Thủ tướng chỉ thị cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng

(SGGP).-  Chiều 5-3, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã thay mặt Thủ tướng Chính phủ gửi công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy (PCCC) rừng.

Thủ tướng yêu cầu Bộ NN-PTNT và Ban chỉ đạo TƯ về các vấn đề cấp bách trong bảo vệ và PCCC rừng khẩn trương tổ chức đoàn công tác, phối hợp với UBND các tỉnh trọng điểm đang xảy ra cháy rừng để chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện công tác PCCR; phân công trách nhiệm cụ thể các thành viên Ban Chỉ đạo TƯ trực tiếp chỉ đạo cụ thể tại các địa phương trọng điểm về rừng, đặc biệt là các nơi có nguy cơ cháy rừng cao. Bên cạnh đó, chỉ đạo tổ chức các lực lượng cảnh giới thường trực dập tắt các điểm cháy, không để cháy lan rộng đến các vùng rừng già, các khu bảo tồn thiên nhiên.

Thủ tướng cũng yêu cầu Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn phối hợp với Bộ Quốc phòng có phương án bổ sung lực lượng thuộc Quân khu 2 để hỗ trợ tỉnh Sơn La tham gia chữa cháy rừng tại Khu bảo tồn thiên nhiên và khu vực giáp ranh giữa 2 tỉnh Sơn La và Yên Bái. UBND các tỉnh đang có những điểm cháy rừng lớn (Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái) phân công cụ thể các đồng chí lãnh đạo tỉnh trực tiếp đến các điểm cháy rừng để chỉ đạo việc chữa cháy rừng.

Đồng thời, chỉ đạo UBND các cấp (nơi có rừng) tổ chức lực lượng thường trực, tuần tra bảo vệ rừng, tuyên truyền nhân dân nâng cao ý thức PCCC rừng, không đốt nương rẫy trong thời gian khô hanh là nguyên nhân chủ yếu xảy ra cháy rừng.

Bộ TT-TT được yêu cầu chỉ đạo Tập đoàn Bưu chính viễn thông bảo đảm thông tin liên lạc cho việc chỉ đạo điều hành thực hiện việc PCCC rừng tại các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Lào Cai.

Theo Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về các vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng và PCCC rừng, đến chiều 5-3, do nắng hạn kéo dài, nguy cơ cháy rừng tăng lên rất nhanh, cả nước đã có 20 tỉnh đang có khu vực rừng có nguy cơ cháy ở cấp 5 (cực kỳ nguy hiểm), 23 tỉnh có khu vực rừng ở cấp nguy hiểm. Trong ngày 5-3, qua ảnh vệ tinh đã phát hiện nhiều điểm cháy tại Sơn La 30 điểm, Lai Châu 20 điểm, Điện Biên 16 điểm...

Trong khi đó, nắng nóng bất thường vẫn xảy ra ở các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung bộ, miền Đông Nam bộ, kèm theo hanh khô và có gió mạnh, nhiệt độ cao.

Theo Cục Kiểm lâm (Bộ NN-PTNT), trong 5 ngày đầu tháng 3-2010, cả nước đã để xảy ra 59 vụ cháy rừng quy mô lớn ở địa bàn 13 tỉnh. Tại Yên Bái, vào sáng 5-3 đã có hai điểm cháy tại xã Nà Nhì và Tà Sùa huyện Trạm Tấu. Bộ NN-PTNT đã cử đoàn công tác có mặt tại Sơn La và Lai Châu chỉ huy dập lửa.

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hứa Đức Nhị, các điểm cháy ở khu vực quanh Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Sùa, giáp ranh giữa Sơn La và Yên Bái diễn biến phức tạp, luôn xuất hiện các điểm cháy mới, lại xa phải đi bộ khoảng 8 tiếng mới tiếp cận được đám cháy, lực lượng địa phương huy động trong vài ngày qua cũng đã thấm mệt, không còn đủ sức dập lửa.

Do vậy, để chữa cháy quyết liệt, không để ngọn lửa tiếp tục hóa tro cả Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Sùa với cả một rừng pơ mu quý hiếm, Bộ NN-PTNT đã đề nghị cho sử dụng máy bay từ chiều 5-3 để kiểm tra hiện trường, tiếp thức ăn, nước uống cho người chữa cháy, dự phòng phục vụ công tác cứu nạn và tăng cường thêm lực lượng của Quân khu 2 hỗ trợ chữa cháy rừng tại khu vực giáp gianh giữa Sơn La và Yên Bái.

Tại ĐBSCL, chiều 5-3, ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang cho biết: “Hạn mặn gần như bủa vây khắp tỉnh, độ mặn phổ biến đo được 4‰. Tình hình sẽ nghiêm trọng vì năm nay hạn - mặn về sớm hơn các năm 1 tháng”. Mức độ hạn - mặn đang gia tăng từng ngày ở các tỉnh ven biển ĐBSCL.

Tại Trà Vinh, nước mặn xâm nhập sâu nội đồng làm hơn 12.000 ha lúa đông xuân muộn 2009-2010 đang giai đoạn trổ bông ở Trà Vinh “khát nước”. Công ty Quản lý và Khai thác công trình thủy lợi Trà Vinh cho biết: hồng độ mặn năm nay cao hơn và đến sớm khoảng 15 ngày so các năm. Tại Vàm Láng Thé độ mặn hiện lên đến 4,2‰,Vàm Cầu Quan 5,1‰ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước tưới.

Tại Kiên Giang, hơn 1.000 ha lúa đông xuân bị thiệt hại do xâm nhập mặn. Trong khi đó, Sóc Trăng có khoảng 17.000 ha lúa vụ hè-thu sớm bị ảnh hưởng mặn và thiếu nước trầm trọng.

Tại Cà Mau, do nắng hạn gay gắt kéo dài, nước trên tất cả các con sông ở tỉnh Cà Mau đều cạn kiệt, trong đó có nhiều đoạn sông huyết mạch cạn nước gây tắc nghẽn giao thông đường thủy.

Tuyến kênh xáng Đội Cường nằm giữa hai huyện Đầm Dơi và Cái Nước có chiều dài 9 km, là đoạn sông quan trọng, đường giao thông huyết mạch nối liền từ thành phố Cà Mau - Đất Mũi. Sông rộng trên 30m, nhưng hiện nay nước trên sông cạn kiệt, hai bên chỉ là bãi bồi, còn luồng sông sâu dành cho tàu chạy chỉ có 5 – 6m. Khi thủy triều xuống tất cả các phương tiện vận tải lớn đều phải dừng, chờ nước thủy triều lên.

Tình trạng này đã gây ánh tắc giao thông rất nghiêm trọng. Ngoài kênh xáng Đội Cường, trên địa bàn tỉnh Cà Mau còn nhiều đoạn sông liên tỉnh và các huyện cũng trong tình trạng tương tự như vậy, thời gian chờ đợi có khi phải mất ba, bốn giờ liền.

Tỉnh Cà Mau hiện có trên 20.000 phương tiện vận tải thủy, ngoài ra còn có trên 100.000 phương tiện thủy gia dụng. Với khối lượng phương tiện lớn như vậy, khi đoạn sông bị nghẽn sẽ ảnh hương đến việc đi lại của người dân.

Theo nhiều người dân sinh sống lâu năm bên các bờ sông, đây là năm mực nước trên sông xuống thấp nhất trong hàng chục năm qua. Dự báo tình trạng các con sông cạn nước sẽ còn tiếp tục ít nhất là hai tháng nữa. Do vậy tình trạng khó khăn, tắc nghẽn giao thông đường thủy ở tỉnh Cà Mau sẽ còn tiếp tục.

Nhóm PV

Tin cùng chuyên mục