Thừa Thiên - Huế khắc phục hậu quả lũ lụt

Sáng 8-11, chính quyền và người dân Thừa Thiên – Huế đã tập trung khắc phục hậu quả lũ lụt.

Người dân đưa trâu lên nhà cao tránh lũ
Người dân đưa trâu lên nhà cao tránh lũ

Tại huyện Phong Điền, Thừa Thiên – Huế, người dân cùng các lực lượng xung kích đang triển khai phương châm, lũ rút đến đâu dọn vệ sinh môi trường ngay tới đó. Lực lượng xung kích ưu tiên gom dọn bùn non, rác thải, sửa sang trường lớp và lau chùi bàn ghế tại 40 trường học trên địa bàn bị ngập lụt từ 0,5-1,5 mét nước trước đó để sớm đón học sinh quay lại trường.

Tương tự, ở huyện Phú Vang đã có khoảng 175 phòng học bị ngập chìm trong nước lũ, nhiều thiết bị, đồ dùng học tập đã bị thiệt hại. Dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng các trường học đã chủ động công tác dọn dẹp vệ sinh, đảm bảo trường lớp sạch sẽ đón học sinh.

Thừa Thiên - Huế khắc phục hậu quả lũ lụt ảnh 1 Hàng ngàn nhà dân ở cuối nguồn sông Hương, sông Bồ vẫn ngập nặng
 
Thừa Thiên - Huế khắc phục hậu quả lũ lụt ảnh 2 Nhiều tuyến đường tại TP Huế lũ rút để lại một khối lượng lớn rác thải và bùn non.
 
Thừa Thiên - Huế khắc phục hậu quả lũ lụt ảnh 3 Rác thải tồn ứ trong khu dân cư dẫn đến nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh sau lũ.

Tại TP Huế, Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế đang huy động tối đa công nhân, phương tiện ra quân thu dọn vệ sinh trên các tuyến đường bị ngưng trệ vì bùn non đầy mặt đường khi lũ rút.

Trong khi, ở các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang và Phú Lộc do mực nước lũ hiện vẫn còn ngập sâu làm chia cắt nhiều tuyến đường, nên hoạt động thu gom, vận chuyển rác thải chưa thể hoạt động trở lại.

Thừa Thiên - Huế khắc phục hậu quả lũ lụt ảnh 4 Nỗ lực thu dọn và rửa sạch lớp bùn non để lại sau khi lũ rút trên các trục đường ở TP Huế
 
Thừa Thiên - Huế khắc phục hậu quả lũ lụt ảnh 5 Máy bơm hoạt động hết công suất để rửa đường

Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Đặng Văn Hòa, Phó Chánh văn phòng Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, mực nước các sông Hương, sông Bồ, Ô Lâu và chiều 8-11 đang lên trở lại trên mức báo động 2, triều cường lớn nên diễn biến của lũ còn nhiều phức tạp, gây khó khăn cho công tác khắc phục thiệt hại, vệ sinh môi trường sau lũ tại địa phương.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh đã huy động lực lượng, phương tiện phục vụ công tác ứng phó với lũ lớn, đảm bảo an toàn cho người dân, tìm kiếm người bị mất tích, khắc phục khẩn cấp các thiệt hại.

Sở Giao thông Vận tải đã chỉ đạo các đơn vị liên quan huy động lực lượng, phương tiện để giải tỏa khối lượng đất đá bị sạt lở để đảm bảo lưu thông; bố trí lực lượng canh gác, điều tiết, phân luồng giao thông tại các điểm còn ngập sâu, đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh. Hiện đã thông xe toàn tuyến QL 1A, các tuyến đường khác đang phân luồng, đảm bảo an toàn giao thông đi lại một phần.

Thừa Thiên - Huế khắc phục hậu quả lũ lụt ảnh 6 Trao quà cứu trợ cho người dân vùng lũ
 
Thừa Thiên - Huế khắc phục hậu quả lũ lụt ảnh 7 Cảnh sát Đường thủy Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế trao quà cứu trợ người dân vùng lũ cuối nguồn sông Hương.

Cùng ngày, hàng chục điểm sạt lở lớn nhỏ trên tuyến đường độc đạo từ TP Huế đi huyện miền núi A Lưới đã khắc phục một phần để ô tô 7 chỗ và xe máy có thể lưu thông. Trong khi, tại nhánh Tây đường Hồ Chí Minh nhiều điểm bị đất đá sạt lở với khối lượng hơn 500m³ đất đá gây tắc giao thông; đặc biệt tại Km 375+200 bị sạt lở khối lượng lớn.

Sáng cùng ngày, dù lũ sông Hương đã xuống thấp nhưng đoạn đường qua Đập Đá (TP Huế) vẫn chỉ cho xe gắn máy và người đi bộ lưu thông, cơ quan chức năng vẫn để các rào chắn, vật cản cấm ô tô qua lại.

Tại khu vực sông Bù Lu (xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc) tiếp tục sạt lở sâu vào khu dân cư 1m, dài 300m; sạt lở bờ sông Nước ngọt dài khoảng 1.500m, lấn sâu vào gần nhà dân, có nguy cơ ảnh hưởng lớn đến 3 hộ sông gần bờ sông, hiện đã di dời các hộ này đến nơi an toàn. Hai bờ sông Hương và sông Bồ xuất hiện hàng trăm điểm sạt lở uy hiếp tính mạng và nhà cửa của nhiều hộ dân.

Thừa Thiên - Huế khắc phục hậu quả lũ lụt ảnh 8 Sạt lở nghiêm trọng tại đường qua Đập Đá

Sáng cùng ngày, Cảnh sát Đường thủy Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế đã dùng ca nô vận chuyển hàng ngàn thùng mì tôm cứu trợ tận tay các hộ dân có nhà cửa bị ngập sâu dọc theo hạ nguồn sông Hương.

Tin cùng chuyên mục