Tiếp xúc với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cử tri nức lòng khi quan tham bị vạch mặt chỉ tên

“Tổng Bí thư cùng với Đảng chỉ cho dân những ông quan to, quan nhỏ đã bị lộ và chưa bị lộ, những nhóm lợi ích nhóm vơ vét đục khoét ngân sách, làm giàu bất chính...”, cử tri cao tuổi Trần Viết Hoàn nói.

Sáng 13-5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng Tổ đại biểu số 1 Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã tiếp xúc với cử tri các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm (Hà Nội). Cuộc tiếp xúc diễn ra ngay sau hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII và trước kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV (khai mạc cuối tháng 5 tới đây).

“Nhân dân nức lòng khi nghe Tổng Bí thư nói ai nhụt chí thì đứng sang một bên để cho người khác làm. Đi liền với đó việc làm, quyết tâm của đồng chí nên đã đưa ra được xử lý hàng loạt các vụ án lớn”, cử tri cao tuổi Trần Viết Hoàn (phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình) hồ hởi nhận định. Ông là người đầu tiên phát biểu trong cuộc tiếp xúc sáng nay.

Tiếp xúc với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cử tri nức lòng khi quan tham bị vạch mặt chỉ tên ảnh 1 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri 2 quận Ba Đình và Hoàn Kiếm, TP Hà Nội, ngày 13-5-2018. Ảnh: TTXVN
Vẫn theo cử tri Trần Viết Hoàn, kỳ họp thứ 5 diễn ra trong tình hình kinh tế đất nước đạt mức tăng trưởng 6,81%, cao nhất trong vài năm trở lại đây; tình hình xã hội ổn định.
“Tổng Bí thư cùng với Đảng chỉ cho dân những ông quan to, quan nhỏ đã bị lộ và chưa bị lộ, những nhóm lợi ích nhóm vơ vét đục khoét ngân sách, làm giàu bất chính, trong đó có cả quan cỡ bự đã phải ra vành móng ngựa”, ông Trần Viết Hoàn nói.
Tuy nhiên, cử tri cũng bày tỏ “khó hiểu” khi những vụ án lớn, những vụ xử lý kỷ luật cán bộ đã có sai phạm từ năm 2009, 2010, có vụ từ 2003 (như trường hợp bà Phan Thị Mỹ Thanh) nhưng đến nay mới bị xử lý.    
"Tội phạm vi phạm rất nghiêm trọng nhưng người vi phạm đó vẫn thăng tiến, thậm chí thăng tiến cao về quyền lực. Phải chăng có người chống lưng cho họ?", cử tri Trần Viết Hoàn chất vấn.
Bên cạnh cuộc chiến chống tham nhũng, cử tri Nguyễn Thị Bích Hợp (phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm) bày tỏ sự quan tâm đến nhiều vấn đề dân sinh khác như các chính sách giáo dục, dự kiến tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động, công tác phòng cháy chữa cháy…
Bà Hợp đồng tình cao với việc sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đầu tư cho lĩnh vực này, để tránh tình trạng “chảy máu nhân tài” - nhiều học sinh, sinh viên ưu tú học ở nước ngoài xong không trở về phục vụ đất nước...
“Đề nghị Nhà nước đầu tư cho giáo dục cho các vùng khó khăn để họ tiếp thu kiến thức để phát triển vùng, có chế độ đặc biệt cho các giáo viên vùng đồng bằng lên miền núi. Nhà nước cũng cần có chế độ khuyến khích học sinh giỏi của các gia đình khó khăn, đưa các em đi đào tạo, thu hút về làm việc cho các cơ quan trong nước…”, cử tri nhấn mạnh.
Lắng nghe tất cả ý kiến, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá cử tri đã nghiên cứu sâu sắc các nội dung dự kiến chương trình kỳ họp Quốc hội sắp tới.
Chia sẻ với cử tri Hà Nội về công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, Tổng Bí thư cho biết lần nào tiếp xúc, cử tri cũng bày tỏ sự quan tâm, chứng tỏ đây là vấn đề hết sức khó khăn phức tạp và vô cùng quan trọng.
"Nếu không có sự ủng hộ của toàn dân thì cuộc đấu tranh không thành công. Vừa qua làm được, đạt kết quả là nhờ có sự đồng thuận rất lớn của xã hội, nhân dân, làm nức lòng dân tạo và thêm niềm tin, củng cố quyết tâm làm tốt cuộc đấu tranh này”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Tiếp xúc với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cử tri nức lòng khi quan tham bị vạch mặt chỉ tên ảnh 2 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri TP Hà Nội, ngày 13-5-2018. Ảnh: TTXVN
Tuy nhiên, Tổng Bí thư lưu ý về lâu dài không chỉ chống mà giải pháp lâu dài là phải xây dựng cơ chế ngăn ngừa, răn đe nhằm không để xảy ra tham nhũng và để “nếu ai đã chót nhúng chàm thì gột rửa đi, thế là tốt nhất”. 
Trước kiến nghị của cử tri về việc cần tiếp tục đẩy mạnh chống tham nhũng trong thời gian tới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ, dư luận không chỉ trong nước quan tâm mà quốc tế rất hoan nghênh cách làm của chúng ta. Khẳng định hiện “lò đang nóng rực” và còn nhiều việc phải làm, Tổng Bí thư nhấn mạnh, công cuộc chống tham nhũng phải làm đến cùng, chắc chắn không bỏ giữa chừng. Trong đó, cần tập trung ngay từ chi bộ cơ sở.
“Phải phát huy vai trò giám sát Quốc hội, HĐND các cấp, nhân dân giám sát, tập thể chi bộ giám sát để mọi người không dám, không thể và không cần tham nhũng, không để xảy ra rồi mới đi chữa cháy. Trên thực tế không thể không làm”, Tổng Bí thư nói thêm.
Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh, công cuộc phòng chống tham nhũng là lâu dài, cần tất cả xã hội đồng lòng vào cuộc, vì thế không thể sốt ruột.
Ngoài ra, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng lưu ý, chúng ta không chỉ chống tham nhũng mà chống cả lãng phí, đồng thời khuyến khích làm theo hướng làm sao thu hồi được tài sản tham nhũng, lãng phí nhiều hơn nữa.
                                                                               Theo VGP NEWS

Tin cùng chuyên mục