Thực hiện quyền bào chữa còn hạn chế

(SGGP).- Nhận định trên được nêu ra tại hội thảo “Thực trạng thực hiện và đảm bảo thực hiện quyền bào chữa, quyền có người đại diện pháp lý, người bảo vệ quyền của cá nhân trong quá trình tố tụng tư pháp trên địa bàn TPHCM” do Viện Khoa học Pháp lý - Bộ Tư pháp phối hợp với Sở Tư pháp TPHCM tổ chức vào ngày 8-10.

Ông Trương Thế Trọng, Phó Chánh tòa Hành chính TAND TPHCM, nhận xét, trên thực tế vẫn còn không ít vướng mắc dẫn đến việc người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thực hiện các quyền của mình bị hạn chế. Cụ thể, trong các vụ án hình sự, tiến trình tham gia tố tụng của người bào chữa cho một bị can, bị cáo vẫn còn bị cắt khúc tùy theo giai đoạn tố tụng, chưa có cơ chế thông khâu; Bộ luật Tố tụng dân sự chưa quy định về việc có mặt của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự tại các buổi hòa giải...

Nêu ý kiến về việc thực hiện quyền được bào chữa trong lĩnh vực hình sự, đại diện Viện KSND TPHCM cho rằng, ngoài các trường hợp bắt buộc phải có luật sư (LS) tham gia theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, các đối tượng được trợ giúp pháp lý miễn phí cũng như các đối tượng muốn hợp đồng thuê LS bào chữa cũng gặp khó khăn. Lý do là họ buộc phải có giấy tờ chứng minh có đủ các điều kiện để được trợ giúp pháp lý miễn phí trong khi họ đã bị bắt, tạm giữ, tạm giam; người muốn thuê LS bào chữa không có nhiều thông tin về danh sách, năng lực của LS để làm cơ sở thảo luận về thù lao.

Đại diện Viện KSND TPHCM kiến nghị cần hoàn thiện các chế định liên quan đến người bào chữa, đối tượng được bào chữa; phát triển đội ngũ LS đồng thời với việc nâng cao năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức của LS khi tham gia bào chữa vì mục đích xác định sự thật của vụ án khách quan, toàn diện, đầy đủ; nâng cao trách nhiệm của những người tiến hành tố tụng, nhất là điều tra viên, kết hợp với việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật của những người tham gia tố tụng.

ÁI CHÂN

Tin cùng chuyên mục