Tìm hướng đi cho du lịch cộng đồng ở huyện miền núi Quảng Trị

Ngày 20-12, UBND huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) phối hợp với Phân viện văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế (VHNTQGVN) tổ chức Hội thảo khoa học chia sẻ kinh nghiệm phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện Hướng Hóa.

Hướng Hóa là huyện miền núi ở phía tây tỉnh Quảng Trị, có khí hậu tương đối ôn hoà và được thiên nhiên ban tặng địa thế núi rừng rất đa dạng. Có hệ thống rừng, hang động, thác nước trải rộng khắp trên địa bàn như: Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa, Động Voi Mẹp, Động Trỉa, Động Kulum, Động Brai, Cụm thác - động Tà Puồng.... Hướng Hóa có không gian lễ hội đặc sắc phong phú các dân tộc Vân Kiều, Pa Kô bao gồm các giá trị văn hóa lễ hội, cồng chiêng, phong tục, tập quán …

Huyện miền núi Hướng Hóa nơi thu hút nhiều dự án điện gió được đầu tư

Huyện miền núi Hướng Hóa nơi thu hút nhiều dự án điện gió được đầu tư

Đặc biệt, 2 năm trở lại đây, khi Hướng Hóa trở thành trung tâm năng lượng của toàn tỉnh, điện gió đã trở thành “tiềm năng đặc biệt” cho du lịch của địa phương. Những ưu đãi của thiên nhiên kết hợp với bản sắc văn hóa hiện có chính là tiềm năng để Hướng Hóa phát triển các loại hình du lịch tham quan, nghỉ dưỡng, phát triển du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm đời sống văn hóa địa phương, phát triển kinh tế, giao thương hàng hóa và dịch vụ.

Nhiều mô hình du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa tại huyện miền núi Hướng Hóa

Nhiều mô hình du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa tại huyện miền núi Hướng Hóa

Từ những tiềm năng, lợi thế đó, huyện Hướng Hóa đã xác định tập trung xây dựng 3 nhóm sản phẩm du lịch có tiềm năng, bao gồm: du lịch sinh thái, du lịch văn hóa - lịch sử và du lịch cộng đồng - làng nghề. Năm 2019, huyện Hướng Hóa đón trên 20.000 lượt khách, trong đó có trên 9.000 lượt khách nước ngoài. Riêng 9 tháng đầu năm 2022, các điểm du lịch đón trên 120.000 lượt khách, tăng gấp 6 lần so với năm 2019.

Mặc dù có nhiều lợi thế để phát triển du lịch nhưng đến nay, việc khai thác tiềm năng để thúc đẩy du lịch phát triển vẫn chưa được xứng tầm. Xúc tiến, kêu gọi đầu tư còn hạn chế. Các sản phẩm du lịch chưa được định hình rõ nét, một số mô hình du lịch hình thành tự phát, hoạt động theo thời vụ, chưa có chiến lược lâu dài. Việc xây dựng các sản phẩm du lịch còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử…

Tiến sĩ Trần Đình Hằng phát biểu tại hội thảo. Ảnh: LÊ TRƯỜNG

Tiến sĩ Trần Đình Hằng phát biểu tại hội thảo. Ảnh: LÊ TRƯỜNG

Tại hội thảo, thông qua một số mô hình du lịch cộng đồng ở các tỉnh hiện đang hoạt động hiệu quả được đại diện Phân viện VHNTQG tại Huế giới thiệu, các đại biểu đã tập trung thảo luận, góp ý tìm ra giải pháp phù hợp, hiệu quả để thúc đẩy du lịch cộng đồng ở Hướng Hóa ngày càng phát triển bền vững.

Phát biểu tại hội thảo, Tiến sĩ Trần Đình Hằng - Phân viện trưởng Phân viện VHNTQG tại Huế cho rằng, để khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh về du lịch, Hướng Hóa cần tranh thủ tư vấn của các nhà hoạch định chiến lược, chuyên gia du lịch để xây dựng các phương án phát triển chi tiết với định hướng lâu dài, không nên nóng vội.

Cần tạo cơ chế, khuyến khích cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các mô hình du lịch tại địa phương, phát triển du lịch cộng đồng phải gắn liền lợi ích của cư dân bản địa thông qua sự quản lý chặt chẽ của chính quyền các cấp.

Tin cùng chuyên mục