Ngày 4-6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Edward Panetta tiếp kiến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong chuyến thăm Việt Nam, từ ngày 3 đến 4-6-2012.
Bộ trưởng Quốc phòng Panetta nhấn mạnh Chính phủ Mỹ coi trọng quan hệ với Việt Nam trong tổng thể chính sách châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ và mong muốn quan hệ hai nước tiếp tục phát triển hơn nữa trong thời gian tới trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực an ninh, quốc phòng.
Bộ trưởng Panetta bày tỏ sự hài lòng về hợp tác quốc phòng Việt Nam - Mỹ thời gian qua, mong muốn hai nước tiếp tục tích cực triển khai thực hiện bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng được hai Bộ Quốc phòng ký năm 2011. Bộ trưởng Panetta khẳng định với những nền tảng hiện có, Chính phủ Mỹ mong muốn hai bên sớm có thể nâng cao quan hệ lên một mức độ hợp tác cao hơn, vì lợi ích của hai nước.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao những bước tiến tích cực trong quan hệ Việt Nam - Mỹ kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1995. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh Việt Nam luôn xem Mỹ là đối tác hàng đầu có ý nghĩa rất quan trọng và mong muốn Mỹ với tư cách là một cường quốc châu Á - Thái Bình Dương sẽ đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam mong muốn cùng với phía Mỹ thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ giữa hai nước, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học, công nghệ, giáo dục - đào tạo và ứng phó với các vấn đề toàn cầu và khu vực như chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, an toàn và an ninh biển, ứng phó với biến đổi khí hậu và các lĩnh vực khác vì lợi ích chính đáng của nhân dân hai nước, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh hai bên cần nỗ lực hơn nữa trong quá trình xây dựng niềm tin và nâng tầm quan hệ hợp tác giữa hai nước. Để phục vụ mục tiêu này, Chính phủ Mỹ cần sớm bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam và đóng góp tích cực hơn nữa trong việc giải quyết hậu quả chiến tranh.
Cùng ngày, đoàn đại biểu cấp cao Bộ Quốc phòng nước ta do Đại tướng Phùng Quang Thanh làm trưởng đoàn đã hội đàm với đoàn đại biểu cấp cao Bộ Quốc phòng Mỹ do ngài Leon Edward Panetta làm trưởng đoàn.
Cùng ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc tiếp xúc với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Edward Panetta nhân chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đến Việt Nam.
TTXVN
Hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta: Mỹ mong muốn xây dựng lòng tin giữa hai nước
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta, người đang có chuyến thăm đặc biệt đến Việt Nam đã khẳng định như thế trong buổi hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh ngày 4-6. Ông Panetta nói: “Mục đích chính trong chuyến thăm chính thức Việt Nam lần này của tôi là xây dựng lòng tin, hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước, hai quân đội, trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền của nhau. Với tư cách là Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, tôi cam kết sẽ làm tất cả những gì có thể để thúc đẩy mối quan hệ đó”.
Mở thêm khu vực tìm kiếm hài cốt binh sĩ Mỹ
Trong buổi hội đàm, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cho biết Chính phủ sẽ mở thêm 3 khu vực mới cho các đoàn chuyên gia Mỹ tìm kiếm hài cốt binh sĩ Mỹ trong chiến tranh. Theo đó, các khu vực mới gồm 2 khu vực mà máy bay Mỹ từng bị bắn rơi ở tỉnh Quảng Bình, một khu vực ở tỉnh Kon Tum, giáp biên giới Campuchia và Lào. Hiện có 6 đội tìm kiếm và 2 nhóm chuyên gia điều tra của Mỹ đang tìm kiếm hài cốt binh lính Mỹ tại Việt Nam. Các chuyên gia tìm kiếm hài cốt Mỹ cho biết họ đang chạy đua với thời gian trước khi các hài cốt bị đất axít ăn mòn trong hàng chục năm qua. Ước tính, họ chỉ còn khoảng 5 năm nữa trước khi các hài cốt bị phá hủy hoàn toàn.
Bộ trưởng Panetta cũng bày tỏ lòng cảm ơn phía Việt Nam đã có sự hỗ trợ và giúp đỡ lâu dài trong nỗ lực xác minh và định vị các vị trí tìm kiếm hài cốt binh sĩ Mỹ mất tích trong chiến tranh.
Trả lời phỏng vấn báo giới sau cuộc gặp, ông Panetta nói: “Mục tiêu của chúng tôi là hợp tác với tất cả các quốc gia trong khu vực, bao gồm cả Trung Quốc nhằm thúc đẩy an ninh và thịnh vượng”. Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cho biết: “Mỹ là một trong những đối tác quan trọng của Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và chính sách đối ngoại của Việt Nam là “độc lập và chủ quyền” và Hà Nội sẽ không hợp tác với bất kỳ quốc gia nào để chống lại quốc gia khác”.
Trao đổi kỷ vật chiến tranh
Cuộc gặp gỡ tưởng chừng như khô khan và nặng về kỹ thuật đã bất ngờ mang hơi ấm tình người khi Bộ trưởng Panetta đã trao cho Bộ trưởng Phùng Quang Thanh một quyển nhật ký của chiến sĩ Vũ Đình Đoàn hy sinh năm 1966 tại Quảng Ngãi và Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cũng trao cho ông Panetta một xấp thư cá nhân của một người lính Mỹ, thượng sĩ Steve Flaherty tử trận trong chiến dịch Indiana năm 1969.
Xấp thư của người lính Mỹ, được đại tá Nguyễn Phú Đạt lưu giữ hàng chục năm qua, miêu tả chi tiết đời sống của người lính Mỹ trong trận chiến khốc liệt với những khó khăn và thiếu thốn cùng cực.
Trong khi đó, cuốn nhật ký của chiến sĩ Vũ Đình Đoàn được Robert “Ira” Frazure tìm thấy và đã mang về Mỹ. Cuốn nhật ký chỉ được biết tới khi đầu năm nay Frazure đề nghị chị gái của một người bạn trợ giúp để trả lại cuốn nhật ký cho gia đình người bộ đội Việt Nam.
Về chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta, giáo sư Carl Thayer, thuộc Học viện Quốc phòng Australia, nhận định: Mỹ và Việt Nam đã tiến hành đối thoại về quốc phòng trong 8 năm qua. Cùng với thời gian, cuộc đối thoại này đã mở rộng, với sự tham gia của các quan chức cao cấp. Mỹ tiến hành đối thoại chiến lược với Việt Nam như là một phần trong chính sách liên kết chính thức của Mỹ. Mỹ mong muốn biến đổi một mối quan hệ không nằm trong các thỏa thuận thành các hoạt động thường xuyên và để cho nó trở thành một phần trong hợp tác lâu dài về quốc phòng.
Trả lời phỏng vấn của tạp chí Financial Times ngày 3-6, ông Panetta cho biết Mỹ không nghiêng về bên nào trong các cuộc tranh chấp lãnh hải ở biển Đông hiện nay, các nước phải tự giải quyết tranh chấp của họ.
Hãng tin THX cùng ngày đã chỉ trích sự thay đổi chiến lược của Mỹ, mà Trung Quốc cho là có mục đích kiềm chế Bắc Kinh. Cơ quan thông tin chính thức của Trung Quốc cảnh cáo: “Mỹ phải kiềm chế, đừng khuấy cho đục nước biển Đông vì như thế là làm gia tăng căng thẳng ở khu vực”.
Xuân Hạnh (tổng hợp)