
Chính những hoạt động gắn với thiên nhiên, xã hội trong ngày hè là cách để các em đối chiếu kiến thức đã học vào thực tế, làm giàu cảm xúc, tâm hồn. Thế nhưng mùa hè của trẻ ngày càng… ngắn lại, đến nỗi nhiều nhà giáo dục học phê phán người lớn đã “ăn cắp” ngày hè của trẻ, làm ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất lẫn tinh thần, đặc biệt là khả năng sáng tạo của trẻ.
- Một học kỳ 3 ngao ngán!

Các em học sinh dự trại hè Thanh Đa vui sinh hoạt tập thể.
Chưa kết thúc năm học, hầu hết các bậc phụ huynh và học sinh (HS) đã nhận được chương trình của “học kỳ 3”. Thông báo của Trường Tiểu học Trần Bình Trọng quận 5 nêu mục đích “củng cố kiến thức căn bản chuẩn bị cho năm học 2005-2006 và HS được sinh hoạt, vui chơi hè bổ ích”. Vậy nhưng thực chất các lớp sinh hoạt hè này cũng là các lớp học văn hóa thực sự, với thời khóa biểu đầy đặn không kém trong năm học: HS học bán trú 5 ngày/tuần, từ 7 giờ 30 đến 16 giờ.
Mức học phí cũng không mềm chút nào: 495.000 đồng. Nếu PHHS không có nhu cầu gửi bán trú, trường có các lớp học buổi sáng trải đầy 5 buổi/tuần. Không chỉ riêng Trường Tiểu học Trần Bình Trọng mà nhiều trường khác ở TPHCM cũng có nội dung học hè tương tự.
Sở GD-ĐT có văn bản nghiêm cấm các trường không giảng dạy trước chương trình cho các em HS, tránh việc học tập quá nặng nề đối với HS trong dịp hè. Việc ôn tập văn hóa hè (phụ đạo, bồi dưỡng) chủ yếu dành cho HS có học lực yếu kém, bắt đầu từ 1-7-2005 và kết thúc vào 15-8-2005.
Nhưng thực tế, văn bản của Sở “bất khả thi” với các trung tâm bồi dưỡng văn hóa quảng cáo rầm rộ “dạy đón trước chương trình nhằm chuẩn bị cho HS nắm vững những vấn đề học ở trường chính quy” ngay từ tháng 6. Trung tâm nào càng nghiêm khắc càng “được lòng” PHHS. Có trung tâm ra kỷ luật “sắt”: Trong hè HS phải mặc đồng phục và luôn mang theo sổ liên lạc để thầy cô, giám thị kiểm tra trước khi bước vào lớp. Nếu HS không mặc đúng quy định hoặc không có sổ liên lạc phải làm bản tường trình rồi mới lấy giấy vào lớp học (?!).

Các em thiếu nhi tham gia vẽ tranh tập thể tại công viên Lê Văn Tám.
Lịch học như nêu trên không khác mấy so với trong năm học nhưng với nhiều PHHS thì đây là giải pháp an toàn cho gia đình. Chị Việt Nga, quận 5 bộc bạch: Nhà ít người, ba mẹ đi làm từ sáng đến tối, chẳng có ai trông con. Gửi về quê lại sợ con tắm sông, tắm suối nguy hiểm. Cho con ở nhà một mình lại sợ con chúi mắt chúi mũi vào games, độ cận thị tăng vù vù…
Mùa hè – mùa chạy đua với… chữ nghĩa không chỉ xuất phát từ nguyên nhân “cần người trông trẻ” mà còn từ bệnh thành tích. Một cô bạn nhờ tôi tìm giùm 2 giáo viên dạy toán và lý.
Cô bạn nhấn mạnh: Phải tìm người giỏi thật là giỏi nhé vì cháu mình toàn đứng nhất, chỉ riêng môn toán cháu được 9,7 đó! “Sao không để cháu nghỉ ngơi thư giãn cho thoải mái”, tôi gợi ý. Cô bạn gạt ngang: Thôi, chơi nhiêu đó đủ rồi, không lo học từ bây giờ thì sao chạy kịp mấy bạn xuất sắc trong lớp, cũng đèn sách chăm chỉ trong hè. Dường như người lớn quên mất nhu cầu của trẻ.
Một HS Trường THPT Nguyễn Công Trứ Gò Vấp, đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Minh Hiển: Ở trường con, HS bị bắt buộc phải học hè từ giữa tháng 6 cho đến tháng 8, thậm chí giáo viên chủ nhiệm còn bảo nếu không học hè sẽ bị chuyển từ lớp chuyên xuống lớp thường. HS tụi con vui nhất là mùa hè được nghỉ ngơi thoải mái, có thời gian chơi thể dục thể thao và học những môn ngoại khóa yêu thích hay đi du lịch. Nay phải học từ giữa tháng 6 cho đến tháng 8 là chúng con lại phải lao vào chuẩn bị cho năm học mới vào tháng 9. Vậy còn đâu thời gian cho những hoạt động trên. Con không muốn mất đi khoảng thời gian đẹp đẽ này, con có rất nhiều kế hoạch phải làm trong hè…
- Xã hội hóa hoạt động hè, tại sao không?

Các em thiếu nhi vui chơi cờ vua trong công viên Tao Đàn.
Không thể phủ nhận xã hội cũng như các cơ quan chức năng đã cố gắng tổ chức nhiều chương trình giải trí, sân chơi dành cho HS, nhất là vào những dịp hè. Thế nhưng các sân chơi, các hoạt động hè ở địa phương chưa bắt kịp nhu cầu được vui chơi, giải trí phù hợp với tâm lý, lứa tuổi của các em.
Mặt khác, không phải em nào cũng có điều kiện kinh tế tham gia sinh hoạt các lớp năng khiếu, các trung tâm vui chơi giải trí. “Nhiều em tự do tung hoành không định hướng, để rồi sau 3 tháng hè không thể từ bỏ thói quen đã khắc sâu của một mùa hè dữ dội”, cô Ngọc Hoa, giáo viên Trường THCS Nguyễn Văn Tố quận 10, âu lo.
TPHCM có hơn 1 triệu HS các cấp, tổ chức cho đại đa số HS tham gia sinh hoạt hè là điều không đơn giản. Hiệu trưởng một trường quận 2 bộc bạch: “Chỉ đạo bên trên là các trường tổ chức cho học sinh có mùa hè vui, khỏe, lành mạnh, an toàn, bổ ích song nội dung thực hiện không có gì mới so với kế hoạch ở các năm trước, cũng khô khan và hình thức. Kinh phí chi cho hoạt động hè chỉ có 1.200 đồng/HS, mang ý nghĩa tượng trưng hơn là tính thực tế”. Dù vậy, một số trường đã có nỗ lực tạo sân chơi ý nghĩa, phù hợp với lứa tuổi HS.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Đặng Huỳnh Mai: |
Như ở Trường THCS Đức Trí quận 1, sinh hoạt vui chơi, giải trí được xếp kèm theo trong các buổi ôn tập. Các em được xem phim thiếu nhi có nội dung giáo dục, lịch sử, giải trí; học hát hoặc tham gia các lớp năng khiếu: lớp vẽ, lớp tin học, lớp bơi, bóng đá, võ thuật…
Nhà trường cũng sẽ tổ chức cho HS tham quan dã ngoại và xem đây như là phần thưởng cuối khóa hè cho HS chăm ngoan, chuyên cần, sinh hoạt và ôn tập tốt. Rõ ràng việc tạo dựng nhiều sân chơi đa dạng, phong phú cho trẻ trong ngày hè còn phụ thuộc vào mức độ quan tâm của từng trường.
Tại một phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc hồi đầu năm nay, Việt Nam đã cam kết xây dựng “Một thế giới phù hợp với trẻ em”. Nhưng, trẻ em vui chơi như thế nào và xã hội đầu tư cho nhu cầu của trẻ ra sao?
Các nhà thiếu nhi, trung tâm thanh thiếu niên liệu đã được đầu tư đúng mức, chương trình hoạt động đáp ứng nhu cầu các em? Bao nhiêu phần trăm trẻ không được tham dự sinh hoạt hè? Dường như chưa có một điều tra thống kê nào nắm bắt tâm sinh lý, nhu cầu vận động, vui chơi của trẻ.
Để ngày hè thật sự bổ ích, lành mạnh, an toàn với trẻ, các bậc cha mẹ mong muốn ngành GD-ĐT mạnh dạn đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động hè. Các trường “mở cửa” thu nhận HS tham dự các lớp hè đúng nghĩa với nhiều sinh hoạt phong phú, hấp dẫn. Song song đó, nhà nước cần có chính sách ưu đãi thu hút các nhà đầu tư xây dựng thêm nhiều sân chơi thiếu nhi để một mùa hè rộn ràng vui tươi thật sự cho các em không chỉ nằm trong… lời ca câu hát.
HỒNG LIÊN