Ngày 9-6, bà Nguyễn Thị Thu Vân, Giám đốc Bưu điện TPHCM cho biết, trong 1 tuần đầu tiên thực hiện giãn cách xã hội, TPHCM tăng giải quyết hồ sơ trực tuyến và khuyến khích tiếp nhận và trả kết quả qua bưu điện, qua đó, lượng hồ sơ tiếp nhận và trả qua bưu điện tăng mạnh, đạt 140.000 hồ sơ/tuần.
Giám đốc Bưu điện TPHCM cho biết thêm, từ đầu năm đến nay, lượng hồ sơ hành chính trên địa bàn TPHCM được tiếp nhận và trả qua bưu điện đạt 2,7 triệu hồ sơ, tăng 75% so với cùng kỳ năm 2020.
Hiện nay, TPHCM thực hiện giãn cách xã hội. UBND TPHCM yêu cầu các cơ quan, đơn vị Nhà nước bố trí không quá một nửa số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (gọi chung là công chức) sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà. Riêng đối với quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12) đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, thì các cơ quan, đơn vị nhà nước có trụ sở trên địa bàn quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc bố trí tối đa không quá 1/3 số lượng công chức làm việc tại trụ sở (không bao gồm lực lượng phòng chống dịch Covid-19 được huy động). Để đảm bảo việc tiếp nhận, xử lý và trả kết quả thủ tục hành chính, UBND TPHCM chỉ đạo các cơ quan tăng cung cấp dịch vụ trực tuyến và trả kết quả hồ sơ theo hình thức trực tuyến hoặc qua dịch vụ bưu điện.
Đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh thực hiện giãn cách, Giám đốc Bưu điện TPHCM cho hay, toàn bộ đội ngũ 3.700 bưu tá, giao dịch viên, nhân viên của Bưu điện TPHCM làm việc tại bưu điện và “đi lại như con thoi”. Cùng với tiếp nhận hồ sơ và phát trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại nhà dân, nhân viên bưu điện còn đến tận nhà để chi trả chế độ chính sách cho người có công với cách mạng ngay trong những ngày đầu tháng 6-2021.
Khi đến nhà dân tiếp nhận, phát trả hồ sơ và chi trả chính sách người có công ở quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12), nhân viên bưu điện thực hiện nghiêm các yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, có bảo hộ và khai báo y tế đầy đủ. Một số con hẻm trên địa bàn TPHCM bị phong tỏa thì ngành bưu điện phối hợp với địa phương mời từng người nhận ra chốt kiểm soát để nhận hồ sơ, chính sách – có sắp xếp số thứ tự, đảm bảo khoảng cách và các yêu cầu phòng, chống Covid-19. Trường hợp người dân có nhu cầu nhận sau khi dỡ phong tỏa thì ngành bưu điện sẽ phục vụ theo yêu cầu của người hưởng chính sách.
Giám đốc Bưu điện TPHCM cũng cho biết, ngành bưu điện có cấp kinh phí để bưu tá, người lao động tự trang bị phòng hộ cá nhân. Ngành cũng có chính sách phù hợp đối với người lao động đi làm trong thời điểm cao điểm phòng, chống dịch Covid-19, giúp người lao động yên tâm công tác.
Trước đó, từ tháng 3-2021, Bưu điện TPHCM lập danh sách toàn bộ bưu tá, giao dịch viên, nhân viên, người lao động để tiêm vaccine phòng Covid-19. “Tôi rất mong sau khi toàn bộ nhân viên ngành y tế và các lực lượng trên tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch Covid-19 của TPHCM được tiêm phòng thì sắp tới, các nhân viên, bưu tá, giao dịch viên ngành bưu điện cũng sớm được tiêm vaccine. Nhân viên bưu điện, các bưu tá cũng là các “chiến sĩ thầm lặng”, âm thầm phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân, công việc phải đi lại, tiếp xúc nhiều nên nếu được tiếp cận sớm với vaccine sẽ giúp anh em thêm yên tâm phục vụ người dân và qua đó cũng góp phần vào đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở TPHCM”, bà Nguyễn Thị Thu Vân bày tỏ.
“Bưu chính là dịch vụ thiết yếu nên càng trong lúc mọi người giãn cách thì người lao động ngành bưu điện càng cần phục vụ tốt hơn. Nhân viên cũng hiểu là “ai cũng lùi thì lấy ai phục vụ”, nên các bưu tá đều kiên cường nỗ lực, vẫn miệt mài tới tận nhà dân chi trả chính sách, phát trả hồ sơ", bà Nguyễn Thị Thu Vân nói.