Tìm vốn đầu tư hạ tầng giao thông

Hàng chục năm qua, TPHCM cùng các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu là vùng kinh tế trọng điểm của đất nước. Trong đó, tam giác TPHCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu đóng góp rất lớn cho ngân sách quốc gia. 

Các địa phương nói trên hội tụ các phương thức vận tải về hàng hải, hàng không, đường sắt, nhưng chưa kết hợp với nhau. Tại khu vực này, Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) hiện là một trong 21 cảng của các châu lục tiếp nhận tàu container trọng tải lớn nhất thế giới.

Mỗi ngày, các xe tải lớn từ các tỉnh, thành muốn đến cảng để bốc hàng, đều phải lưu thông trên quốc lộ 51. Gần 10 năm qua, mật độ giao thông trên tuyến này đã vượt xa công suất thiết kế. Quốc lộ 51 theo thiết kế ban đầu có công suất 12.000 lượt xe/ngày đêm; đến năm 2021, công suất đã tăng lên gấp 3 lần. Trong dịp nghỉ Tết Dương lịch 2022, trung bình mỗi ngày có gần 50.000 lượt xe qua trạm T2 (tỉnh Đồng Nai). Với tầm quan trọng là vậy, việc đầu tư các tuyến để “chia lửa” cho quốc lộ 51 là cần kíp!

Tình trạng kẹt xe trên QL51, đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai trong dịp lễ 30-4 và 1-5-2021. Ảnh: TIẾN MINH
Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Công ty CP Phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (chủ đầu tư dự án mở rộng quốc lộ 51) đã bỏ ra 13 tỷ đồng để khảo sát, chuẩn bị cho việc đầu tư tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng đang tập trung để làm đường Vành đai 3. Tuyến này đi qua TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương và một phần nhỏ Long An. Điểm đầu của đường Vành đai 3 cũng là điểm đầu của đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài. Các địa phương nơi dự án đi qua đánh giá là rất cần thiết và cấp bách. Đặc biệt, trong những năm tới, khi sân bay quốc tế Long Thành đi vào hoạt động, nếu không có những tuyến kết nối mới giữa TPHCM với Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu thì sẽ tạo thêm một điểm tắc. 

Để thực hiện được các dự án hạ tầng liên vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cần tháo gỡ cơ chế PPP (đối tác công tư). Dù tư nhân đóng góp được 30% hay 40% trong vốn đầu tư cũng là tốt, còn hơn là Nhà nước làm toàn bộ. Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có nhiều công trình hạ tầng phải thực hiện theo hình thức PPP, vậy nên cần thiết phải đề xuất để Quốc hội tháo gỡ. Lâu nay, giữa các địa phương chưa có tính liên vùng, như vậy cần thành lập một quỹ đầu tư toàn vùng về hạ tầng, do một hội đồng quản trị cầm trịch, từ đó huy động các nguồn vốn từ Nhà nước đến tư nhân, cũng như để thu hút các nguồn vốn đầu tư khác.

Tin cùng chuyên mục