Tiếp tục xảy ra nhiều vụ sạt lở bờ sông ở An Giang

Ngày 1-7, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Ứng phó biến đổi khí hậu – Phòng, chống thiên tai và Phòng thủ dân sự tỉnh An Giang Lương Huy Khanh cho biết, đơn vị đang tiếp tục phối hợp cùng địa phương rà soát, theo dõi, cập nhật tình hình thiệt hại do sạt lở bờ Bắc kênh 10 Châu Phú, khu vực thuộc ấp Hưng Thạnh (xã Đào Hữu Cảnh, huyện Châu Phú).
Sạt lở bờ kênh và đường giao thông nông thôn ở xã Đào Hữu Cảnh, huyện Châu Phú, An Giang. Ảnh: CTV

Sạt lở bờ kênh và đường giao thông nông thôn ở xã Đào Hữu Cảnh, huyện Châu Phú, An Giang. Ảnh: CTV

Theo đó, khoảng 10 giờ ngày 30-6, đã xảy ra sạt lở bờ Bắc kênh 10 Châu Phú (thuộc khu vực ấp Hưng Thạnh, xã Đào Hữu Cảnh). Sạt lở không gây thiệt hại về người, nhưng khiến sụp một đoạn bờ Bắc kênh 10 Châu Phú dài khoảng 30m, ăn sâu vào 1/2 mặt đường cấp phối đá dăm, gây sập 1 mái trại tạm của hộ dân và ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân trong khu vực. Ngoài ra, có nguy cơ ảnh hưởng đến 5 hộ dân phía bên trong đường, nếu sạt lở tiếp tục xảy ra.

Nguyên nhân được xác định ban đầu do mái taluy đường thẳng đứng (không có cơ), khu vực có dòng nước chảy xiết, các phương tiện thủy lớn chạy qua tạo sóng lớn đập vào bờ, mưa dầm thời gian gần đây làm cho đất mềm yếu, kết hợp tải trọng trên bờ lớn… gây sạt lở bờ.

Ban Chỉ huy Ứng phó biến đổi khí hậu – Phòng, chống thiên tai và Phòng thủ dân sự huyện Châu Phú và xã Đào Hữu Cảnh đã tiến hành khảo sát thực địa, đề xuất phương hướng xử lý.

Địa phương đã thực hiện giăng dây cảnh báo, lắp đặt các biển báo, treo đèn cảnh báo xe lưu thông để đảm bảo an toàn; các lực lượng công an, quân sự tiến hành chặt mé cây, di dời vật kiến trúc để giảm tải, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của người dân.

Tại dự án Khắc phục sạt lở kết hợp kiên cố hóa tuyến đường bờ Bắc kênh Cái Sắn (giai đoạn 2), xã Phú Thuận, huyện Thoại Sơn, hiện nay, hạng mục gia cố đã thi công hoàn thành. Tuy nhiên, trên tuyến xuất hiện thêm một số vị trí sạt lở mới, gây mất ổn định nên tạm thời không thể triển khai hạng mục xây dựng đường được.

Do đó, cần tiếp tục thực hiện gia cố thêm tuyến đường với chiều dài khoảng 885m để hoàn chỉnh hệ thống kè đảm bảo tính ổn định lâu dài, phục vụ nhu cầu an sinh và sản xuất của người dân sinh sống trong khu vực.

Tuyến sạt lở bờ kênh Rạch Giá – Long Xuyên, đoạn qua thị trấn Phú Hòa, huyện Thoại Sơn, An Giang. Ảnh: CTV

Tuyến sạt lở bờ kênh Rạch Giá – Long Xuyên, đoạn qua thị trấn Phú Hòa, huyện Thoại Sơn, An Giang. Ảnh: CTV

Đối với đoạn sạt lở tuyến đường Rạch Giá – Long Xuyên, xã Định Mỹ, đầu tháng 6 vừa qua, tuyến đê Tây kênh Rạch Giá Long Xuyên (đê bao kết hợp lộ nhựa giao thông nông thôn) đã có hiện tượng rạn nứt cơ đê.

Đến ngày giữa tháng 6, đoạn đê bao này đã xảy ra sụp lún tại vị trí thuộc số nhà 133, Tổ 8, ấp Mỹ Thành, xã Định Mỹ, huyện Thoại Sơn (cách cầu Thoại Hà 4 hướng về phía thượng lưu 700m). Sụp lún cơ đê với chiều dài khoảng 70m, rộng 2,5m, sâu 1,5m và có hiện tượng sụp lún nền đường dọc tuyến khoảng 700m.

Trước tình hình trên, ông Trần Anh Thư, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang yêu cầu, các đơn vị liên quan và chính quyền địa phương cần sớm có biện pháp xử lý sự cố sạt lở; khảo sát, thiết kế công trình đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế. Trước mắt, các địa phương gia cố tạm thời các điểm sạt lở, cần thiết làm kè mềm ổn định bờ để người dân đi lại an toàn và hạn chế xe ô tô lưu thông, phân công lực lượng thường xuyên kiểm tra, canh gác, nắm tình hình diễn biến sạt lở, báo cáo kịp thời các sự cố; động viên nhân dân khắc phục khó khăn…

Tin cùng chuyên mục