
Tháng 10-2004, Việt Nam chính thức gia nhập Công ước Berne, vấn đề bản quyền được chú trọng, nhưng vi phạm bản quyền vẫn không có dấu hiệu dừng lại. Gần đây vấn đề này càng trở nên phức tạp khiến các NXB nước ngoài, có đại diện tại Việt Nam, cũng đã phải lên tiếng về thực trạng vi phạm bản quyền hiện nay.
Trắng trợn vi phạm
Cuộc họp báo kiêm hội thảo về “Sách vi phạm bản quyền của các NXB nước ngoài - Thực trạng và giải pháp phòng chống”, được tổ chức tại TPHCM vừa qua, xứng đáng được ghi vào lịch sử ngành xuất bản nước nhà khi tổ chức được một cuộc triển lãm nhỏ về các đầu sách vi phạm bản quyền.

Các loại sách vi phạm bản quyền đang lưu hành trên thị trường. Ảnh: T.V.
Cuộc triển lãm trưng bày gần 400 đầu sách bị xâm hại bản quyền, mà nạn nhân là 6 NXB nước ngoài đang có văn phòng đại diện tại Việt Nam. Cả 6 NXB này đều thuộc loại nổi tiếng như Oxford, Cambridge, Cengage Learning, Macmillan, McGraw-Hill, Pearson Education.
Các đầu sách bị vi phạm bản quyền đều thuộc loại ăn khách nhất từ mấy năm qua hoặc mới chỉ vừa được đưa ra giới thiệu đầu năm 2009. Có hai cái tên NXB xuất hiện nhiều nhất trên bìa, trong số gần 400 đầu sách vi phạm bản quyền được trưng bày, là NXB Đồng Nai và Công ty TNHH Phát hành sách Sài Gòn (Nhà sách Quỳnh Mai).
Các đầu sách vi phạm bản quyền bị nêu tên lần này đều là những sách có giấy phép xuất bản, có tên tuổi của đơn vị liên kết thực hiện, nhưng không có bản quyền. Do đó cũng khác với các loại sách lậu, các đầu sách vi phạm bản quyền này có thể thoải mái được bày bán ở mọi nơi, không phải núp bóng hay trốn tránh như sách lậu. Như vậy, dưới sự tiếp tay của một số NXB, công ty kinh doanh văn hóa phẩm, các đầu sách vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đã có thể ung dung, trắng trợn tồn tại trong thị trường sách Việt Nam.
Rụt rè phản ứng
Thực ra, như nhận xét của rất nhiều đại biểu tham dự hội thảo, việc vi phạm bản quyền các đầu sách của các NXB nước ngoài là chuyện tất yếu. Trong thị trường sách Việt Nam, loại sách ăn khách nhất và đồng thời bị vi phạm bản quyền nhiều nhất là sách giáo dục, đây cũng là loại sách các NXB nước ngoài kinh doanh nhiều nhất.
Chính vì thế, hầu hết những đại biểu tham dự rất bất ngờ khi đại diện các NXB nước ngoài cho biết, cuộc họp báo này là “động thái đầu tiên” nhằm bảo vệ bản quyền của họ. Còn biện pháp xử lý các đơn vị vi phạm bản quyền được các NXB nước ngoài cho biết là sẽ “xem xét sau”.
Hành động này được xem là một sự phản ứng nhưng quá chậm nhằm bảo vệ quyền lợi, vì gần 5 năm trước ngay sau khi Công ước Berne có hiệu lực tại Việt Nam (10-2004), các NXB, công ty kinh doanh sách trong nước đã rầm rộ phản ứng các vụ vi phạm bản quyền sách. Trước sự chậm chạp này, tiến sĩ Vũ Mạnh Chu, Cục trưởng Cục Bản quyền cho rằng, bản thân các NXB nước ngoài chưa quyết tâm bảo vệ chính quyền lợi của mình…
Lý giải sự chậm chạp này, theo đại diện các NXB nước ngoài tại Việt Nam, thì vấn đề là ở chỗ sự phân cấp công việc. Các văn phòng đại diện lo phần kinh doanh, hỗ trợ tư vấn nội dung, còn việc liên quan đến pháp luật do các công ty chuyên về luật được ủy thác đảm nhiệm. Tuy nhiên, ý kiến này cũng bị phản bác vì sách vi phạm bản quyền không phải là vừa mới xuất hiện, nhưng đến tận bây giờ các NXB nước ngoài mới bắt đầu rục rịch hành động là quá chậm.
Ngăn chặn sách vi phạm bản quyền - Dễ và khó
Việc chậm chạp trong phản ứng đối với các đơn vị sách vi phạm bản quyền của các NXB nước ngoài được đề cập đến nhiều, vì hành động này được xem là có ảnh hưởng quyết định đến việc ngăn chặn tình trạng sách vi phạm bản quyền. Nếu sách lậu, nhái, nối bản… đòi hỏi việc điều tra, tìm kiếm người thực hiện rất khó khăn thì với sách vi phạm bản quyền tên tuổi NXB, đối tác liên kết thực hiện đều được in đầy đủ trên sách. Trong khi đó, Việt Nam đã có đầy đủ luật về quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ, Luật Xuất bản… để bảo vệ quyền lợi chính đáng của các doanh nghiệp kinh doanh lại chưa được vận dụng hiệu quả.
Thế nhưng, các NXB nước ngoài, nhà phát hành trong nước lại tập trung chống sách vi phạm bản quyền bằng những biện pháp được đánh giá chỉ đi vào phần “ngọn” chứ không xoáy vào “gốc”. Đơn cử như các đại diện NXB nước ngoài nhấn mạnh, việc sách gốc có chất lượng in ấn tốt hơn sách vi phạm bản quyền người tiêu dùng cần được khuyến cáo. Nhưng cũng chính các đại diện này sau đó lại khẳng định, khó phát hiện sách không bản quyền (được xuất bản chính thức) vì kỹ thuật in có thể đạt đến 80% - 90% so với sách thật!
Một yếu tố được nhắc đi nhắc lại là việc áp dụng nhiều biện pháp để giảm giá sách ngoại văn, tạo điều kiện cho bạn đọc trong nước có thể tiếp cận với sách gốc. Tuy nhiên, biện pháp này cũng đã được chứng minh chỉ mang tính tình thế vì ưu điểm lớn nhất của sách không bản quyền chính là giá và trừ khi chấp nhận lỗ, còn ngoài ra không cách nào có thể bán sách gốc rẻ hơn sách không bản quyền. Các NXB nước ngoài còn đề xuất biện pháp ngăn sách vi phạm bản quyền như kêu gọi trách nhiệm, nhấn mạnh yếu tố thương hiệu…
Thực tế việc ngăn chặn sách không bản quyền đơn giản hơn nhiều. Tiến sĩ Vũ Mạnh Chu khẳng định có đến ba con đường để các đơn vị bảo vệ bản quyền của mình gồm biện pháp dân sự, hành chính và thậm chí là hình sự. Để đảm bảo quyền lợi chỉ cần các đơn vị hỗ trợ cơ quan chức năng trong việc phát hiện, khởi kiện các đơn vị cố ý vi phạm luật bản quyền. Đáng tiếc là đến nay, chính bản thân các đơn vị xuất bản quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam, vì nhiều lý do, lại còn quá “rụt rè” khi bảo vệ quyền lợi của chính mình. Điều đó vô tình đã tiếp tay cho các đơn vị vi phạm bản quyền mặc sức tung hoành.
TƯỜNG VY