đúng quy định của Luật Điện ảnh, Nghị định số 54/2010/NĐ-CP ngày 21/5/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện ảnh và Thông tư số 12/2015/TT-BVHTTDL ngày 11/12/2015 của Bộ trưởng Bộ VHTT-DL về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thẩm định và cấp giấy phép phổ biến phim ban hành kèm theo Quyết định số 49/2008/QĐ-BVHTTDL ngày 9/7/2008 của Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL. Tuy nhiên, sau khi phim được công chiếu tại Việt Nam, trước nhiều ý kiến khác nhau về bộ phim, Cục Điện ảnh kiểm tra và phát hiện bản phim chiếu tại rạp khác với bản phim đã được thẩm định, cấp phép và lưu chiểu. Đơn vị sản xuất cũng đã thừa nhận những nội dung vi phạm và chủ động khắc phục bằng việc ngưng công chiếu bộ phim bắt đầu từ 18giờ ngày 20-5-2019.

* Khi duyệt phim, hội đồng duyệt có biết diễn viên chính đang ở lứa tuổi 12-13 không?

* Trong quá trình duyệt kịch bản, hội đồng cũng đã từng có lưu ý đề nghị nâng độ tuổi của nhân vật nữ chính từ 14 lên 26 tuổi. Tuy nhiên, không có quy định buộc phải báo cáo về độ tuổi của các diễn viên.

* Một số ý kiến cho rằng bộ phim đã từng tham dự một số liên hoan phim, được chấp nhận và đánh giá cao, liệu có nên phân loại phim chiếu ở nước ngoài và phim chiếu cho khán giả trong nước?

* Mọi phim trình chiếu ở Việt Nam đều phải tuân thủ theo quy định của pháp luật, không có trường hợp ngoại lệ. Sự việc vừa qua cho thấy các nhà sản xuất, đạo diễn vừa phải thực hiện đúng quy định pháp luật, vừa có sự thận trọng, đạo đức nghề nghiệp và sự tinh tế. Bởi nếu không, tác phẩm nghệ thuật ấy dù có hay đến mấy thì cũng có thể bị công chúng lên án và tẩy chay.

* Trong luật Điện ảnh có quy định về lứa tuổi diễn viên (trẻ em) được tham gia trong các phim 18+ không? Nếu không thì liệu đây có phải là một kẽ hở của pháp luật cần phải quy định rõ ràng hơn để tránh những tranh cãi trong thời gian tới?

* Trong lĩnh vực điện ảnh cũng như trong nhiều ngành nghệ thuật khác, việc sử dụng diễn viên dưới độ tuổi lao động (15 tuổi) là hoạt động cần thiết mang tính đặc thù. Trên thực tế, căn cứ yêu cầu phản ánh hiện thực của tác phẩm điện ảnh và tính sáng tạo của cá nhân đạo diễn, nhà sản xuất lựa chọn diễn viên phù hợp cho dự án phim. Vấn đề này không dựa trên nguyên tắc, hoặc thông lệ nhất định. Ở Việt Nam cũng như trên thế giới, người đạo diễn có thể chọn diễn viên có lứa tuổi tương đồng với nhân vật hoặc theo ngoại hình, khả năng biểu cảm phù hợp. Tuy nhiên, sử dụng lao động nhỏ tuổi trong các tác phẩm điện ảnh cũng cần tuân thủ các quy định của Bộ Luật Dân sự, Luật Lao động, Luật Trẻ em và các quy định pháp luật khác có liên quan. Nếu nhà sản xuất phim không tuân thủ các quy định gây nên những hệ lụy xấu đối với cá nhân người lao động (diễn viên) hoặc tạo ảnh hưởng tiêu cực đến người xem, hoặc đến một số đối tượng khán giả thì cần xem xét, xử lý theo các quy định liên quan.

Bộ phim “Vợ ba” đã khiến dư luận có nhiều ý kiến bất bình xung quanh việc nhà sản xuất sử dụng diễn viên 13 tuổi tham gia bộ phim với một số yếu tố nhạy cảm. Sáng ngày 24-5, Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH cũng đã lên tiếng về việc vi phạm Bộ Luật Lao động và Luật Trẻ em. Xét về khía cạnh đạo đức, thuần phong mỹ tục, Bộ VH-TT-DL cho rằng việc sử dụng trẻ em 13 tuổi tham gia đóng phim với một số hình ảnh phản cảm như trong phim là không phù hợp.

* Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Tin cùng chuyên mục