Tiếp tục đổi mới hệ thống chính trị, phát huy dân chủ trong Đảng

Cùng với việc đổi mới thể chế kinh tế, một vấn đề được thảo luận nhiều tại Đại hội lần thứ XI của Đảng là việc đổi mới hệ thống chính trị và phát huy dân chủ trong Đảng. Nhiều đại biểu cho rằng, sự đổi mới hệ thống chính trị cũng như phát huy dân chủ trong Đảng là yếu tố sống còn để Đảng tiếp tục nắm vững sự lãnh đạo và phát triển đất nước trong thời kỳ mới.

Cùng với việc đổi mới thể chế kinh tế, một vấn đề được thảo luận nhiều tại Đại hội lần thứ XI của Đảng là việc đổi mới hệ thống chính trị và phát huy dân chủ trong Đảng. Nhiều đại biểu cho rằng, sự đổi mới hệ thống chính trị cũng như phát huy dân chủ trong Đảng là yếu tố sống còn để Đảng tiếp tục nắm vững sự lãnh đạo và phát triển đất nước trong thời kỳ mới.

  • Chọn người có tâm và tầm cho nhiệm vụ đổi mới

Theo đồng chí Đỗ Hoài Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam, nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN của Việt Nam đòi hỏi một hệ thống chính trị không quan liêu, có quyết tâm chính trị và giải pháp hữu hiệu để đẩy lùi tham nhũng, thất thoát và lãng phí các nguồn lực phát triển của xã hội.

Để đáp ứng tốt các yêu cầu của đổi mới kinh tế, cán bộ các cấp của hệ thống chính trị cần phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, trong sạch, công tâm, đoàn kết, trí tuệ, có tư duy đổi mới một cách khoa học, đảm bảo giữ vững định hướng chính trị của sự đổi mới và phát triển kinh tế, xây dựng nền tảng cho sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước vì mục tiêu phát triển con người Việt Nam và vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Đồng chí Phạm Phương Thảo, đoàn đại biểu TPHCM, cho rằng, thời gian tới, cần phát huy dân chủ trong Đảng nhiều hơn bằng việc tạo điều kiện triển khai chất vấn trong Đảng. Quy định về chất vấn trong Đảng đã có nhưng vừa qua chúng ta thực hiện chưa thật sự tốt.

Người đứng đầu cần tạo điều kiện và làm sao để chất vấn trong Đảng, trong sinh hoạt chi bộ trở thành điều bình thường. Sau đại hội này cần tạo điều kiện triển khai cụ thể vấn đề này.

Sự đổi mới hệ thống chính trị ở nước ta là đổi mới và hoàn thiện tổ chức bộ máy, nội dung và phương thức hoạt động, thể chế hoạt động của hệ thống chính trị hiện có nói chung và từng thành viên của hệ thống chính trị đó nói riêng nhằm xác định rành mạch, rõ ràng chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm và quyền hạn của cả hệ thống chính trị và của từng thành viên trong hệ thống. Qua đó đáp ứng cao nhất và tốt nhất yêu cầu phát triển và quản lý nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam của dân, do dân và vì dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Yêu cầu phù hợp, đồng bộ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới hệ thống chính trị trong giai đoạn 2011- 2020 đòi hỏi đổi mới kinh tế phải kiên định, triệt để, mạnh mẽ và đồng bộ, vững chắc hơn theo định hướng thị trường, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các chủ thể kinh tế và cải cách nền hành chính công, sớm hình thành một nền kinh tế thị trường đầy đủ, giảm hợp lý đầu tư công, nâng cao hiệu quả của đầu tư công, đẩy mạnh quá trình cơ cấu lại khu vực kinh tế nhà nước trên nguyên tắc thị trường, cạnh tranh, công nghệ mới, hiệu quả.

Mặt khác, trên cơ sở tiếp tục đổi mới tư duy kinh tế và tư duy chính trị cần tập trung sức giải quyết những vấn đề vướng mắc trong thực tiễn cũng như lý luận về đất đai, sở hữu đất đai, thị trường đất đai và bất động sản trên đất; về lao động, thị trường lao động, tiền công, tiền lương và hệ thống an sinh xã hội; về vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước để tháo gỡ những rào cản của tư duy chính sách kìm hãm sự giải phóng triệt để sức sản xuất, khai thác, sử dụng có hiệu quả cao nhất mọi nguồn lực, nguồn vốn cho phát triển nhanh và bền vững đất nước.

  • Tập trung dân chủ là nguyên tắc “sống còn”

Cũng theo đồng chí Đỗ Hoài Nam, nội dung lãnh đạo của Đảng được thể hiện thông qua Cương lĩnh chính trị, đường lối, chiến lược và chính sách phát triển 5 năm và hàng năm của Đảng. Nâng cao nội dung lý luận và thực tiễn của các văn bản này là điều kiện tiên quyết để nội dung lãnh đạo của Đảng được dựa trên những luận cứ khoa học và chỉ có trên cơ sở này, sự cầm quyền của Đảng mới được thực hiện một cách khoa học. Cầm quyền vì dân và dựa vào dân, cầm quyền theo Hiến pháp và pháp luật, cầm quyền một cách khoa học, cầm quyền dân chủ sẽ tạo những nền tảng bền vững để Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền trường tồn và lãnh đạo tốt quá trình đổi mới kinh tế, đổi mới hệ thống chính trị. 

Nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, để thúc đẩy đổi mới kinh tế và đổi mới hệ thống chính trị, giải quyết tốt quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới hệ thống chính trị, trước hết Đảng phải tiếp tục tự đổi mới toàn diện, đồng bộ và hài hòa cả nội dung lẫn phương thức lãnh đạo.

Nội dung lãnh đạo, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội trong điều kiện kinh tế thị trường, Nhà nước pháp quyền, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế có nhiều điểm mới, chưa có tiền lệ đối với Đảng, đòi hỏi Đảng phải tự giải đáp từ tổng kết thực tiễn đổi mới, trên cơ sở đó tiếp tục nâng cao trí tuệ, tầm nhìn, tư duy khoa học, từng bước hình thành những quan điểm lý luận chỉ đạo thực tiễn cũng như từ tham khảo kinh nghiệm quốc tế, chứ không thể chỉ dựa vào kinh nghiệm đã có.

“Nhìn thẳng vào sự thật để thấy một hiện tượng đau lòng là hiện nay tình trạng xa dân, vô cảm với dân, mất dân chủ với dân, hành dân, sách nhiễu dân đang làm một bộ phận nhân dân giảm lòng tin vào Đảng. Đây là điều không được phép xem thường vì mất lòng tin của dân là mất dân; mất dân là mất Đảng, mất chế độ” – đồng chí Đỗ Hoài Nam phát biểu.

Nhiều ý kiến tại đại hội phân tích, vấn đề dân chủ, công khai và công bằng trong công tác cán bộ của Đảng trước hết đang đòi hỏi phải đổi mới cơ chế đánh giá cán bộ và tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ vào các chức danh lãnh đạo các cấp của hệ thống chính trị. Cần cụ thể hóa tiêu chuẩn cán bộ vì phần lớn những tiêu chuẩn này còn dừng lại ở mức độ định tính, chưa phù hợp với từng loại chức danh cán bộ, cương vị công tác, nhiệm vụ được giao cho từng loại cán bộ, từng cấp cán bộ. Thực hiện cơ chế lựa chọn ứng viên có số dư cho việc tuyển chọn và bổ nhiệm cán bộ. Các ứng viên phải trình bày đề án, trả lời các câu hỏi có liên quan. Trên cơ sở đó, những người có thẩm quyền bỏ phiếu đánh giá, lựa chọn.

Đồng chí Trần Văn Truyền, Tổng Thanh tra Chính phủ, cho rằng, việc chất vấn trong Đảng là vấn đề rất hệ trọng, thuộc nguyên tắc của Đảng. Do vậy thời gian tới sự lãnh đạo, điều hành của Đảng, đặc biệt là đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng cũng phải xác định nhiều vấn đề, trong đó xác định trách nhiệm của các tổ chức dưới sự lãnh đạo của Đảng, xác định những hình thức và phương thức thể hiện sự lãnh đạo của Đảng, trong đó có cả xác định một số vấn đề thuộc nguyên tắc trong lề lối làm việc để làm sao làm được việc tập trung dân chủ.

“Tập trung dân chủ là nguyên tắc mang tính sống còn của tổ chức Đảng. Dân chủ thực sự phải bàn một cách thoải mái, đầy đủ, tự do, không bị gò hay rào đón, thủ thế. Còn tập trung, khi đã bàn rồi, thống nhất rồi, thành nghị quyết rồi thì nhất định không có ý kiến khác hay nghĩ khác, làm khác. Tôi nghĩ đây là trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi đồng chí Ủy viên Trung ương khóa mới có thể làm cho hoạt động chất vấn trong Đảng thực sự dân chủ, sôi nổi, tích cực hơn”- đồng chí Trần Văn Truyền đặt vấn đề.

LƯU NGHĨA SƠN

Tin cùng chuyên mục