
Ngày 27-2, tại Hà Nội, đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư TƯ Đảng, đã chủ trì hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai công tác phòng chống tham nhũng (PCTN), lãng phí theo tinh thần Nghị quyết TƯ 9 (khóa X). Không nói nhiều đến thành tích, nhiều vấn đề tồn tại trong công tác này đã được nhìn nhận thẳng thắn để qua đó càng khẳng định thêm quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta trên mặt trận này.
Tham nhũng, lãng phí còn nghiêm trọng và phức tạp

Đồng chí Trương Tấn Sang cho biết, qua 2 năm thực hiện Nghị quyết TƯ 3 (khóa X), trong điều kiện tình hình trong nước và quốc tế có nhiều biến động, nhưng với quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước, công tác PCTN và chống lãng phí đã đạt được một số kết quả bước đầu, làm tiền đề cho các năm tiếp theo. Tuy nhiên, vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém, dẫn đến hiệu quả còn thấp; tình hình tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng và diễn biến phức tạp, chưa đạt kết quả như mong đợi.
Báo cáo tổng hợp kết quả 2 năm thực hiện Nghị quyết TƯ 3 về PCTN, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã nêu rõ 9 vấn đề lớn và được hội nghị đánh giá là rất toàn diện. Báo cáo chỉ ra, tính tiên phong, gương mẫu của một số cán bộ, đảng viên trong PCTN chưa được thể hiện rõ, nhất là trách nhiệm người đứng đầu. Không ít cán bộ, đảng viên lãnh đạo quản lý chưa gương mẫu trong lối sống và chưa kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí.
Theo tổng hợp từ 13 địa phương, trong 2 năm, đã xử lý trách nhiệm 229 người đứng đầu và cấp phó vì để xảy ra tham nhũng. Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tội, chạy bằng cấp vẫn diễn biến phức tạp, nhưng việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng, lãng phí còn ít so với số vụ vi phạm.
Về vấn đề công khai, minh bạch trong hoạt động các cơ quan, tổ chức, báo cáo nhận định nhiều nơi còn lạm dụng các quy định về bí mật nhà nước, một số nơi nội dung sơ sài, hiệu quả thấp nên thiếu thống nhất trong nội bộ, phát sinh đơn thư tố cáo. Về phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng, báo cáo thẳng thắn chỉ ra sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong tiếp nhận, xử lý tố cáo về tham nhũng vẫn chưa chặt chẽ, có tình trạng vừa chồng chéo vừa bỏ trống. Một số trường hợp giải quyết chậm, thiếu khách quan. Người tố cáo hành vi tham nhũng chưa được bảo vệ và khuyến khích.
Công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ chưa được quan tâm. Việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán còn chậm và thiếu nghiêm túc. Trong xử lý một số vụ việc tham nhũng vẫn còn biểu hiện nể nang, né tránh, nhẹ trên, nặng dưới và lạm dụng xử lý hành chính. Số vụ việc được phát hiện và xử lý chưa tương xứng với thực tế.
Trong khi đó, việc xử lý một số vụ án tham nhũng nghiêm trọng còn chậm. Tỷ lệ bị cáo tội tham nhũng được hưởng án treo vẫn cao, chiếm 37%. Số vụ việc tham nhũng được phát hiện, xử lý trong 2 năm qua ngày càng giảm, số vụ án tham nhũng được khởi tố trong cả nước giảm 30% số vụ và 25% số bị can so với cùng kỳ.
Có ý kiến cho rằng, nguyên nhân vì công tác đấu tranh phòng chống thiếu quyết liệt. Bộ Chính trị cho rằng, tình trạng trên chỉ là sự việc cá biệt thuộc lề lối làm việc nên cần được chấn chỉnh. Bộ Chính trị sẽ tiếp thu các ý kiến và trong trường hợp cá biệt, nếu chủ tịch UBND địa phương nào đó không đáp ứng yêu cầu thì xem xét thay thế.
Dựa vào dân, tăng sức chiến đấu của Đảng
Kết luận hội nghị, đồng chí Trương Tấn Sang cho biết, để thực hiện tốt nhiệm vụ PCTN từ nay đến hết nhiệm kỳ ĐH X, cần tiếp tục thực hiện 7 nhóm giải pháp về công tác PCTN và lãng phí. Trong đó, đặc biệt lưu ý 6 vấn đề.
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp, ngành và của cán bộ, đảng viên về công tác PCTN, lãng phí, từ đó tạo sự thống nhất, tự giác, quyết tâm cao trong hành động.
Thứ hai, đề cao trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, tính tiên phong gương mẫu của tổ chức cơ sở Đảng và cán bộ, đảng viên trong công tác này.
Thứ ba, điều chỉnh chương trình hành động, kế hoạch triển khai công tác PCTN theo hướng cụ thể, khả thi và phân công rõ trách nhiệm cho từng tập thể cá nhân.
Thứ tư, hoàn thiện các cơ quan chuyên trách về PCTN, bảo đảm mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị phải có bộ phận hoặc người được giao nhiệm vụ theo dõi về công tác PCTN.
Thứ năm, các cấp ủy Đảng cần tập trung chỉ đạo thường xuyên nhằm tạo sự phối hợp đồng bộ, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong công tác này. Để làm tốt PCTN phải dựa vào dân. Cần có các giải pháp phù hợp để nhân dân phản ánh, tố giác tham nhũng với các cơ quan nhà nước thông qua công tác tiếp dân, mở hòm thư, lập đường dây nóng và nhất là cán bộ phải thường xuyên sâu sát, gần gũi nhân dân, tránh tình trạng cán bộ chỉ nắm tình hình qua báo cáo, mà báo cáo một đằng, thực tế một nẻo.
Thứ sáu, tập trung sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác PCTN. Ủy ban Kiểm tra của Đảng phải kiểm tra, xử lý kịp thời đảng viên có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí; có hình thức xử lý các tổ chức Đảng và đảng viên không chấp hành nghiêm túc các quy định của Đảng và Nhà nước về công tác PCTN, nhất là trong việc kê khai tài sản, công khai minh bạch, chuyển đổi vị trí công tác, vi phạm quy chế về việc tặng quà, nhận quà tặng và nộp lại quà tặng; tùy tính chất vi phạm mà có hình thức xử lý.
“PCTN, lãng phí có nhiều khó khăn và phức tạp, là cuộc đấu tranh chống giặc nội xâm. Đây là trọng trách của Đảng và Nhà nước ta đối với tương lai, tiền đồ của đất nước và dân tộc ta. Từ những kết quả và kinh nghiệm bước đầu qua 2 năm thực hiện, với quyết tâm của toàn Đảng và cả hệ thống chính trị, chắc chắn tham nhũng, lãng phí nhất định sẽ được ngăn chặn và từng bước đẩy lùi”, đồng chí Trương Tấn Sang nhấn mạnh.
PHAN THẢO