Tiếp sức đưa trẻ đến trường

Quỹ Học bổng Nguyễn Thị Minh Khai đã có hành trình 31 năm gắn bó với học sinh khó khăn, nhưng ít ai biết rằng, người lập nên quỹ học bổng bền bỉ ấy là bà Lý Kim Mai, Chủ tịch Hội Khuyến học quận 5. 
 Bà Lý Kim Mai trao học bổng cho học sinh nghèo, hiếu học năm học 2019-2020
Bà Lý Kim Mai trao học bổng cho học sinh nghèo, hiếu học năm học 2019-2020

Mục tiêu đặc biệt 

Đang sấp ngửa lo thêm mấy suất học bổng để kịp trao cho học sinh đầu năm học mới, bà Lý Kim Mai tâm sự: “Dịch Covid-19 làm mọi thứ đảo lộn hết. Tầm này mọi năm là đám nhỏ có tiền đóng học phí rồi. Năm nay công việc kinh doanh của mạnh thường quân bị ảnh hưởng nên quỹ khuyến học cũng rối tung mù. Nhưng kiểu gì cũng phải xoay đủ cho các cháu”.

Nhớ lại thời điểm Học bổng Nguyễn Thị Minh Khai hình thành, bà Mai cho biết lúc đó rất nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn, tình trạng trẻ bỏ học cũng ngày càng đông. Để kéo giảm tình trạng trên, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam phát động cuộc vận động “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình, nuôi dạy con tốt, góp phần hạn chế trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học”. Khi đó bà Mai làm Hội trưởng Hội LHPN quận 5 và từng có 15 năm đứng trên bục giảng. 

Những năm tháng đứng lớp, bà Mai chứng kiến nhiều học trò bỏ học để mưu sinh, bởi vậy bà coi nội dung “hạn chế trẻ bỏ học” là mục tiêu đặc biệt mà bản thân phải làm được. “Hồi đó, mấy giải pháp như vận động nhà trường miễn giảm tiền học cho các em có hoàn cảnh khó khăn…, chúng tôi đã thực hiện cả, nhưng tỷ lệ trẻ bỏ học vẫn không giảm nhiều. Nhìn tụi nhỏ lần lượt nghỉ ngang, xót ruột lắm”, bà Mai tâm sự. 

Những năm 1970-1980, cộng đồng người Hoa ở quận 5 có những hình thức hỗ trợ học sinh như tặng quà, vở tập, sách, tặng tiền. Từ đó, bà nảy ý tưởng về học bổng. Ngày đó, cụm từ “học bổng” còn lạ lẫm, nên bà kiên trì giải thích tỉ mỉ để mạnh thường quân hiểu ý nghĩa của học bổng và may mắn nhận được sự đồng cảm của mọi người. Năm học 1989-1990,  Học bổng Nguyễn Thị Minh Khai bắt đầu được trao đợt đầu với 59 suất/năm, mỗi suất 50.000 đồng. Sau 30 năm ra đời, học bổng đã huy động được 800 suất/năm với trị giá 3 triệu đồng/suất. Tính đến nay, Học bổng Nguyễn Thị Minh Khai của quận 5 đã trao tặng 17.079 học sinh nghèo hiếu học với tổng số tiền hơn 10,3 tỷ đồng. 

“Năm 1990, đồng chí Nguyễn Thị Định (khi đó là Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam) vào thăm TPHCM, biết đến học bổng Nguyễn Thị Minh Khai của quận 5, đồng chí đã mời đại diện hội phụ nữ quận ra Trung ương hội báo cáo điển hình. Cũng năm đó, đồng chí phát động học bổng Nguyễn Thị Minh Khai trên toàn TPHCM và nhiều địa phương khác trên cả nước học tập mô hình Tiếp sức trẻ đến trường của Hội LHPN quận 5”, bà Lý Kim Mai tự hào cho biết. Đến nay, Học bổng Nguyễn Thị Minh Khai đã trở thành quỹ học bổng quen thuộc dành cho học sinh nghèo, hiếu học tại TPHCM.

Trái ngọt

Xuất thân từ gia đình khó khăn, mất mẹ sớm, khi 7 tuổi, bà Lý Kim Mai phải chăm lo gia đình với 3 cậu em nhỏ. Đồng lương làm thuê của cha chỉ đủ bữa cơm bữa cháo, vì vậy muốn có vở tập, bút đi học, bà phải đi làm. “Hơn ai hết, tôi hiểu tình cảnh của những học sinh nghèo. Ở hoàn cảnh ấy, ranh giới giữa việc đi học và bỏ học vô cùng mong manh, chỉ cần ý chí lung lay đôi chút là có thể thất học. Bởi vậy, bằng mọi cách, phải tiếp sức để những đứa trẻ hiếu học được đến trường”, bà Mai tự hứa với bản thân như vậy. 

Từ hoàn cảnh của bản thân và nhiều học trò từng dạy dỗ, bà Mai không ngừng phát triển học bổng lớn mạnh. Bước chân của bà Mai và các thành viên trong Hội LHPN quận 5 đã rảo trên nhiều xóm lao động, tìm đến nhiều học trò nghèo để động viên, trao học bổng. Với sự tận tụy của bà, nhiều đứa trẻ có nguy cơ bỏ học nay đã trưởng thành, có việc làm ổn định, đóng góp cho xã hội và quay lại cùng với quỹ hỗ trợ cho những lứa đàn em đi sau. 

Bà Mai nhớ mãi hoàn cảnh của cô bé Đinh Thị Mỹ Hòa (ngụ phường 4) khi đó. Cha mất, mẹ bị bệnh tim, 3 mẹ con Hòa sống lay lắt bằng nghề móc chổi thuê. Không ít lần cánh cửa đến trường học tưởng chừng đã khép lại với Hòa, nhưng năm 1994, khi được Học bổng Nguyễn Thị Minh Khai tìm đến, cô bé yên tâm tới lớp. Học bổng đã cùng Hòa đi suốt chặng đường từ lớp 3 đến khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế TPHCM. Đến nay, Hòa đã có việc làm ổn định và không ngừng hỗ trợ lại đàn em có hoàn cảnh như mình trước kia.

Trong số những học sinh nhận học bổng, bà Mai luôn tự hào khi nhiều người đã trưởng thành và tham gia công tác, giữ các vị trí quan trọng tại địa phương. Như chị Diệc Tuyết Mai, Chủ tịch UBND phường 4; chị Trương Thị Phương Lan, Phó Chủ tịch UBND phường 2 hay Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Chủ tịch HĐND phường 13…

Năm 2004, dù đã tới tuổi nghỉ hưu nhưng khi được Ban Thường vụ Quận ủy quận 5 đề xuất phụ trách Hội Khuyến học quận, bà Lý Kim Mai nhận lời và gắn bó cho đến ngày nay. Bà bảo, mấy mươi năm gắn bó với học trò nghèo, còn sức khỏe, còn minh mẫn, bà còn muốn đồng hành cùng các em. Vậy là ở tuổi 77, bà Mai vẫn miệt mài với những suất học bổng, vẫn đau đáu tìm cách tiếp sức trẻ đến trường. 

Với những cống hiến của mình, bà Lý Kim Mai được Thành ủy TPHCM tuyên dương điển hình học tập và làm theo tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh năm 2019-2020.

Tin cùng chuyên mục