Năm 2015 đánh dấu khá nhiều những thành tựu nội bật của kinh tế Việt Nam khi đạt 13/14 chỉ tiêu Quốc hội đặt ra, tăng trưởng GDP đạt 6,68% - cao nhất trong 8 năm qua... Những tiền đề đó tạo ra động lực rất lớn cho năm 2016, khi kinh tế Việt Nam bước vào giai đoạn hội nhập mạnh mẽ hơn vào kinh tế thế giới và khu vực.
Để chuẩn bị cho giai đoạn sắp tới, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, trong cuộc trò chuyện đầu năm với phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng, GS-TS Vương Đình Huệ (ảnh), Trưởng ban Kinh tế Trung ương, cho rằng cần phải có chính sách nhằm nâng cao tinh thần khởi nghiệp của quốc gia.
Phóng viên: Thưa Trưởng ban Kinh tế Trung ương, nhìn lại năm 2015, theo ông đâu là những điểm khiến ông ấn tượng?
GS-TS VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: Năm 2015, các tổ chức quốc tế đều thống nhất nhận định là kinh tế thế giới rơi vào chu kỳ tăng trưởng thấp kéo dài, có phục hồi nhưng chậm và không đồng đều, đa số các nền kinh tế mới nổi gặp khó khăn. Kinh tế Hoa Kỳ là điểm sáng khi có nhiều dấu hiệu phục hồi tốt và động lực cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu, Ấn Độ là nền kinh tế mới nổi có mức tăng trưởng cao... Nhưng điều đó không che lấp được các thách thức đến từ châu Âu khi khu vực này phục hồi chậm, đối mặt các thách thức dai dẳng như thất nghiệp, nợ công, kinh tế Nhật Bản từ cuối năm rơi vào suy thoái, Trung Quốc tăng trưởng kinh tế chậm nhất từ năm 2009 đến nay...
Trong các điều kiện khó khăn như vậy nhưng Việt Nam vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng 6,68%, là lần đầu tiên nhiệm kỳ 5 năm đạt cao hơn kế hoạch (6,2%). Trong đó, đóng góp vào sự phục hồi của nền kinh tế có những điểm đáng chú ý như: sản xuất công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo tăng mạnh; sản xuất và xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng trưởng cao; sức mua và tổng cầu được cải thiện; hiệu ứng bước đầu của việc thực hiện Luật Đầu tư 2014 và Luật Doanh nghiệp 2015; Việt Nam ký nhiều hiệp định thương mại tự do; môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện... Tất cả những điểm sáng đó đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô năm 2015.
Thế nhưng, năm 2015, nhiều chuyên gia cho rằng, nền kinh tế vẫn còn các điểm cần chú ý hơn và cần có sự thay đổi trong thời gian tới như sự lệch pha của khu vực doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI, nợ công đang tăng nhanh... Ông nghĩ sao về điều này?
Động lực tăng trưởng năm 2015 phụ thuộc lớn vào khu vực doanh nghiệp FDI khi tỷ trọng xuất khẩu của khối này thường chiếm 65%-70% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Bản thân khu vực này cũng chỉ gia công lắp ráp là chủ yếu, tỷ lệ nội địa hóa, giá trị gia tăng thấp, tác động lan tỏa quản trị, công nghệ còn hạn chế. Xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước giảm hơn so với cùng kỳ; năng suất, chất lượng, hiệu quả cạnh tranh còn thấp; khu vực nông nghiệp tăng trưởng thấp khi xuất khẩu giảm cả lượng và giá trị...
Trong các cân đối kinh tế thì cân đối ngân sách khó khăn, nợ công tăng nhanh sắp chạm trần, áp lực trả nợ lớn. Tái cơ cấu nền kinh tế với các trụ cột là tái cơ cấu đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước, ngân hàng thương mại có tiến triển nhưng chưa đạt được như mong muốn. Các nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh dù đạt được nhiều kết quả khích lệ nhưng vẫn còn khoảng cách giữa quy định với thực thi. Đó là những điểm, tôi nghĩ cần phải có sự thay đổi trong năm 2016.
Ông dự báo kinh tế thế giới và trong nước sẽ ra sao vào năm 2016?
Năm 2016, kinh tế thế giới được đánh giá là phục hồi tốt hơn và sẽ hầu như thoát khỏi tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, trở lại đà tăng trưởng. Điều này sẽ tác động tích cực đến kinh tế vĩ mô Việt Nam, đặc biệt là thương mại và đầu tư. Với điều kiện như vậy, tôi cho rằng, năm 2016, tăng trưởng kinh tế không có lý do gì không cao hơn 2015 dù thực hiện không dễ, nhất là khi chúng ta đổi mới mô hình tăng trưởng, các đột phá sẽ được thực hiện quyết liệt hơn.
Sản xuất bóng đèn compart xuất khẩu tại Công ty cổ phần đèn Huỳnh Quang
Có hai điểm lưu ý trong 2016, theo dự báo của chúng tôi là giá nguyên liệu, dầu thô, nông sản sẽ vẫn ở mức thấp, khó phục hồi. Điều này sẽ gây tác động lớn đến ngành nông nghiệp và thu ngân sách từ dầu khí. Thứ hai là câu chuyện về tác động của việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất sẽ có ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới, nhất là các nền kinh tế mới nổi, trong đó có Việt Nam. Việc tăng lãi suất này sẽ khiến chi phí sản xuất tăng lên và nguy cơ vốn các nước đang phát triển chảy trở lại các nước phát triển. Với Việt Nam, điều này có thể không ảnh hưởng quá lớn vì vốn đầu tư gián tiếp vẫn thấp, thậm chí, nếu thu hút tốt thì dòng vốn có thể chuyển từ nước khác về Việt Nam.
Đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, tham gia hàng loạt các hiệp định thương mại tự do lớn, đã có nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để tăng tốc phát triển. Ông nghĩ sao về điều này?
Năm 2016, theo tôi có hai việc cần phải hết sức chú trọng. Thứ nhất, đó là tập trung mọi nỗ lực tạo ra làn sóng đầu tư thứ 2 ở Việt Nam. Bởi lẽ chúng ta đã ban hành các luật sửa đổi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp với các nội dung tiến bộ, minh bạch cao; đã ký kết hàng loạt các FTA thế hệ mới (TPP, EVFTA...) hứa hẹn sẽ tạo nhiều thuận lợi cho thương mại và đầu tư... Để tạo được làn sóng đầu tư thứ 2 ở Việt Nam, với tinh thần quốc gia khởi nghiệp thì chúng ta phải chú trọng phát triển cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI, hai khối doanh nghiệp này phải kết hợp tốt hơn, không bị lệch pha như hiện nay; cải thiện môi trường kinh doanh, áp đặt kỷ luật thị trường với tất cả các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nhà nước. Chúng ta đã tham gia TPP thì phải cam kết thực hiện nâng cao năng lực quản trị, đẩy mạnh tái cơ cấu tài chính doanh nghiệp nhà nước.
Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII đã xác định doanh nghiệp tư nhân là một động lực quan trọng phát triển đất nước. Để hiện thực hóa vấn đề này, Ban Kinh tế Trung ương cũng đã hoàn thành đề án định hướng và giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây là đóng góp trực tiếp cho việc hoàn thiện dự thảo văn kiện và quá trình xây dựng luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sắp tới. Tôi cho rằng, hiện nay đang là kỷ nguyên của doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ông vừa đề cập tới tinh thần quốc gia khởi nghiệp, vậy phải làm gì để có được tinh thần này?
Tinh thần khởi nghiệp quốc gia chỉ có được khi chúng ta thổi hồn vào doanh nghiệp Việt tinh thần trách nhiệm, niềm tự hào và phải hỗ trợ doanh nghiệp theo cam kết và thông lệ quốc tế. Chúng ta phải có chính sách kết nối doanh nghiệp FDI với trong nước và khắc phục sự lệch pha này. Mặt khác cần có chính sách thu hút quỹ đầu tư mạo hiểm vào Việt Nam. Bởi, với những doanh nghiệp khởi nghiệp, việc vay vốn ngân hàng thường gặp khó khăn do không có tài sản thế chấp và đặc thù của doanh nghiệp mới khởi nghiệp thường “5 ăn 5 thua”, có khi 10 doanh nghiệp ra đời rồi sau đó 7 “ra đi”. Ngân hàng có thể lo ngại, nhưng các quỹ đầu tư mạo hiểm thì họ có thể sẵn sàng nhảy vào. Nếu làm được, tôi nghĩ tất cả những điều đó sẽ góp phần thúc đẩy tinh thần quốc gia khởi nghiệp.
Trọng điểm thứ hai trong năm 2016 theo tinh thần dự thảo Nghị quyết Đại hội Đảng XII tới đây là xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN hiện đại và hội nhập quốc tế, vận hành đồng bộ và đầy đủ theo các nguyên tắc và quy luật của kinh tế thị trường, giải quyết hài hòa mối quan hệ Nhà nước và thị trường. Lần này phải kiên trì thúc đẩy và để làm được thì phải có một hệ thống thị trường đồng bộ, quy mô, cơ cấu và thể chế phải đặt trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Chúng ta phải thấy rằng, tất cả bài toán vẫn còn đang vướng mắc hiện nay là do thị trường. Tập trung gỡ thủ tục là cần thiết nhưng bài toán thị trường không gỡ được thì không giải quyết được gì cả. Ví dụ chúng ta muốn giải quyết nợ xấu thì phải có thị trường mua bán nợ và muốn thế phải phát triển các định chế tài chính trung gian.
Xin cảm ơn ông.
NGỌC QUANG (thực hiện)