Thực hiện Nghị quyết 20 về phát triển khoa học và công nghệ: Khó khăn lớn nhất của TPHCM là nhân lực

Sáng 22-10, Thành ủy TPHCM tiếp đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương khảo sát 10 năm thực hiện Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương về phát triển khoa học và công nghệ (KH-CN) phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. 
Thực hiện Nghị quyết 20 về phát triển khoa học và công nghệ: Khó khăn lớn nhất của TPHCM là nhân lực

PGS.TS Vũ Hải Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc ĐHQG TPHCM làm trưởng đoàn công tác. Tiếp đoàn, về phía TPHCM có các đồng chí: Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cùng đại diện các sở, ban ngành TPHCM.

KH-CN đóng góp lớn vào thành quả của TPHCM

Báo cáo tại buổi khảo sát, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết, công tác phát triển KH-CN tại TPHCM trong những năm qua đã có những bước tiến rõ rệt, từng bước khẳng định vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tạo ra nhiều sản phẩm KH-CN có tính đột phá trên nhiều lĩnh vực. Những thành quả này từng bước đưa TPHCM trở thành trung tâm thương mại - dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, nghiên cứu, đổi mới và chuyển giao công nghệ của khu vực phía Nam nói riêng, cả nước nói chung. 

Thực hiện Nghị quyết 20 về phát triển khoa học và công nghệ: Khó khăn lớn nhất của TPHCM là nhân lực ảnh 1 Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan báo cáo về 10 năm thực hiện Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương. Ảnh: THU HƯỜNG

Đồng chí Võ Văn Hoan khẳng định, TPHCM luôn năng động, kịp thời trong việc xây dựng các chính sách hỗ trợ, kết nối hệ sinh thái, tăng cường hoạt động truyền thông, hoạt động đổi mới sáng tạo, hợp tác quốc tế nhằm thu hút nguồn lực phục vụ phát triển Thành phố. “Kết quả này được thể hiện thông qua chỉ số năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) luôn ở mức cao trong thời gian qua, đạt trung bình 35,62%. Trong đó, đóng góp của KH-CN vào tăng trưởng TFP là 74%. Đồng thời, trong giai đoạn 2011 – 2021, năng suất lao động xã hội của thành phố cao hơn 2,7 lần so với cả nước, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội cao gấp 1,7 lần so với cả nước”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan dẫn chứng. 

Cùng với đó, chính sách về KH - CN và đổi mới sáng tạo ngày càng hoàn thiện, bám sát nhu cầu thực tế. Các hoạt động hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của Thành phố trong thời gian qua đã góp phần hình thành và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại TPHCM, tạo sức lan tỏa mạnh từ cộng đồng doanh nghiệp đến xã hội và được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Trong đó, TPHCM luôn nằm trong top 10 thành phố năng động nhất thế giới kể từ năm 2017 đến nay. 

Dù vậy, đồng chí cho rằng sự phát triển KH - CN tại TPHCM vẫn chưa theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quản lý đô thị của Thành phố và chưa thực sự trở thành động lực phát triển. Đầu tư của nhà nước và xã hội cho KH - CN vẫn chưa  tương xứng, chưa huy động được nhiều nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước đầu tư cho KH - CN để phát triển sản xuất hàng hóa và cung ứng dịch vụ. Cơ chế quản lý KH - CN chưa theo kịp với các đòi hỏi của cơ chế thị trường; chế độ chính sách để thúc đẩy KH - CN phát triển còn bất cập, hạn chế, chưa đầu tư thích đáng cho hoạt động sáng tạo. Cơ sở vật chất phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển.

Ngoài ra, TPHCM cũng còn thiếu những chuyên gia đầu ngành, nhất là trong các lĩnh vực trọng điểm như công nghệ sinh học, công nghệ vi mạch, công nghệ nano, trí tuệ nhân tạo. Trong khi đó, định hướng và chính sách đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao chưa thật sự gắn với định hướng phát triển KH-CN. 

Khắc phục khó khăn, tăng cường phát triển KH-CN

Trao đổi về thuận lợi, khó khăn của TPHCM cũng như các giải pháp đã triển khai để đẩy mạnh KH-CN trên địa bàn, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải cho biết, các kỳ đại hội Đảng bộ TPHCM gần đây, Thành phố đã xác định nhiều mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, đặc biệt đề ra các chương trình trọng điểm, đột phá để tiếp tục đẩy mạnh phát triển Thành phố trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, văn hóa, khoa học công nghệ hiện đại của khu vực.

Thực hiện Nghị quyết 20 về phát triển khoa học và công nghệ: Khó khăn lớn nhất của TPHCM là nhân lực ảnh 2 Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải phát biểu tại buổi khảo sát. Ảnh: THU HƯỜNG

TPHCM đã ban hành Đề án “Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025”; Đề án “Hình thành và phát triển Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông Thành phố giai đoạn 2020-2035”; Chương trình chuyển đổi số của TPHCM. Trong đó, TPHCM đã thành lập TP Thủ Đức – mô hình về khu đô thị tương tác cao phía Đông, với kỳ vọng nơi đây là cực tăng trưởng phía Đông của TP, dựa vào ĐHQG TPHCM, Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Nơi đây còn dự kiến sẽ xây dựng Trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực...  

“Nếu các công việc thuận lợi, xây dựng được khu này thì sẽ thúc đẩy sự phát triển, là cực tăng trưởng, nơi thu hút KH-CN của TPHCM”, đồng chí Nguyễn Hồ Hải thông tin.

Dù vậy, theo đồng chí, khó khăn lớn nhất của TPHCM hiện nay là chính sách thu hút nhân lực. Có chương trình thực hiện được, có chương trình còn nhiều băn khoăn. Trước đây, TPHCM có mời được một số chuyên gia, nhà khoa học về cống hiến cho Thành phố nhưng sau này thì khó khăn hơn, các chính sách thu hút không phát huy được hiệu quả.

Dẫn chứng một số chương trình đào tạo cán bộ trẻ của TPHCM như chương trình đào tạo 300, 500 tiến sĩ, thạc sĩ, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải cho rằng nhờ chương trình này mà ĐH Đảng bộ TPHCM nhiệm kỳ 2010-2015, lần đầu tiên trong lịch sử Đảng bộ TPHCM có cán bộ trẻ là do công sức của các thế hệ đi trước, trong đó có chính sách ưu tiên về đào tạo. Dù vậy, chương trình bị vướng mắc một số vấn đề về pháp lý, cần phải tạm ngưng để khắc phục, giờ tiếp tục làm lại thì vẫn bị vướng. 

Thực hiện Nghị quyết 20 về phát triển khoa học và công nghệ: Khó khăn lớn nhất của TPHCM là nhân lực ảnh 3 PGS.TS Vũ Hải Quân phát biểu tại buổi khảo sát

Theo Giám đốc Sở KH-CN TPHCM Nguyễn Việt Dũng, ở các nước phát triển, nhà nước chỉ chi 5-10% cho KH-CN, 90% còn lại đến từ nguồn lực xã hội, chủ yếu là từ doanh nghiệp. Theo ông,  trong câu chuyện công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì vai trò đầu tư của doanh nghiệp vào nghiên cứu, phát triển, ứng dụng KH-CN là quan trọng nhất, các quốc gia chỉ đầu tư cho nghiên cứu cơ bản ở các trường, các viện. Như vậy, vấn đề là chính sách quốc gia làm sao để kích được nhóm này, đấy mới là điểm thắt.

Chia sẻ thêm về vai trò của KH-CN đối với thực tiễn TPHCM, đồng chí Nguyễn Hồ Hải dẫn chứng, trong công tác phòng chống dịch Covid-19 thời gian qua, KH-CN đã phát huy mạnh mẽ vai trò của mình. “Khi sức người không đủ nữa thì các ứng dụng phát huy hiệu quả cao, có tác dụng to lớn trong việc cổ vũ tinh thần, tìm hướng để vượt qua khó khăn của Thành phố”, đồng chí Nguyễn Hồ Hải nhấn mạnh. Đồng chí khẳng định Thành ủy TPHCM sẽ tiếp tục lãnh đạo để phát huy các kết quả đạt được đồng thời khắc phục các tồn tại khó khăn để tăng cường phát triển KH-CN; tập trung thực hiện mô hình tăng trưởng mới, phát triển mạnh mẽ kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn. Trong đó, KH-CN, đổi mới sáng tạo được phát triển vững chắc, thực sự trở thành động lực tăng trưởng kinh tế - xã hội; thúc đẩy ứng dụng nền tảng công nghệ trong xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có trọng tâm, trọng điểm nhằm tạo lợi thế cạnh tranh trong khu vực và quốc tế. 

Phát biểu tại buổi khảo sát, PGS.TS Vũ Hải Quân ghi nhận sự nỗ lực của TPHCM cũng như ghi nhận kết quả của Thành phố đã đạt được trong 10 năm qua, có nghị quyết đánh giá kịp thời việc triển khai Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương. Đặc biệt, TPHCM đã tập trung thực hiện đổi mới sáng tạo, đầu tư cho con người rất bài bản, hiệu quả.

Trên tinh thần đó, PGS.TS Vũ Hải Quân đề nghị TPHCM tiếp tục phát huy kết quả đạt được; dựa vào thế mạnh của TPHCM để tiếp tục có các mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa phù hợp. TPHCM cũng cần chú trọng đầu tư nguồn lực thực sự cho KH-CN.

Thể chế hóa, cụ thể hóa chủ trương, nghị quyết bằng chương trình hành động, từ đó định hướng cho phát triển KH-CN trong thời gian tới. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền; có chính sách thu hút, bồi dưỡng nhiều cán bộ trẻ, nhà khoa học trẻ có năng lực để đóng góp tích cực vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. 

Tin cùng chuyên mục