
Chỉ sau hơn 3 tháng Bộ Y tế công bố hết dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm, thì Hà Nội, một trong những điểm nóng về dịch bệnh này lại xuất hiện bệnh nhân mắc tiêu chảy cấp có phẩy khuẩn tả.
Do không uống vaccine, ăn thực phẩm nguy cơ gây bệnh

Một bệnh nhân tiêu chảy cấp đang được điều trị.
Tính đến chiều 14-3, tại Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia, vẫn còn 3 bệnh nhân tiêu chảy cấp nguy hiểm có phẩy khuẩn tả đang được cách ly điều trị. Tuy nhiên sức khỏe của các bệnh nhân này đã tương đối ổn định và có thể ra viện trong vài ngày tới.
Đáng chú ý, trong số 3 bệnh nhân trên thì có 2 bệnh nhân sinh sống tại quận Hoàng Mai, một trong hai quận ở Hà Nội đã được triển khai uống vaccine phòng bệnh tả miễn phí trong tháng 1 vừa rồi.
Tại phòng bệnh, bệnh nhân Nguyễn Văn T., 50 tuổi, làm thợ nề ở quận Hoàng Mai (đã điều trị được gần 1 tuần) cho biết mình đã không đi uống vaccine tả khi y tế phường tổ chức. Còn bệnh nhân Trần Huy K., 40 tuổi, cũng ở Hoàng Mai thì nói, trước khi mắc bệnh, đã ăn tiết canh heo.
Theo BS Nguyễn Minh Hà, Trưởng khoa, đây là những bệnh nhân mới nhất trong số 7 bệnh nhân dương tính với phẩy khuẩn tả nhập viện trong 1 tuần qua. Những bệnh nhân này nhập viện đều trong tình trạng trụy mạch và mất nước nặng.
Điều tra dịch tễ cho thấy, cả 7 bệnh nhân trước đó đều có ăn các thức ăn đường phố và thức ăn sống có nguy cơ cao như tiết canh, thịt chó, mắm tôm sống, rau sống, thức ăn chế biến sẵn ngoài đường. Họ đều chủ quan không uống vaccine phòng tả cho dù đã được y tế cơ sở mời uống miễn phí.
Cảnh báo tái phát dịch
Trao đổi với PV Báo SGGP, PGS-TS Nguyễn Đức Hiền, Viện trưởng Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia cho biết, hiện thời số bệnh nhân đã xác định có phẩy khuẩn tả và nghi nhiễm tiêu chảy cấp đều ở Hà Nội.
PGS-TS Trần Đáng, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, người phát ngôn chính thức của Bộ Y tế về dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm cảnh báo, nguy cơ dịch tái phát trong thời gian tới là rất lớn.
Bộ Y tế sẽ tiếp tục chỉ đạo các địa phương, nhất là 13 tỉnh, thành phố có dịch năm ngoái tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là thức ăn đường phố. Tiến hành xử lý, thậm chí đóng cửa các cửa hàng không đảm bảo vệ sinh thực phẩm hoặc cố tình vi phạm.
Đồng thời, về phía người dân cũng cần thực hiện nghiêm theo các khuyến cáo của ngành y tế như: ăn chín, uống sôi, không ăn tiết canh, gỏi sống, rau sống, rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, hạn chế ăn các thức ăn ngoài đường phố.
KHÁNH QUỐC
TP Hồ Chí Minh: Bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ tăng cao Tg.L. |