Nhận thức về SXSH được nâng cao
Theo ông Cù Huy Quang, Vụ Tiết kiệm năng lượng (Bộ Công thương), sau 10 năm thực hiện, với những hỗ trợ từ Hợp phần SXSH trong công nghiệp thuộc Chương trình Hợp tác phát triển Việt Nam Đan Mạch về môi trường, Chiến lược SXSH đã được triển khai mạnh mẽ trong giai đoạn 2009 – 2015 và đạt được các mục tiêu đề ra trong Chiến lược SXSH. Bộ Công thương đã xây dựng, ban hành và phổ biến trên 20 hướng dẫn kỹ thuật về SXSH cho các ngành nghề khác nhau; đánh giá nhanh cho 411 doanh nghiệp, đánh giá cụ thể cho 102 doanh nghiệp và xây dựng 2 mô hình trình diễn. Tại địa phương hỗ trợ đánh giá nhanh cho 335 doanh nghiệp và hỗ trợ áp dụng SXSH với 88 mô hình.
Theo ông Nguyễn Việt Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng (Bộ Công thương), nhận thức của doanh nghiệp, người dân về SXSH được nâng cao rõ rệt. Tuy nhiên, đây là một chương trình mới vì vậy nguồn kinh phí để đầu tư, thực hiện các giải pháp vẫn còn hạn chế. Phần nhiều doanh nghiệp vẫn chưa mạnh dạn trong SXSH, có hiện tượng các nhà tư vấn thuyết phục doanh nghiệp thực hiện SXSH.
“Chúng ta chưa có tài chính ưu đãi và ổn định để hỗ trợ doanh nghiệp trong thực hiện các dự án SXSH cũng như chưa có hệ thống chứng nhận doanh nghiệp thực hiện SXSH là động lực cho doanh nghiệp”, ông Nguyễn Việt Dũng cho biết.
Thúc đẩy vai trò của doanh nghiệp
Đề cập đến kinh nghiệm thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững, ông Kenji Terai, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Công ty Panasonic Appliances Việt Nam cho biết, trong nền kinh tế tuần hoàn, các nhà sản xuất chú trọng giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường bằng cách sử dụng các phương thức sáng tạo nhằm tối đa hóa vòng đời của tất cả tài nguyên đã sử dụng. Trong nền kinh tế ấy, phát triển bền vững được doanh nghiệp ứng dụng trong mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Năm 2019, với việc đánh giá lại hiệu quả hoạt động của Chương trình hành động quốc gia về Sản xuất và tiêu dùng bên vững giai đoạn đến năm 2020 và Chiến lược SXSH, Bộ Công Thương đã xây dựng và đề xuất Chính phủ ban hành Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 – 2030.
Để thực hiện thành công những mục tiêu trên, Bộ Công Thương sẽ thay đổi cách thức hoạt động, tìm ra giải pháp khắc phục những khó khăn khách quan, đặc biệt là khó khăn về mặt tài chính.
“Chúng tôi hướng đến việc nhấn mạnh và tăng cường đưa vai trò tham gia của doanh nghiệp vào áp dụng SXSH, chứ không trông chờ vào ngân sách của Nhà nước. Đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế để hỗ trợ kỹ thuật, tài chính, nâng cao năng lực và kết nối mạng lưới nhằm thúc đẩy sản xuất tiêu dùng bền vững ở Việt Nam”, bà Trần Thu Hằng nói.