Tình viễn xứ

Cứ vào những ngày cuối năm, tôi lại nhận được các cuộc điện thoại của những người bạn đang sinh sống, làm việc và học tập ở nước ngoài: “T. ơi, có hoàn cảnh nào cần giúp đỡ không? Có gia đình nào không có tiền ăn tết không?”. Tuy không có nhiều tiền nhưng các bạn tôi vẫn dành dụm, không nhiều thì ít, gửi về quê chia sẻ với bà con nghèo. Ba cái tết vừa qua, tôi trở thành nhịp cầu kết nối những trái tim nhân ái, những tấm lòng viễn xứ nhớ về quê hương.

Sau khi nhận được điện thoại, tôi tìm các hoàn cảnh cần giúp đỡ được đăng trên trang “Nhịp cầu nhân ái” của Báo Sài Gòn Giải Phóng để chuyển thông tin qua cho họ. Một ngày sau, tôi đã nhận được điện thoại của dịch vụ chuyển tiền tại Việt Nam “Vợ chồng Anh Nguyễn ở San Jose-Mỹ gửi về 250 đô la Mỹ; anh Đại, chị Phượng ở Santa Ana gửi về 1.000 đô la Mỹ”…

Năm ngoái, cũng theo cách liên lạc thông thường như thế, một nhóm bạn của anh Nguyễn ở San Jose đã vận động gửi về 1.000 đô la Mỹ trong vòng 2 ngày để tặng cho gia đình cháu bé ở tận Bến Tre để giúp cháu mổ tim.

Đau đáu với những hoàn cảnh nghèo khổ, có nhiều bà con Việt kiều tuy không khá giả nhưng vẫn đều đặn gửi tiền về cho người nghèo trong dịp tết. Một doanh nhân mỗi dịp Tết Nguyên đán, đều trích ra 30 triệu đồng để tặng những người nghèo. Thông qua những bạn bè thân thiết anh nhắn gửi: “Cố gắng đến tận nơi và trao tận tay những người cần giúp đỡ, để họ có thể trang trải những ngày tết”.

Thế mới thấy, dù ở đâu, quê hương vẫn là nơi để người ta hoài niệm, để người ta luôn đau đáu nhớ về và mong muốn được sẻ chia.

Thảo Lê

Tin cùng chuyên mục