Thuế thu nhập cá nhân: Quá nhiều điểm bất hợp lý

Sau khi Báo SGGP đăng vệt bài về những bất hợp lý của thuế TNCN, nhiều bạn đọc đã bày tỏ ý kiến xung quanh vấn đề này.
Thuế thu nhập cá nhân: Quá nhiều điểm bất hợp lý

LTS: Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) là một trong 3 sắc thuế đóng góp lớn nhất cho thu ngân sách nhà nước hàng năm, với 110.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, những người làm công ăn lương - đóng góp 70% nguồn thu thuế TNCN, nhưng chính sách thuế với họ lại không hợp lý. Sau khi Báo SGGP đăng vệt bài về những bất hợp lý của thuế TNCN, nhiều bạn đọc đã bày tỏ ý kiến xung quanh vấn đề này.

- Luật sư LÝ THỊ NGỌC HIỆP, Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai:

Phải tăng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế

Biểu thuế hiện nay có tới 7 bậc là nhiều, bậc cuối thuế suất lên tới 35% là quá cao - so với doanh nghiệp chỉ 20%. Biểu thuế chỉ nên có 4-5 bậc, và phải nâng khoảng cách chênh lệch giữa các bậc. Mức giảm trừ gia cảnh hiện nay theo Nghị quyết 954/UBTVQH năm 2020 là 11 triệu đồng/người, mức này cũng cần điều chỉnh lên ít nhất 15 triệu đồng/người.

Đặc biệt, mức giảm trừ gia cảnh của người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/người, không có quy định giảm trừ thêm cho người phụ thuộc bị bệnh tật, tàn tật cần chế độ chăm sóc đặc biệt là chưa hợp lý. Việc tính thuế tiền lương, tiền công, tiền làm thêm ngoài giờ, làm ngày nghỉ, ngày lễ là chưa có sự phân hóa. Do đó, khi sửa đổi luật, các cơ quan chuyên môn cần điều chỉnh giảm bậc tính thuế TNCN, nâng chênh lệch giữa các bậc; tăng mức giảm trừ gia cảnh của người nộp thuế; xem xét tính thêm giảm trừ của người phụ thuộc thường xuyên đau ốm, bệnh tật, tàn tật, bệnh nan y; tách phần thu nhập do làm thêm giờ, làm ngày nghỉ, ngày lễ ra khỏi thu nhập chịu thuế.

- Bà NGUYỄN THỊ ÁI MỸ, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai:

Tính thuế thu nhập phải công bằng

Thuế TNCN đối với người làm công ăn lương khá minh bạch, rõ ràng. Nhưng, với người của công chúng, như: diễn viên, nghệ sĩ, cầu thủ… thì hơi khó. Người dân chỉ được biết thu nhập của họ khi những người này bộc bạch hay ai đó công bố. Nói chung, đó là những thông tin mơ hồ và chưa được xác thực. Cứ mỗi dịp tết thì nhà tổ chức lại công bố phim này đạt mức bao nhiêu tỷ đồng, phim kia chiếm lĩnh phòng vé. Nhưng thực hư số tiền đó như thế nào, ai kiểm chứng, và nhất là họ có phải chịu thuế TNCN hay không? Cầu thủ này ký hợp đồng với câu lạc bộ kia trị giá vài tỷ đồng có phải chịu thuế TNCN hay không? Đó là chưa kể những người nổi tiếng ăn uống, đi lại, mua sắm đều lấy hóa đơn để trừ thuế. Nhưng thu nhập của họ bao nhiêu thì chẳng ai biết đích xác!

Các nước quản lý tài chính qua ngân hàng nên thu nhập của người của công chúng được quản lý rất chặt chẽ. Thu nhập cao thì nộp thuế, tiêu dùng thì trừ thuế rõ ràng, minh bạch nên chả ai quan tâm đến việc trốn thuế. Mặt khác, pháp luật cũng quy định việc trốn thuế là một trong các tội danh bị xử lý rất nặng. Nước ta chưa quy định và quản lý được như vậy thì nhân dịp này cần công bằng hơn trong tính thuế TNCN đối với người của công chúng. Việc này không khó nếu các cơ quan chức năng, cơ quan nghiệp vụ đồng thuận giải quyết!

- Luật sư TRẦN CAO ĐẠI KỲ QUÂN, Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai:

Cần có quy định riêng đối với đối tượng có thu nhập cao đột biến

Luật Thuế TNCN hiện còn nhiều kẽ hở trong việc xác định đối tượng và thu nhập thực tế của cá nhân nộp thuế. Cụ thể, đối với người nộp thuế tự do như bác sĩ, người môi giới, ca sĩ, diễn viên..., cơ quan thuế chưa kiểm soát được tất cả các ngành nghề dẫn đến những thu nhập cao đột biến, trong khi luật hiện tại điều tiết các đối tượng này chưa hiệu quả. Trên thực tế, một số đối tượng có thu nhập cao chưa tự giác kê khai và nộp thuế đúng với quy định dẫn đến thất thu ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, thói quen sử dụng tiền mặt của người Việt Nam đã gây trở ngại cho công tác thu thuế TNCN, dẫn đến khó quản lý.

Do vậy, theo tôi, để thực hiện chính sách thuế TNCN hài hòa và công bằng giữa các đối tượng nộp thuế thì các cơ quan chức năng làm luật cần nâng mức xử phạt nhằm đủ sức răn đe đối với đối tượng có thu nhập cao nhưng cố tình giấu thu nhập. Đồng thời, thay đổi mức thuế theo biểu lũy tiến giữa các mức sao cho phù hợp với thực tế và hướng dẫn kê khai thuế TNCN đơn giản, dễ hiểu... Đặc biệt, cần có quy định riêng đối với các đối tượng có thu nhập cao đột biến, và khai thác công nghệ mạng vào việc quản lý thuế.

- Bà NGUYỄN THỊ DIỄM THÚY, phường 1, quận Gò Vấp, TPHCM:

Mức giảm trừ gia cảnh chưa hợp lý

Xưa nay, luật thường phải “chạy theo” xu thế phát triển của xã hội. Luật Thuế TNCN cũng không ngoại lệ. Cụ thể, mức giảm trừ gia cảnh chưa phù hợp với tình hình giá cả tăng và mặt bằng thu nhập khác nhau ở các vùng, miền. Vùng núi, nông thôn vẫn có mức giảm trừ gia cảnh như thành thị là không hợp lý. Cần nâng mức giảm trừ gia cảnh ở thành phố và đô thị lớn, như: Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng…

Ở TPHCM hiện nay thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng chỉ đủ tiêu dùng trong phạm vi hẹp, nhưng ở các tỉnh, thành khác thì “dễ thở” hơn. Các bạn tôi ở nước ngoài về đi du lịch hay ăn uống đều lấy hóa đơn để về nước được giảm trừ khi tính thuế. Nhưng ở Việt Nam thì người dân không có thói quen đó, chỉ có các chủ doanh nghiệp mới lấy hóa đơn. Thuế TNCN đối với người dân là con số cố định. Việc này vô tình đã tính chung với mọi tầng lớp nhân dân, bất kể họ đang sinh sống ở nông thôn hay thành thị và tính chất công việc ra sao. Do vậy, đề xuất của Bộ Tư pháp về sửa đổi một số quy định, trong đó có nâng mức giảm trừ gia cảnh của Luật Thuế TNCN là rất phù hợp.

Tin cùng chuyên mục