Mới đây, anh đã giới thiệu đến độc giả 2 đầu sách: Văn học trung đại Việt Nam - nhìn từ thể loại tiểu thuyết truyền kỳ chữ Hán (NXB Tổng hợp) và Nghiên cứu văn học sử với Hoa Bằng qua Tạp chí Tri Tân (NXB Văn hóa - Văn nghệ).
- PHÓNG VIÊN: Trong thời gian ngắn, anh ra mắt 2 công trình “nặng ký”, tưởng rằng việc nghiên cứu đòi hỏi rất nhiều tâm sức và thời gian, nhưng có vẻ với anh lại… khỏe re?
* TS NGUYỄN PHÚC AN: Thực sự thì không hề khỏe re chút nào. Hai công trình ra mắt trong cùng thời điểm chỉ là một sự tình cờ. Chuyên khảo Văn học trung đại Việt Nam - nhìn từ thể loại tiểu thuyết truyền kỳ chữ Hán vốn dĩ là một công trình nghiên cứu từ rất lâu, nói đúng hơn sách được “lột xác” từ luận văn thạc sĩ mà tôi chuẩn bị trong năm 2011, bảo vệ vào năm 2012. Đến năm 2019, tôi vẫn để tâm sưu tầm và nghiên cứu liên tục, cuối cùng, qua sửa chữa, bổ sung, hình thành nên bản thảo và xuất bản năm nay. Do đó, chuyên khảo ấy có thể nói là không hề nhanh chóng.
Còn chuyên khảo Nghiên cứu văn học sử với Hoa Bằng qua Tạp chí Tri Tân mới thực sự là duyên may, như trong lời giới thiệu của quyển sách, tôi cũng có kể chi tiết về quá trình nghiên cứu tác phẩm. Trong một dịp tình cờ, tôi đã phát hiện ra bài viết về văn học sử của học giả Hoa Bằng. Ban đầu, tôi có ý định chỉ làm công việc biên tập, nhưng khi bắt tay vào làm mới phát hiện tài liệu không hề ít. Qua vài cuộc thảo luận với những người bạn học đã gợi mở cho tôi bước sang công việc khảo cứu và phê bình, đồng thời đưa tác phẩm trở lại với người đọc.
- Thay vì nghiên cứu văn học đương đại, anh lại chọn nghiên cứu văn học trung đại qua công trình Văn học trung đại Việt Nam - nhìn từ thế loại tiểu thuyết truyền kỳ chữ Hán. Anh còn trẻ, chẳng phải dễ dàng tiệm cận với đời sống văn học đương đại hơn sao?
* Việc nghiên cứu văn học trung đại Việt Nam với tôi cũng là một sự tình cờ. Trong lúc loay hoay tìm đề tài cho luận văn thạc sĩ, tôi đã rất căng thẳng và rối rắm trong việc lựa chọn giữa văn học và ngôn ngữ học. Vì một số lý do, ngay tại thời điểm gấp rút lúc bấy giờ, tôi đã chọn nghiên cứu văn học, rồi khi quyết định nghiên cứu văn học, tôi tiếp tục lấn cấn giữa văn học hiện đại và văn học trung đại. Chính lúc này, tôi lại gặp khó khăn về ngôn ngữ, vì luận văn thạc sĩ được làm ở Đài Loan, trong khi văn học hiện đại Việt Nam được dịch sang tiếng Hoa hiện đại rất hạn chế. Sau cùng, tôi đã nghĩ về những tác phẩm văn học trung đại Việt Nam viết bằng chữ Hán (vốn là để đỡ công đoạn dịch tác phẩm). Có điều, đến khi quyết định làm, tôi mới phát hiện một thực tế là văn học trung đại Việt Nam viết bằng chữ Hán không phải là hệ ngôn ngữ Hán hiện đại mà tôi đang nắm vững, nó là một hệ thống ngôn ngữ Hán cổ (văn ngôn). Lúc đó, tôi cảm giác mình đã leo lên lưng cọp và không có cách nào khác là phải tiếp tục. Tôi chọn học lại một hệ ngôn ngữ khác (văn ngôn), cứ thế mà cố gắng rồi đi tiếp cho đến nay.
- Anh có nói rằng, tư liệu chuyển dịch (từ chữ Hán, chữ Nôm sang chữ Quốc ngữ) ít nhiều đã được hiểu theo cách của người dịch. Việc tìm và nghiên cứu trên tư liệu gốc, diễn ra như thế nào và gặp những thách thức gì?
* Việc tìm và nghiên cứu trên tư liệu gốc hết sức cực khổ và gian nan. Ngoài sự cần cù còn phải nhờ vào may mắn và đương nhiên cũng phải tốn một khoản kinh phí không nhỏ cho việc mua tư liệu (nếu tìm được). Khi đọc văn bản chữ Hán cổ, ban đầu vấn đề đọc hiểu hết sức khó khăn, phải tra cứu nhiều tự điển, đọc lại những tác phẩm xưa đã được những bậc thầy dịch sang chữ Quốc ngữ để tham khảo. Đôi khi phải tìm hiểu lại, hỏi han thầy cô và anh chị tiền bối để tham khảo cách hiểu của họ, rồi tự mình suy luận, đánh giá lại.
- Trước anh, có nhiều nhà nghiên cứu văn học trung đại Việt Nam đã công bố rất nhiều công trình về văn học chữ Hán, với các thể loại khác nhau như tiểu thuyết chương hồi, bút ký, thần thoại và cả truyền kỳ. Lý do nào khiến anh quyết định tiếp bước?
* Kết quả nghiên cứu hay ý kiến của những bậc tiền bối là cơ sở để cho người nghiên cứu thế hệ sau tham khảo, tiếp thu và phát triển. Tôi cho rằng mỗi một người đọc, một người nghiên cứu cần có góc nhìn riêng của họ dựa trên cái nền và chiều rộng của tầm nhìn. Mục đích lớn nhất của tôi khi nghiên cứu là cố gắng làm rõ những điều mình cho là đúng (đồng ý) và nêu ra những gì mình thấy là đúng theo khả năng của mình nhưng khác với người khác (không đồng ý), góp phần tạo ra góc nhìn đa chiều cho một vấn đề, chứ không thể theo một hướng nhất định, ắt sẽ đi vào lối mòn.
- Là thế hệ đi sau, anh gặp phải ưu thế và hạn chế nào trong quá trình nghiên cứu? Môi trường nghiên cứu hiện nay ở Việt Nam liệu đã đủ đáp ứng cho những người theo đuổi công việc nghiên cứu như anh hay chưa?
* Thế hệ nào cũng gặp phải những hạn chế nhất định trong quá trình nghiên cứu bởi điều kiện cũng như môi trường. Để tìm tư liệu cho một công trình nghiên cứu, tôi phải dựa vào vận may là chính. Cho dù mình có bỏ bao nhiêu công sức và thời gian để tìm mà không may mắn thì không thể tìm ra, vì sự khan hiếm nguồn tư liệu gốc cũng như tư liệu tham khảo. Bên cạnh đó, kinh phí cho nghiên cứu hết sức hạn hẹp. Việc không cởi mở trong học thuật cũng đang là vấn đề tồn tại hiện nay. Người nghiên cứu không tìm lối đi riêng, không dám phát biểu ý kiến riêng, bởi e dè những “cây đa cây đề” hoặc do không động não nên cứ nói lại những gì người đi trước nói. Có không ít người trong giới nghiên cứu tin vào những gì những “cây cao bóng cả đã tỏa tán ra che phủ”, họ không dám đi ra khỏi bóng râm đó. Nếu có người bước ra khỏi bóng râm, lập tức có sự kỳ thị, nói theo kiểu bây giờ là bị “ném đá”!