
Lợi dụng nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân tăng cao vào thời điểm giáp tết, không ít đối tượng kinh doanh, sản xuất thực phẩm, bánh kẹo, rượu bia đã bất chấp các quy định của pháp luật để đưa ra thị trường nhiều loại thực phẩm nguy hại, không bảo đảm an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Trong khi đó, các cơ quan chức năng dù có nỗ lực kiểm tra tới đâu, cũng không thể xử lý được triệt để trước “ma trận” thực phẩm bẩn những ngày giáp tết.
Vi phạm tinh vi
Gần 1 tấn nội tạng động vật và thịt heo trong giai đoạn đầu phân hủy, bốc mùi hôi thối được đóng trong các bịch ni lông, thùng xốp và giấu kỹ trong 5 chiếc xe tải mang biển số Hưng Yên chở tới chợ đầu mối Phùng Khoang (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) tiêu thụ đã bị lực lượng liên ngành phát hiện và bắt giữ... khiến người tiêu dùng rất hoang mang lo lắng về nguy cơ thực phẩm bẩn tràn ra thị trường vào dịp gần tết. Đây chỉ là một trong số hàng trăm vụ vận chuyển, kinh doanh thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc bị lực lượng chức năng ở Hà Nội phát hiện trong chưa đầy một tháng qua. Theo ông Trần Anh Hiếu, Phó Chánh Thanh tra Sở NN-PTNT Hà Nội, để có được số lượng nội tạng động vật và thịt bẩn nhiều như vậy, các chủ hàng đã có hẳn một mạng lưới thu mua heo bệnh, heo chết của nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn Hưng Yên. Sau đó, các đối tượng tiến hành “phù phép” biến thịt bẩn, thịt thối thành thịt tươi ngon bằng cách nếu heo chết vì bệnh tai xanh thì chặt bỏ đầu, chỉ bán phần thân; nếu heo bị lở mồm long móng thì chặt bỏ bộ móng; còn nếu heo đã chết bốc mùi hôi thối thì được rửa qua bằng hóa chất và dùng đèn khò nướng lên… khiến người tiêu dùng rất khó phát hiện.

Lực lượng liên ngành kiểm tra một số cơ sở kinh doanh thực phẩm dịp Tết Nguyên đán tại Hà Nội
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, lợi dụng nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân tăng cao vào thời điểm giáp tết, không ít đối tượng kinh doanh, sản xuất thực phẩm, bánh kẹo, rượu bia đã bất chấp các quy định của pháp luật để đưa ra thị trường nhiều loại thực phẩm nguy hại, không bảo đảm an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Đáng lo hơn khi liên tiếp thời gian gần đây, tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước gần như ngày nào lực lượng chức năng cũng phát hiện vài vụ vận chuyển thực phẩm bẩn, cơ sở sản xuất thực phẩm không bảo đảm an toàn. Mới đây nhất, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49), Công an TPHCM đã kiểm tra cơ sở chế biến măng Tùng Hương (số 7/3B đường Nguyễn Thị Sóc, xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn) phát hiện gần 7 tấn măng tươi và hơn 300kg măng đã ngâm hóa chất phụ gia tạo màu không rõ nguồn gốc. Trước đó, PC49 thuộc Công an Hà Nội cũng đã phát hiện một cơ sở chuyên sản xuất nem chạo ở huyện Hoài Đức tích trữ hàng tấn bì heo, mỡ heo không rõ nguồn gốc, trương phình, bốc mùi hôi thối và được chế biến trên nền nhà dơ bẩn. Trung tá Trần Anh Tuấn, Phó Trưởng phòng PC49, Công an Hà Nội cho biết, trong vòng một tháng qua, các đội nghiệp vụ của PC49 phối hợp với quản lý thị trường, thanh tra y tế và nông nghiệp đã phát hiện tới 436 vụ việc vi phạm trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong đó có không ít vụ, các đối tượng vận chuyển, kinh doanh thực phẩm bẩn đã ngụy trang, che giấu bằng nhiều hình thức, thủ đoạn tinh vi, như: liên tục thay đổi biển số xe trên đường vận chuyển, dùng ô tô 4 chỗ sang trọng vận chuyển gà lậu, hay vận chuyển nội tạng động vật, thịt bẩn để lẫn với nhiều hàng hóa tiêu dùng khác, thậm chí có trường hợp còn làm giả giấy tờ kiểm dịch của cơ quan thú y.

Một cơ sở chế biến thịt bẩn bị phát hiện
Tẩy chay thực phẩm bẩn
Theo Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm, để bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, có 6 đoàn kiểm tra liên ngành trung ương được lập ra tiến hành thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm tại 12 tỉnh, thành phố trọng điểm. Ngoài ra, tại địa phương cũng thành lập các đoàn thanh tra liên ngành tại tất cả các cấp từ tỉnh, thành đến quận/huyện và xã/phường. Hiện nay, các đoàn kiểm tra liên ngành trong cả nước đang vào đợt cao điểm kiểm tra và xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm. Lực lượng chức năng đã phát hiện không ít vụ vi phạm nghiêm trọng các quy định an toàn thực phẩm, như: nhập lậu nội tạng động vật, thịt thối, gia cầm chết để đưa ra thị trường, sử dụng sản phẩm động vật chết do dịch bệnh hay cho các chất cấm, chất độc, phẩm màu độc hại vào trong quá trình chế biến thực phẩm… Tuy nhiên, theo đánh giá thì số vụ vi phạm an toàn thực phẩm bị phát hiện và xử lý vẫn còn khá khiêm tốn so với thực tế.

Nhiều loại mứt tết được nhuộm hóa chất không rõ nguồn gốc
Qua tìm hiểu của chúng tôi tại phố Hàng Buồm, Hà Nội (trung tâm kinh doanh bánh kẹo, rượu bia lớn nhất miền Bắc), vào những ngày giáp tết xuất hiện nhiều loại bánh, kẹo, mứt tết được bày bán tràn lan đều trong tình trạng: không xuất xứ, không hạn sử dụng, không nhãn mác, không bao gói và không đảm bảo an toàn thực phẩm nhưng nhiều chủ hàng vẫn quảng cáo giới thiệu với khách hàng là hàng ngoại nhập, chất lượng tốt. Còn tại chợ Đồng Xuân và chợ đầu mối Long Biên, không ít các loại bánh kẹo, mứt tết và hoa quả ngoại nhập không rõ nguồn gốc, không nhãn mác cũng được bày bán tràn ngập. Đáng lo hơn, không ít quầy hàng vẫn lén lút kinh doanh đường hóa học, hàn the, tinh dầu tạo hương vị, phẩm màu công nghiệp để phục vụ các cơ sở chế biến thực phẩm. Ngược trở lên khu vực các tỉnh biên giới phía Bắc, như: Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh… càng gần tết, tình hình nhập lậu thực phẩm bẩn, gia cầm, bánh kẹo, rượu bia không rõ nguồn gốc diễn ra càng gia tăng. Theo đánh giá của Chi cục Quản lý thị trường Lạng Sơn, so với các mặt hàng nhập lậu khác, vào dịp gần tết, các mặt hàng thực phẩm, bánh kẹo, gia cầm, nội tạng động vật... đem lại lợi nhuận khá cao nên nhiều đối tượng coi thường luật pháp, bất chấp sức khỏe người tiêu dùng nên vẫn nhập lậu, kinh doanh những mặt hàng nguy hại này.
Trước tình trạng vi phạm về an toàn thực phẩm diễn ra phức tạp vào dịp tết, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, cùng với việc lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ các chợ đầu mối, siêu thị, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thì điều quan trọng là phải đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của nhân dân về an toàn thực phẩm. Người dân không chỉ cần biết cách lựa chọn thực phẩm an toàn, mà còn phải có ý thức tẩy chay thực phẩm bẩn, sẵn sàng tố giác cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không bảo đảo an toàn. Hơn nữa, để khuyến khích nhân dân tố giác thực phẩm bẩn, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng nếu phát hiện thực phẩm, bánh kẹo, nước ngọt, rượu bia có dấu hiệu bất thường phải lập tức ngừng sử dụng và thông báo ngay cho các cơ quan chức năng để xác minh và xử lý kịp thời.
QUỐC LẬP