Ngày 23-12, hội nghị Chính phủ họp với các địa phương triển khai nhiệm vụ năm 2012 tiếp tục ngày làm việc thứ 2. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ rõ, năm 2012, Chính phủ đặt mục tiêu hạ lạm phát xuống 9%. Trước mắt, Thủ tướng lưu ý, các bộ ngành, địa phương phải hết sức chăm lo cho nhân dân dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Năm 2012 phấn đấu không để xảy ra cắt điện
Trong ngày làm việc thứ 2, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết, năm 2012 sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu, giảm nhập siêu, tăng sử dụng máy móc, hàng hóa Việt. Đồng thời, tăng cường hoạt động quản lý thị trường để bảo vệ sản xuất trong nước, sức khỏe người tiêu dùng.
Về cung ứng điện, ông Hoàng cho hay sẽ phấn đấu cung ứng đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng. Năm 2012 phấn đấu không để xảy ra cắt điện, nếu có chỉ là tiết giảm cục bộ. Bộ trưởng Bộ Công thương đề nghị các địa phương phối hợp với Bộ Công thương và ngành điện để giải quyết tốt vấn đề đền bù, giải phóng mặt bằng đối với các dự án điện. Nếu không làm tốt việc này thì dù có nhà máy điện nhưng vẫn thiếu điện vì không có đường dây vào điện.
Giải trình thêm với các địa phương về tình trạng nhiều doanh nghiệp khó tiếp cận vốn ngân hàng do lãi suất cao, dẫn đến phá sản, đình chỉ hoạt động, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình cho hay, năm 2011 thực hiện Nghị quyết 11 với những tiêu chí rất rõ ràng: tín dụng ngân hàng tăng không quá 20%.
“Trong 10 năm qua tăng trưởng tín dụng trung bình là 29%/năm; 5 năm gần đây là 33%/năm. Khi tăng trưởng tín dụng ngân hàng xuống 20% thì đương nhiên ít nhất 10% doanh nghiệp không tiếp cận được tín dụng ngân hàng. Năm 2011, tăng trưởng tín dụng ngân hàng chỉ là 12%, vì vậy các doanh nghiệp khó tiếp cận vốn ngân hàng là dễ hiểu. Chúng ta làm chặt vậy mà lạm phát vẫn là 18%; nếu tăng trưởng tín dụng ngân hàng đạt 20% thì lạm phát phải lên tới 23%; nếu tăng tín dụng như các năm trước thì lạm phát phải 30%, lúc đó Việt Nam sẽ lạm phát cao nhất thế giới”, ông Bình nhận định.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, đầu 2012, sẽ có những chính sách phù hợp như giãn, hoãn, khoanh nợ cho một số đối tượng để giảm bớt khó khăn. Khi giảm được lạm phát thì sẽ có điều kiện để giảm lãi suất.
Mục tiêu hạ lạm phát xuống 9%
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng năm 2012, khó khăn vẫn rất lớn. Vì vậy các bộ ngành, địa phương không được chủ quan, thỏa mãn, phải chuẩn bị tinh thần ứng phó với những thách thức lớn trong năm 2012. Theo Thủ tướng, thách thức lớn là lạm phát còn cao. Tuy lạm phát đã giảm nhưng chưa vững chắc, nếu không quyết liệt, nghiêm túc, kiên trì thì lạm phát cao còn có thể quay trở lại, lúc đó ổn định kinh tế vĩ mô sẽ bị đe dọa, đảo lộn các mục tiêu đã đề ra. “GDP năm 2011 tuy đạt khá (5,9%) nhưng đó là nhờ rất lớn kết quả kích cầu từ năm 2010. Sản xuất kinh doanh vẫn khó khăn, nhiều doanh nghiệp đình trệ do lãi suất cao. Mục tiêu GDP năm 2012 khoảng 6% là hết sức khó khăn”, người đứng đầu Chính phủ nhận định.
Thủ tướng cũng cho rằng, đầu tư công năm 2012 sẽ hết sức khó khăn (chỉ có 180.000 tỷ đồng vốn ngân sách và 45.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ) trong khi nhu cầu rất lớn (chỉ tính riêng các dự án đang triển khai đã gấp đôi số vốn). Đời sống nhân dân vẫn còn nhiều khó khăn, vẫn tiềm ẩn những nguy cơ về an ninh trật tự, an toàn xã hội, chủ quyền quốc gia. “Tất cả điều này là khó khăn đối với trong nước. Trong khi đó, tình hình kinh tế thế giới vẫn diễn biến phức tạp, khó dự báo, dự kiến tăng trưởng chậm... sẽ tác động lớn đến kinh tế Việt Nam”, Thủ tướng nói.
Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu phải theo sát tình hình, cập nhật kịp thời các phát sinh mới để có các giải pháp thích hợp. Phải giữ ổn định xã hội, vận động các nguồn đầu tư ngoài nước, tranh thủ lợi thế để thu hút các nguồn lực (ví dụ đẩy mạnh tăng trưởng du lịch, phát huy thế mạnh về nông nghiệp, thu hút kiều hối, phát triển thị trường nội địa với gần 90 triệu dân...). Phải phân tích những khó khăn, thách thức nhưng từng ngành, từng địa phương phải thấy hết lợi thế, tiềm năng của mình để đạt mục tiêu cao nhất.
Về nhiệm vụ năm 2012, Thủ tướng nêu rõ vẫn tiếp tục ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô. Chính phủ đặt mục tiêu hạ lạm phát xuống 9%, đó là nhiệm vụ khó khăn nhưng phải kiên trì thực hiện. Để đạt tới mục tiêu này, Thủ tướng cho rằng giải pháp hàng đầu là điều hành tiền tệ phải chặt chẽ nhưng linh động. Điều hành tiền tệ phải bám sát mục tiêu kiềm chế lạm phát. Đồng thời, phải tăng cường quản lý giá, bình ổn thị trường, trước mắt là trong dịp tết này phải kiểm soát hàng hóa, không để tăng giá ảnh hưởng đến chỉ tiêu lạm phát năm 2012. Nếu kiềm chế được lạm phát sẽ ổn định được kinh tế vĩ mô.
Thủ tướng chỉ rõ: Ngân hàng kiểm soát tiền tệ, Bộ Tài chính bảo đảm giảm bội chi ngân sách xuống 4,8%; Bộ Công thương kiểm soát hàng hóa, ổn định giá cả, kiểm soát nhập siêu ở mức khoảng 10%. Để kiểm soát nhập siêu phải đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập những mặt hàng xa xỉ, không thiết yếu, nâng cao tỷ lệ sử dụng hàng Việt. Đồng thời giữ ổn định tỷ giá, giảm lãi suất phù hợp với lạm phát để tháo gỡ khó khăn cơ bản cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu các ngành, địa phương quan tâm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, trong đó cần ưu tiên vốn cho lĩnh vực nông nghiệp.
Với tái cơ cấu kinh tế, Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải giảm đầu tư công. Nâng cao hiệu quả chất lượng đầu tư công, tập trung cho các công trình quan trọng, cấp bách và đã hoàn thành mà chưa thanh toán; các công trình sẽ hoàn thành trong năm 2012. Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải rà soát lại chất lượng các công trình vì thực tế hiện nay chi phí cao mà chất lượng thấp. Mặt khác, cần quan tâm an sinh xã hội, đặc biệt là giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới, không để giảm sút về giáo dục, y tế. Bảo đảm trật tự an toàn xã hội, giảm 5% - 10% số vụ tai nạn giao thông, ngăn chặn sự phát triển tội phạm.
Thành Vinh