Thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân cắt giảm khí nhà kính

Trong hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp (DN) sử dụng năng lượng, nguyên nhiên liệu để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ... Đây chính là nguồn phát thải khí nhà kính (KNK) chiếm tỷ trọng lớn trong tổng phát thải KNK quốc gia. 

Xu hướng tất yếu

Ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN-MT), cho biết, báo cáo đánh giá khí hậu năm 2022 của Ủy ban liên chính phủ (IPCC-AR6) đã chỉ ra nhiều vấn đề đáng lo ngại như thời tiết cực đoan diễn ra ở mọi nơi trên trái đất, bầu khí quyển và biển đang nóng lên với tốc độ chưa từng có trong lịch sử. Con người và môi trường tự nhiên có nguy cơ sẽ chịu nhiều tác động không thể đảo ngược.

Trong các nguyên nhân gây biến đổi khí hậu (BĐKH), phát thải KNK từ hoạt động sản xuất kinh doanh của DN luôn chiếm tỷ trọng lớn. Giảm phát thải KNK đã trở thành yêu cầu bắt buộc đối với DN trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Sự tham gia của DN rất quan trọng không chỉ vì là một trong những đối tượng trực tiếp liên quan đến phát thải KNK mà DN còn có khả năng đóng góp nguồn lực tài chính và công nghệ trong mục tiêu giảm phát thải KNK.  

Bà Holly Bostock, Giám đốc Ngoại vụ cấp cao, Heineken Việt Nam, cho biết, DN triển khai các giải pháp, hoạt động nhằm mục tiêu cắt giảm KNK, thích ứng với BĐKH là xu thế phát triển tất yếu hiện nay. Triển khai các hoạt động, giải pháp này không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho DN mà còn có thể đóng góp nhiều cho môi trường, xã hội. Heineken Việt Nam cũng đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, như đẩy mạnh sử dụng năng lượng tái tạo (nhiên liệu sinh khối, điện mặt trời áp mái và nhiệt năng sinh học).

Trong nhóm bao bì, công ty đang hướng đến mục tiêu thiết kế sử dụng các nguyên liệu tái chế để tối ưu hóa, thu hồi và tái sử dụng. Đối với hoạt động kho vận đã có sự đổi mới về kích thước, khoảng cách, tải trọng, hình thức vận chuyển... để tối ưu hóa hệ thống và giảm phát thải 5,7 tấn carbon mỗi năm.

Thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân cắt giảm khí nhà kính ảnh 1 Doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất sẽ góp phần giảm phát thải khí nhà kính

Hiện công ty đang xây dựng các lộ trình thích hợp, áp dụng chiến lược 4Rs: Reduce (giảm nhu cầu tiêu thụ năng lượng), Replace (thay thế bằng các nguồn năng lượng sạch), Remove (loại bỏ phát thải qua các dự án bù trừ carbon), Report (báo cáo và quy chiếu theo các tiêu chuẩn ngành) tại các nhà máy và dự kiến sẽ mở rộng trong toàn bộ chuỗi giá trị từ nguyên liệu đến tiêu dùng. 

Nhiều dư địa để phát triển

Ông Nguyễn Tín Huy, Giám đốc Văn phòng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thông tin, đóng góp của khối DN tư nhân hết sức quan trọng trong việc hiện thực hóa các cam kết quốc gia. Theo ước tính của Bộ KH-ĐT, khu vực tư nhân chiếm đến 70% trong tổng số 21 tỷ USD nhu cầu đầu tư về các dự án, giải pháp thích ứng với BĐKH của Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, các DN tại Việt Nam cần có động thái mạnh mẽ hơn nhằm thúc đẩy tiến trình cắt giảm phát thải như cung cấp và đưa vào sử dụng những nguồn năng lượng bền vững, không carbon với giá cả phải chăng, sử dụng tài nguyên tối ưu hơn nhằm đáp ứng các nhu cầu xã hội; thiết lập cơ chế tài chính xanh để nâng cao tính minh bạch và hiệu quả trong báo cáo hoạt động của DN... Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và chuyển đổi số, cơ hội tiếp cận các sáng kiến kinh doanh bền vững vì một nền kinh tế phi phát thải của DN đang rộng mở hơn bao giờ hết. 

Cũng theo ông Huy, từ năm 2010, với sự ra đời của Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững, các hoạt động hỗ trợ DN ngày càng được triển khai đồng bộ, mạnh mẽ, sáng tạo hơn. Hướng đến mục tiêu kết nối các DN, hợp tác nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững nói chung, cắt giảm KNK chống BĐKH nói riêng, VCCI đã triển khai nhiều hoạt động, chương trình trong khuôn khổ sáng kiến hỗ trợ DN triển khai nền kinh tế tuần hoàn; sáng kiến thúc đẩy các khu công nghiệp bền vững; đồng chủ trì Diễn đàn hợp tác cấp cao vì mục tiêu xanh toàn cầu 2030 (P4G tại Việt Nam). 

Ông Murooka Naomichi, Phó Trưởng đại diện Văn phòng Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam, cũng cho biết, thông qua dự án “Hỗ trợ lên kế hoạch và thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định tại Việt Nam (SPI-NDC)”, JICA tiếp tục tạo cơ hội nâng cao năng lực và đối thoại giữa các bên chủ chốt liên quan để củng cố mối quan hệ hợp tác này.

Nhận thức được nhu cầu tận dụng nguồn tài chính tư nhân cho các hành động về khí hậu ở Việt Nam, JICA đã giới thiệu nhiều hình thức hợp tác để hỗ trợ, loại hình và quy mô hoạt động khác nhau của khu vực tư nhân trong việc giảm phát thải, ví dụ điển hình là Chương trình tài chính đầu tư khu vực tư nhân (PSIF).

“Tại Việt Nam, JICA đang thực hiện dự án điện gió Quảng Trị 144MW theo hình thức PSIF (dự án do JICA, Ngân hàng Phát triển châu Á và Cơ quan Tín dụng xuất khẩu của Chính phủ Australia đồng tài trợ vốn)... JICA sẽ tiếp tục hợp tác với các DN tư nhân, tổ chức tài chính quốc tế nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, hỗ trợ Việt Nam đạt các mục tiêu về kiểm soát phát thải KNK”, ông Murooka Naomichi nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục