Công việc chế tác mẫu rùa Hồ Gươm đã được thực hiện trong thời gian hơn 2 năm. Cụ rùa được bảo quản theo phương pháp nhựa hóa của CHLB Đức. Đây là phương pháp chế tác hiện đại nhất trên thế giới. Phương pháp này bảo quản mẫu vật tiên tiến với khả năng bảo quản nguyên trạng mẫu vật từ hình thái, màu sắc, kể cả những phần khó như mắt và diềm mai (cấu tạo bằng sụn).
Trước khi trưng bày tại đền Ngọc Sơn để nhân dân tham quan, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội đã thành lập hội đồng nghiệm thu với các thành viên là các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý có kinh nghiệm… để tiến hành nghiệm thu công việc chế tác mẫu vật.
Các thành viên hội đồng đánh giá chất lượng mẫu vật rùa sau chế tác vẫn giữ nguyên được thần thái rùa Hồ Gươm khi còn sống. Cụ rùa gắn liền với những sự tích và huyền thoại của Hồ Gươm được phát hiện chết ngày 19-1-2016 gần khu vực đường Lê Thái Tổ và đưa vào Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam bảo quản trong phòng lạnh ở nhiệt độ -20° C. Đây được coi là cá thể rùa cuối cùng ở Hồ Gươm. Cụ rùa được các chuyên gia người Đức kết hợp với Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam tiến hành công việc chế tác.
Như vậy tại đền Ngọc Sơn hiện đang trưng bày 2 tiêu bản rùa Hồ Gươm. Cụ rùa chết năm 2010 hiện được trưng bày ở đền Ngọc Sơn dài 1,2 m, nặng 52kg và Cụ rùa năm 2016 dài 2,08 m, ngang 1,08 m, nặng 169kg. Theo một số nhà khoa học mặc dù chưa xác định được chính xác tuổi của các cá thể rùa này nhưng ước tính đã sống đến vài trăm năm, thuộc nhóm thọ nhất thế giới.