Sáng 6-2, Hội Nhà văn TPHCM tổ chức lễ tổng kết hoạt động năm 2014, kết nạp hội viên mới và trao giải thưởng văn học. Người được trao giải thưởng chính thức lần này là một tên tuổi có vẻ xa lạ: PrékiMalamak, với tập thơ Hát đi em. Vậy thơ và người thơ PrékiMalamak thật sự thế nào?
Không ít người ngạc nhiên khi giải thưởng chính thức duy nhất của Hội Nhà văn TPHCM năm 2014 được trao cho tập thơ Hát đi em của một tác giả còn ít được biết tới là PrékiMalamak. Càng ngạc nhiên hơn khi nghe giải thưởng công bố, nhiều người gõ trên internet chẳng tìm thấy bài thơ nào của nhà thơ người dân tộc Châu Ro này. Tôi liên tục nhận được tin nhắn chất vấn: PrékiMalamak là ai? Thơ ông có gì đặc biệt?
Tập thơ Hát đi em của nhà thơ PrékiMalamak gồm 18 bài thơ và một số phụ bản, được nhà thơ Thanh Quế từ thành phố Đà Nẵng viết lời tựa, gói gọn chỉ trong gần 50 trang in do NXB Văn hóa Văn nghệ ấn hành quý 2-2014. Đây là một tập thơ khá mỏng so với mặt bằng những tập thơ ấn hành bình thường hiện nay. Mỏng về số bài số trang nhưng chất lượng thơ thì chẳng “mỏng” chút nào, nếu không nói là khá ấn tượng.
Không phải bài nào trong tập thơ cũng hay, nhưng dù viết về chính dân tộc Châu Ro của mình hay các dân tộc thiểu số anh em, dù viết về lý tưởng cộng sản, lãnh tụ Hồ Chí Minh, anh hùng Nguyễn Văn Trỗi hoặc thầm thì đối thoại với con cái thì nhà thơ PrékiMalamak đều tạo dựng ở đó một không gian thẩm mỹ mang đậm bản sắc Châu Ro, với vốn tri thức thâm hậu, trải nghiệm sống phong phú, xúc cảm chân thành mãnh liệt và cấu trúc thơ vững chãi. Một tiếng thơ mang âm hưởng núi rừng hoang vu, lạ lẫm, quyến rũ. Tôi đặc biệt yêu thích những bài thơ mà nhà thơ PrékiMalamak viết riêng về chính dân tộc thiểu số Châu Ro đầy bí ẩn với nỗi day dứt khôn nguôi:
“Mẹ sinh tôi trên đá bàn
Cha đẻ tôi trên đá tảng
Rau tôi chôn nơi hốc đá
Da tôi màu đất, tóc tôi màu đá.
Mẹ trỉa lúa trên đá cuội
Mẹ tra ngô trên đá hòn
Cha cõng nước từ hang đá
Cha dựng nhà nơi chân đá.
Cây táu, căm xe, bằng lăng, gõ đỏ...
Gỗ đứng trăm năm ngực lồng nắng gió
Ăn đất của đá, uống nước của đá” (Đá)
Có thể nói Hát đi em là tập thơ đặc sắc. Đặc sắc bởi PrékiMalamak, theo tôi biết, là nhà thơ hiện đại người dân tộc Châu Ro đầu tiên xuất bản tập thơ đầu tiên, được tuyển lọc kỹ sáng tác của mình trong nửa thế kỷ. Đặc sắc bởi tập thơ mang đậm tinh thần văn hóa Châu Ro, với những vỉa tầng ngôn ngữ, thi ảnh, hình tượng, suy tư, liên tưởng, dự cảm bất ngờ và khác biệt những gì mà thơ Việt từng có. Và một nét đặc sắc nữa là sức ám ảnh mà tập thơ mang lại về tình yêu, nỗi đau, số phận của cả một dân tộc chưa rõ từ đâu đến và không để lại nhiều dấu vết ký ức giữa bốn bề trập trùng đá và đá:
“Không để lại những lâu đài, cung điện
Những thành quách nguy nga
Những đình chùa, miếu mạo
Những tháp cổ kiêu sa
Những lăng tẩm, mộ phần, bia đá...
Ta là ai, Châu Ro?
Châu Ro, ta là ai?
Từ đâu đến?
Từ Cửu Long giang cổ quàng phù sa đỏ?
Từ biển biếc xa mờ sóng vờn lưng cát nhỏ?
Từ Langbian sương mù thác khóc mòn mi đá...?”
Và rồi bằng ý thức người con của Châu Ro, nhà thơ đã cố công kiếm tìm nhưng vô vọng:
“Lục trong mông lung hư không ta kiếm
Bới dưới tầng sâu cát bụi ta tìm
Thấy gì đâu! Thấy gì đâu! Ắng lặng!
Chỉ thấy dấu chân nghèo hằn trên thớ đá khô!”.
(Châu Ro, ta là ai?)
Châu Ro, ta là ai? Câu hỏi âm vọng lịch sử một dân tộc mà cũng là câu hỏi cho riêng một nhà thơ vừa được vinh danh giải thưởng: PrékiMalamak, ông là ai?
Có tên tiếng Việt là Trần Tấn Vĩnh hay gọi tắt là Trần Vĩnh, ông sinh ngày 20-12-1937 ở xã Hắc Dịch, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. PrékiMalamak đi theo cách mạng từ thời kháng chiến chống Pháp, tập kết ra Bắc học tập, dạy học, sáng tác văn học. Ông từng là sinh viên tốt nghiệp và được nhà trường giữ lại giảng dạy ngữ văn tại Đại học Tổng hợp Hà Nội, rồi chuyển vào giảng dạy ở Đại học Sư phạm TPHCM sau ngày đất nước thống nhất năm 1975. Ông còn tham gia nghiên cứu, xuất bản nhiều công trình về ngôn ngữ, văn hóa dân gian dân tộc Châu Ro cùng với các nhà nghiên cứu Nguyễn Tấn Phát, Đinh Lê Thư, Bùi Mạnh Nhị, Võ Quang Nhơn, Điểu Thời…
Nhà thơ PrékiMalamak xuất hiện trên thi đàn từ đầu thập niên 1960 ở Hà Nội, nhưng là người thơ khó tính nên ông viết chậm và ít, hiếm khi đăng báo, lại càng hiếm có mặt trong những sinh hoạt thi ca. Trong lời tựa tập thơ Hát đi em, nhà thơ Thanh Quế cho biết về PrékiMalamak thời đại học: “Tôi học sử năm thứ nhất, anh học văn năm thứ ba. Hai nhà chúng tôi ở sát bên nhau. Ngày ấy lớp anh có nhiều người làm thơ, sau này là những cây bút tài năng như Diệp Minh Tuyền, Lữ Huy Nguyên, Xuân Tùng, Lệ Thu… Chúng tôi chơi thân với nhau. Préki làm thơ, viết nháp được đoạn nào đều đọc cho tôi nghe để góp ý. Anh thường viết đi viết lại, xé bỏ nhiều lần, vật vã như người mẹ sinh con…”.
Như vậy, tuy với thế hệ hôm nay PrékiMalamak còn xa lạ, nhưng đối với các nhà thơ thế hệ chống Mỹ thì ông là người quen. Còn xa lạ bởi ông biết mình là ai và từ đâu đến. Còn xa lạ bởi công việc lao động sáng tạo nghệ thuật với ông rất nghiêm túc và thầm lặng. Còn xa lạ bởi ông biết náu mình để cho thơ lên tiếng, chứ không chạy theo hư danh và phong trào đồng ca. Để khi tiếng thơ tiếng hát của tâm hồn ông, đại diện cho dân tộc Châu Ro của ông, thật sự cất lên bằng tập thơ đầu tay tinh lọc Hát đi em thì đời sống văn học trân trọng đón nhận một thi sĩ khiêm nhường và tài năng đích thực. Một đời thơ chỉ cần như thế cũng hạnh phúc, dù tôi tin thi sĩ PrékiMalamak vẫn chưa ngừng cuộn trào cảm hứng khi gần tuổi bát tuần như tiếng chim vling của núi rừng luôn cất cao tiếng hót:
“Krwach! Krwach! Krwach!
Mày kêu gì đó, ơ... chim Vling lông tuyền?
Có khách! Có khách! Buôn có khách!
Khách nào vậy, ơ… chim Vling đuôi rẽ quạt?
Người Thái, người Tày, người Mường, người Dao
… từ núi cao đến.
Ơ… các con! Mở cửa nhà Rông, mở cổng làng
Luộc gạo nanh chồn thơm ba ngọn núi
Nướng gà mái ấp mập như trái cam
Khiêng rượu ba năm mời bạn bè ăn, uống”
PHAN HOÀNG
Nhà thơ PrékiMalamak (Trần Vĩnh)
Có một người
Có người chết, một gia đình thương khóc
Có người mất, một dòng họ để tang
Có một người không còn, cả hành tinh rơi lệ
Hồ Chí Minh là người như thế.
Chhơ kte
Trong rừng già Mrơ (1)
Có Chhơ Kte (2)
Tuổi già như Châu Ro
Rễ cắm sâu vào đất
Lá mập cành sum suê
Ong về đu võng mật.
Ở rừng già Mrơ
Có Chhơ Kte
Bom cưa đầu trọc lóc
Rắn cuộn tròn rễ gốc
Vòi hút máu cây xanh
Gió quấn băng tang, khóc.
Tại rừng già Mrơ
Dưới nách Chhơ Kte khô
Đội đá cười với nắng
Một chồi tơ nõn nà.
--------
(1) Một chi thuộc cộng đồng người Châu Ro ở Bà Rịa.
(2) Cây gõ đỏ.
Đối thoại con
Viết cho Linh - Đông
- Ba,
Sao cây bằng lăng già quê mình
Trán găm đầy vết sẹo
Gò mối trăm năm lẻ
Ngực quánh bầm máu đen?
- Có gì đâu con
Trong trận chống càn
Tiểu đoàn lâm nạn
Cây bằng lăng già và gò mối trăm năm lẻ
Ưỡn ngực che đạn
Cho các bác
Và
Ba
Để mẹ nở hai đóa hoa nhân ái.
Tháng Ba Châu Ro
Tháng Ba Châu Ro
Hoa nở nghiêng rừng
Ong đi cõng mật
Cánh trắng mùa xuân.
Tháng Ba Châu Ro
Thách đổ cầu vồng
Các thiên thần
Nằm trần trên đá
Tóc xõa
Ngực xõa
Váy xõa.
Gió thổi.
Tháng Ba Châu Ro
Lưỡi lửa bập bùng
Tay múa nhạc núi
Mông xòe nhạc rừng.
Tháng Ba Châu Ro
Cha đi dựng cổng
Ông đi làm thang
Rước thần lúa về làng.
Tháng Ba Châu Ro
Rượu cần dựng đứng
Cần nứa vít cong
Người đông như mối
Tiếng chiêng leo núi
Tiếng còng lội sông.
Tháng Ba Châu Ro
Trời đất xoay vần.
Minh họa: K.T.
------------
Trước năm 1945, đồng bào Châu Ro không ăn Tết Nguyên đán. Theo tục lệ, hàng năm vào dịp tháng Ba Âm lịch (ngày không cố định), đồng bào tổ chức lễ hội cúng thần lúa (cuh yang va) và 3 năm/lần cúng thần rừng (cuh yang vri) rất linh đình.