Tại công trường, đại diện Ban Quản lý đường sắt TP (MAUR) báo cáo tiến độ thi công nhà ga Bến Thành trong tình hình dịch Covid-19, ngoài việc thi công dự án còn phải đảm bảo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch nghiêm ngặt theo các chỉ thị của UBND TPHCM.
Dự án khôi phục thi công sau ngày 15-9 theo 2 kịch bản. Cụ thể, tiếp tục thực hiện thi công theo phương án: “3 tại chỗ” và “1 cung đường - 2 điểm đến”. Thi công hoàn thiện kiến trúc, cơ điện, đổ bê tông tại các nhà ga và kiểm tra tiếp nhận các thiết bị… Hiện có khoảng trên 600 công nhân tại các công trường.
Để thực hiện kế hoạch khôi phục thi công Dự án metro số 1 tuyến Bến Thành - Suối Tiên trong điều kiện vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch, MAUR đề nghị Sở GTVT cấp phép cho các xe vận chuyển vật liệu, thiết bị và các xe bê tông của dự án. Đồng thời đẩy mạnh thực hiện việc xin phép và tổ chức tiêm vaccine tối đa cho lực lượng chuyên gia, kỹ sư và công nhân trên công trường mới hy vọng đạt được tiến độ thi công đã đề ra. Hiện tiến độ thi công toàn dự án đạt khoảng 87,52%.
Sau khi khảo sát tình hình công nhân thi công tại các tầng hầm nhà ga Bến Thành, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, qua đợt khảo sát ngay trong tâm điểm dịch là thể hiện sự ủng hộ của Bộ Xây dựng về dự án này. Mục đích động viên cán bộ, công nhân thi công tại công trường trong bối cảnh dịch bệnh nhưng vẫn duy trì tiến độ thi công.
Bộ Xây dựng đánh giá cao sự nỗ lực của MAUR và các đơn vị thi công, giám sát… trong tình hình dịch bùng phát như vậy nhưng vẫn duy trì được bộ máy hoạt động với hơn 200 công nhân. Đặc biệt, tư vấn giám sát vẫn kiểm tra, kiểm soát liên tục chất lượng công trình. Về phía MAUR, cơ bản kiểm soát được tình hình dịch và một số hạng mục thi công vẫn duy trì tốt.
Theo thứ trưởng, trong bối cảnh hiện nay, làm sao cán bộ và công nhân đảm bảo sức khỏe, an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 là ưu tiên hàng đầu. Sau khi dịch giảm khôi phục ngay tốc độ thi công. Với tình hình dịch vừa qua chắc chắn tiến độ sẽ bị ảnh hưởng. Trong đó, phát sinh nhiều thứ mà trước đó trong hợp đồng không thể hiện được như chi phí xét nghiệm, chăm sóc ý tế, ăn ở tại chỗ… Do vậy, cần có cơ chế, chính sách để hỗ trợ phần chênh lệch phát sinh trong đợt dịch.
Qua đây, Bộ Xây dựng sẽ tham mưu có những tình huống sẽ ngừng thi công nhưng có những loại công trình dạng trọng điểm, khẩn cấp cần phải cho thi công để đảm bảo tiến độ công trình nhằm đóng góp sự phát triển kinh tế - xã hội.
Một vấn đề quan trọng không kém là cung cấp vật tư, vật liệu cho những công trình cấp bách được xem là vật liệu thiết yếu cần cho phép phương tiện lưu thông. Tuy nhiên, phương thức làm sao vừa thi công vừa đảm bảo chống dịch, bộ sẽ xem xét có phương án đề xuất Chính phủ.